Nhớ hoài tô phở cơm nguội ấu thơ của bà tôi

LINH CHI,
Chia sẻ

Tôi như vẫn thấy dáng bà vội vã xách cà mèn nước phở băng qua con ngõ nhỏ về nhà, nhớ nụ cười móm mém của bà khi ngồi nhìn tôi húp xì xụp tô cơm nguội chan với nước phở, vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon không dứt.

Nhớ hoài tô phở cơm nguội ấu thơ của bà tôi - Ảnh 1.

Tô phở cơm nguội...

Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi những buổi sáng thời ấu thơ, nằm trên chiếc giường tre trong căn nhà nhỏ của nội phía đầu làng, mũi hít hà mùi phở thơm nức bay ra từ quán nhỏ ngay bên hông chợ. 

Chỉ cần nhắm mắt lại, tôi có thể nhìn thấy được đôi bàn tay gầy gò của bà Mão thoăn thoắt gắp phở bỏ vào tô, tay cầm dao thái miếng thịt bò xếp lên tô phở y như đang múa. 

Mấy cọng hành được bà thả vào tô trước khi dùng cái vá thật to múc nước từ nồi phở đang sôi liu riu rồi rưới một vòng tròn lên tô phở một cách điệu nghệ. 

Khói nghi ngút tràn ra khỏi tô, la đà bay lên một đoạn rồi tan biến, chỉ để lại mùi thơm tỏa ra mọi ngóc ngách trong quán nhỏ cũ kỹ lợp bằng phên tre. 

Hương phở như thấm vào làn da, theo từng mạch máu mà chạy thẳng vào tim khiến lòng như lâng lâng theo mùi hương kỳ diệu. 

Thế nhưng, tôi chưa từng được ăn một tô phở trọn vẹn từ quán của bà Mão.

Tôi vừa ra đời đã mất cha. Bà nội tôi kể, năm đó làng đón cơn bão to. Mẹ sinh tôi đúng lúc lốc xoáy chạy ngang qua làng, cuốn bay mái nhà đã cũ nát. Anh chị tôi lúc đó còn nhỏ xíu, mỗi người phải cầm một góc tấm ni lông che trên đầu bà cho khỏi ướt.

Tôi đỏ hỏn nằm trong lòng mẹ, tiếng khóc đầu đời không thể cất lên được dưới mưa gió bão bùng và rét lạnh căm căm.

Cha tôi trong lúc chật vật quây tấm tôn vào một góc để mẹ tôi vừa vượt cạn có chỗ tránh cơn mưa thì bị chiếc đòn tay va trúng đầu. Ông mất sau đó ít lâu vì không thăm khám kịp.

Mấy chị em tôi lớn lên thiếu bờ vai cha để tựa vào, chỉ mình mẹ tảo tần sớm hôm vất vả. Một mình mẹ phải chạy vạy lo miếng ăn cho gia đình năm miệng ăn. Cơm nhà bữa đói bữa no độn đầy khoai sắn, nên phở là món ăn xa xỉ trong tâm tưởng.

Nhà nội tôi nằm cách chợ một con ngõ. Từ khung cửa sổ nhà bà có thể dễ dàng nhìn rõ ngọn khói xám bốc lên từ mái tranh lụp xụp của quán phở bà Mão. Ngọn gió la đà về đậu trên khung cửa bao giờ cũng mang theo mùi phở thơm nức.

Tôi nhớ những bữa cơm bên hiên nhà lúc ban trưa, khi mẹ vắng nhà tha hương vì cuộc mưu sinh dài đằng đẵng. Chị em tôi ngồi xoay vòng bên mâm cơm chỉ có tô canh lõng bõng, vừa ăn cơm vừa hít hà mùi phở len trong gió mà cứ ngỡ mình đang thưởng thức tô phở ngọt lành.

Tôi nhớ năm mình học cấp hai, được trường chọn đi thi học sinh giỏi. Đêm đó, bà nấu cơm nhiều hơn mọi lúc, rồi dành lại một chén để hôm sau tôi ăn sáng cho ấm bụng để đi thi cho tốt.

Sáng sớm, bà mang cặp lồng băng qua con ngõ nhỏ, bà chỉ dám mua một cặp lồng nước phở từ số tiền được cất kỹ trong túi áo, số tiền mỗi tháng mẹ tôi đều đặn gửi về để bà nội lo cho ba chị em tôi.

Nước phở nóng hổi, thơm phức, những cọng hành xanh nõn cứ xoay vòng trong làn nước trong vắt. Tôi đổ cơm nguội ra tô, chan nước phở vào rồi ăn lấy ăn để.

Tô phở đầu tiên trong đời mà tôi ăn không có sợi phở dẻo dai, cũng không có những lát thịt, mà chỉ là những hạt cơm nguội nấu từ gạo ruộng đỏ au, khô ran khô rốc vì để qua đêm, sau khi ngấm nước phở thì nở bung ra, mềm dẻo và đậm đà ngon ngọt.

Chẳng biết có phải vì được ăn tô phở ngọt lành ấy, mà năm đó tôi được giải nhất môn văn cấp huyện.

Cho đến giờ, được đi khắp nơi, nếm đủ món ngon, nhưng tô phở cơm nguội thuở ấu thơ vẫn là món ăn ngon nhất tôi từng được nếm. Có đôi lần, về lại căn nhà xưa, nằm trên chiếc giường cũ, tôi lại như nghe thấy mùi phở thơm nức bay ra từ quán phở bà Mão bên hông chợ.

Quán phở bà Mão giờ không còn, bà nội tôi cũng đã khuất xa về miền mây trắng. Nhưng tôi như vẫn thấy dáng bà vội vã xách cà mèn nước phở băng qua con ngõ nhỏ về nhà, nhớ nụ cười móm mém của bà khi ngồi nhìn tôi húp xì xụp tô cơm nguội chan với nước phở, vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon không dứt. Miệng bà cười tươi, đôi mắt lấp lánh. 

Chợt bàng hoàng nhận ra dường như giọng bà vẫn còn vang đâu đó, giục tôi húp cạn tô nước phở để đến lớp cho kịp giờ thi.

Chia sẻ