Nhà văn Hoàng Anh Tú: Nhiều bố mẹ bỏ qua HAI CHỮ quan trọng này, rồi xem con như tội đồ khi trẻ có hành vi giới tính sai lệch
Việc tò mò về giới tính của trẻ là chuyện không cha mẹ nào ngăn cản được. Câu chuyện đang nhận được hơn 8.000 bình luận trên facebook của tôi không phải là câu chuyện cá biệt.
Tin buồn là việc sai lệch này có thể xảy ra ở bất cứ đứa trẻ nào trong quá trình trưởng thành của chúng. Việc tò mò về giới tính của trẻ là chuyện không cha mẹ nào ngăn cản được. Câu chuyện đang nhận được hơn 8.000 bình luận trên facebook của tôi không phải là câu chuyện cá biệt.
Nếu ai đã từng theo dõi facebook của tôi sẽ biết rằng trước đó đã có nhiều tâm sự của các bậc cha mẹ về vấn đề con trai ruột với con gái ruột có những hành vi giới tính lệch lạc. Thậm chí, đã từng có tâm sự của người đã từng là thủ phạm lẫn những người đã từng là nạn nhân ám ảnh chuyện đã từng xảy ra trong tuổi thơ họ.
Lần nào, những câu chuyện đó cũng gây bão. Nhưng lần nào tôi cũng chỉ thấy nhiều cha mẹ coi đó là chuyện kinh khủng, cá biệt, đáng sợ và ném đá kịch liệt người cha, người mẹ thay vì đi tìm lời giải nếu như chuyện đó xảy ra với chính gia đình mình.
Ai cũng nghĩ đó là chuyện con người khác mà không học cách giật mình nhìn lại con mình
Chúng ta ngoài cuộc nên nhìn mọi thứ đơn giản. Nhưng 12 năm làm Chánh Văn của tôi cũng như 5 năm đứng mục Chuyện Riêng Tư - Giáo dục giới tính trên báo Hoa học trò cho tôi thấy rằng đó là chuyện không hề cá biệt. Chỉ là những đứa trẻ, những cha mẹ có dám nói ra không hay họ tìm cách giấu nó đi như vết nhơ trong lòng.
Một số hành vi lệch lạc này có thể kể ra như nhìn trộm người khác tắm, động chạm vào vùng kín, thủ dâm, xem phim nóng… hay tồi tệ hơn, có quan hệ tình dục với em gái ruột. Tin buồn, nó là một phần trong quá trình trưởng thành của khá nhiều đứa trẻ.
Kết quả của việc chúng ta coi chuyện giáo dục giới tính là chuyện khó nói, khó chia sẻ, khó đối thoại với con. Nhiều cha mẹ chỉ đi mua sách giáo dục giới tính về thảy cho con là xong việc. Nhiều cha mẹ coi đó là chuyện của nhà trường. Nhiều cha mẹ quan tâm hơn thì đi mời các chuyên gia về. Tôi cũng là người nhận được lời mời nhiều vô cùng. Nhưng những điều đó chẳng giúp gì cho con bạn cả nếu như không có sự tham gia trực tiếp của cha mẹ.
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Nhiều cha mẹ chỉ đi mua sách giáo dục giới tính về thảy cho con là xong việc. Nhiều cha mẹ coi đó là chuyện của nhà trường. Nhiều cha mẹ quan tâm hơn thì đi mời các chuyên gia về. Nhưng những điều đó chẳng giúp gì cho con bạn cả nếu như không có sự tham gia trực tiếp của cha mẹ.
Tôi có một cuốn sách "30 ngày cùng con học hiểu về phòng chống xâm hại". Nhưng tôi không muốn bán nó cho những cha mẹ mua về chỉ để thảy cho con đọc. Tôi nhấn mạnh không biết bao lần hai chữ CÙNG CON. Nhưng nhiều cha mẹ luôn tránh né việc "Cùng Con" như thế.
Thật sự, trong suốt hơn 20 năm qua, tôi luôn đau đáu với việc các cha mẹ bỏ quên hai chữ "Cùng Con" này. Cha mẹ nhiều khi để tiền bạc "Cùng Con", để thầy cô giáo "Cùng Con" để sách vở "Cùng Con" còn mình thì đứng ngoài chỉ đạo. Nên khi xảy ra chuyện, nhiều cha mẹ đánh mắng con, coi con như tội đồ, thoá mạ con, trừng trị con, coi con như vết nhơ bẩn thỉu… Cho mày ăn học bao năm mà mày vẫn bôi tro trát trấu lên mặt bố mẹ thế này à?
Đau lòng hơn, những người xung quanh cũng vậy. Con cái ai hư hỏng, sai lệch đều thoá mạ bố mẹ chúng thay vì chia sẻ với họ cách dạy con. Trong hơn 8.000 comment kia là một ví dụ. Ai cũng nghĩ đó là chuyện con người khác mà không học cách giật mình nhìn lại con mình, thay đổi cách làm cha mẹ của mình để "Cùng Con" đúng nghĩa.
"Cùng Con" đúng nghĩa bắt đầu phải là việc lắng nghe con nhiều hơn
"Cùng Con" đúng nghĩa bắt đầu phải là việc lắng nghe con nhiều hơn. Lắng nghe chứ không phải bắt chúng nói. Mỗi ngày, mỗi cha mẹ đang dành ra bao nhiêu thời gian để lắng nghe con? Hay chúng ta đổ lỗi cho vất vả mưu sinh để từ chối nghe con nói? Chúng ta xua đuổi con khi chúng ta mệt mỏi với những gì đang diễn ra ngoài kia. Bố bận lắm. Mẹ đang bận. Lũ trẻ đang trưởng thành trong cô đơn.
Việc chúng tiếp xúc với mạng xã hội hay những youtube phản cảm, đen đúa, xấu xí chúng ta đổ lỗi cho xã hội này loạn lạc. Chúng ta chỉ dễ mà làm bằng cách cấm đoán, tước bỏ, trừng phạt và phán xét lũ trẻ thay vì "Cùng Con" sửa chữa. "Nhìn cây sửa đất - Nhìn con sửa mình" cũng là sự "Cùng Con" như vậy, đều cần sự tập trung nhiều hơn nữa của cha mẹ.
Các ông bố vẫn đi xin clip 8 phút tắm bồn thì sao nói được con mình đừng đóng clip đen? "Cùng Con" không phải là coi con như tội đồ và mình là người phán xử. Lắng nghe con không phải chỉ khi chúng nói ra mà còn phải là những thứ chúng chưa biết nói ra cách nào, những thứ chúng chưa nói, những thứ chúng đang giữ trong đầu. Chỉ khi "Cùng Con" bạn mới "hiểu", "đọc" và "cảm" được. Chỉ khi "Cùng Con" bạn mới có thể sửa chữa được những lệch lạc trong suy nghĩ của con.
Ở mỗi độ tuổi của con, chúng ta cần cha mẹ theo mỗi level tương ứng. Thay vì mua sách về cho con đọc, hãy mua sách về cùng con đọc. Cái gì chưa biết thì hãy google đi, gọi điện cho người thân, hỏi ý kiến khán giả…
Hành trình trưởng thành cùng con chính là hành trình trưởng thành của công việc làm cha, trách nhiệm làm mẹ. Thời đại nào rồi mà còn kêu là không biết cách? Người ta chỉ không biết cách khi mà người ta không muốn học, không muốn hiểu, không muốn tìm kiếm cách.
Giáo dục giới tính cho con không phải chỉ là chuyện chỉ cho con đâu là vùng kín, đâu là vùng riêng tư
Giáo dục giới tính cho con không phải chỉ là chuyện chỉ cho con đâu là vùng kín, đâu là vùng riêng tư không ai được xâm phạm mà còn là tạo cho con biết và hiểu về những chuẩn mực sơ đẳng. Như con trai - con gái khác nhau ở điều gì ngoài bộ phận sinh dục. Như không gian riêng tư của con phải được tôn trọng và bất khả xâm phạm dù đó là bố mẹ, anh chị em ruột đi nữa. Là chính bố mẹ phải thực hành đầu tiên.
Đừng thay quần áo trước mặt con hay thoải mái cho con tè ngoài đường, thay quần áo cho con giữa shop bán quần áo trẻ con. Là cho con biết thân thể của con là thứ con cần phải bảo vệ nó cũng như con không được quyền xâm phạm đến thân thể người khác. Tạo vòng tròn phản ứng phòng vệ cho con và tạo lằn ranh giới hạn với con. Dạy con hiểu bằng chia sẻ chứ không phải bằng bài học.
Là mỗi ngày chứ không phải vì hôm qua đọc bài viết của tôi mới nhớ ra là phải về dạy con. Một đứa trẻ được tiếp xúc thường xuyên với những chuẩn mực xã hội thông qua mỗi tình huống xảy ra quan trọng hơn là đến lúc xảy ra mới nói. Như đèn xanh đèn đỏ trong hiệu lệnh giao thông vậy. Con tuân thủ hiệu lệnh giao thông sẽ hiểu về sự an toàn khi tham gia giao thông.
Đừng coi nhẹ dù chỉ là một vài tình huống đơn giản. Như vượt đèn đỏ khi đèo con thì làm sao trẻ hiểu đèn đỏ là dừng lại? Như bắt thằng anh phải biết yêu thương con em nhưng không dạy con về giới hạn của yêu thương. Như thoải mái thay quần áo cho con em trước mặt thằng anh, hoặc cho chúng tắm chung với nhau cho tiết kiệm thời gian tắm của bố mẹ…
Mỗi sai lệch của con không phải là tội lỗi của con. Như con ăn trộm tiền của cha mẹ, như con nói dối cha mẹ hay tệ hơn, con có những hành vi lệch lạc giới tính với anh chị em ruột. Không thể đánh mắng, nổi điên, trừng phạt hay thoá mạ con. Hãy trò chuyện cùng con như đó là một thứ chúng ta cùng nhau sửa chữa.
Con xem phim nóng thì chúng ta trò chuyện với con về tác hại của phim nóng, về đó là một thứ văn hoá phẩm độc hại chứ không phải con là kẻ tội đồ. Con ăn trộm tiền của cha mẹ là một hành động xâm phạm trái phép chứ không phải con là thằng ăn cắp. Sửa lại cho đúng chứ không phải phán quyết con. Nếu con đã có hành vi giới tính với em mình thì là con đã hiểu sai về tình cảm anh em chứ không phải tội đồ hay thằng bệnh hoạn.
Giúp con hiểu con đang sai ở đâu để cùng sửa trị chứ không phải trừng trị. Đừng đẩy con vào hố đen tội ác. Đừng biến nó thành vết nhơ suốt đời. Chúng ta hãy sửa chữa cùng con để sau này điều đó không còn xảy ra nữa chứ không phải trừng trị con như một vết ố mà con phải nhớ suốt đời.
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Giúp con hiểu con đang sai ở đâu để cùng sửa trị chứ không phải trừng trị. Đừng đẩy con vào hố đen tội ác. Đừng biến nó thành vết nhơ suốt đời.
Và cuối cùng, thưa các cha mẹ, trong quá trình trưởng thành của nhiều đứa trẻ, những sai lạc trong cơn tò mò giới tính của con luôn xảy ra. Nó có thể xảy ra ở trẻ 3 tuổi, 5 tuổi, 11 tuổi hay thậm chí 15,16, 17 tuổi. Con bạn đang rất ngoan nhưng chúng cũng có thể đã từng có những suy nghĩ như vậy. Chỉ là chúng đã không làm vậy bởi chúng được hiểu điều đó là sai. Là hiểu bản chất chứ không phải do bố mẹ cấm đoán. Thế nên, việc chúng ta cần làm là giúp con hiểu điều đó sớm lúc nào hay lúc đấy.
Không bao giờ là quá muộn trong việc cùng con hiểu về những lằn ranh giới hạn. Giống như đứa trẻ lúc mọc răng sẽ gặm mọi thứ nhưng lớn dần lên chúng sẽ không còn bạ đâu cũng đưa lên miệng cắn. Là bởi chúng hiểu dần lên trong quá trình trưởng thành. Với những điều khó hơn như tại sao không được có hành vi giới tính với em gái mình, đứa trẻ cần phải biết về cách anh chị em đối xử với nhau thế nào. Là chúng ta tạo ra những thang đánh giá, những tiêu chuẩn và cả những giới hạn.
Và quan trọng nhất, hãy hướng con đến những điều tích cực, những giá trị tích cực. Tạo ra cho con những môi trường trong lành bằng chính cách sống của chúng ta. Như trong câu chuyện "con riêng của chồng xâm hại con gái chung", nếu người cha không xem phim sex, liệu đứa con có thể tiếp xúc sớm với phim sex không?
Ở bầu thì tròn - ở ống thì dài. Cha mẹ chính là khuôn đúc con cái mình vậy. Bảo vệ môi trường xung quanh con còn cần cả việc cha mẹ không im lặng trước những thứ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến con mình.
Và lớn hơn, bạn có đang đóng góp điều gì tích cực cho cộng đồng và xã hội mà chúng ta đang sống hay không? Bởi một cái đập cánh của con bướm ở Châu Phi cũng có thể tạo ra cơn sóng thần ở Châu Á. Thế nên, trách nhiệm của chúng ta vẫn cứ là làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn từ chính bản thân mình để con cái chúng ta được thụ hưởng nó.