Nhà báo Trần Mai Anh: Những câu chuyện cổ tích bắt đầu từ sự rung cảm của trái tim người mẹ

HH,
Chia sẻ

Lễ ra mắt mạng xã hội Lotus ngày 16/9 tới đây có sự tham gia của một khách mời đặc biệt: Nhà báo Trần Mai Anh - mẹ bé Thiện Nhân, người phụ nữ nổi tiếng với câu nói: "Cổ tích sinh ra từ lòng người".

Không ngẫu nhiên mà sự kiện ra mắt Lotus - mạng xã hội "Make in Vietnam" - lại chọn chị Trần Mai Anh là một trong ba nhân vật truyền cảm hứng đặc biệt. Nữ nhà báo có vóc dáng bé nhỏ này không phải một "hot facebooker". Trang cá nhân của chị hiện chỉ ở mức hơn 62 ngàn người theo dõi. Nhưng sức ảnh hưởng và khả năng lan tỏa của cái tên Trần Mai Anh trong các hoạt động thiện nguyện cũng như trong việc hình thành nên những cộng đồng yêu thương là điều mà ít người nổi tiếng nào có thể làm được.

Điều tử tế bắt đầu từ rung cảm của trái tim người mẹ

Cuối năm 2007, sau nhiều thủ tục pháp lý, chị Trần Mai Anh chính thức trở thành mẹ nuôi của Thiện Nhân - cậu bé bị bỏ rơi ngay lúc lọt lòng, bị súc vật ăn mất một chân và bộ phận sinh dục. Khi đó, chị đang làm việc tại tạp chí Heritage, hưởng lương công chức, có một gia đình trọn vẹn với hai cậu con trai 5 tuổi và 3 tuổi. 

Trong hoàn cảnh của chị, nhận nuôi một đứa trẻ lành lặn đã là điều ít người làm. Nuôi một đứa trẻ mang những tổn thương khủng khiếp cả về cơ thể lẫn tâm lý lại càng hiếm ai dám nhận. Mang Thiện Nhân từ Quảng Nam ra Hà Nội, chị Mai Anh biết mình bắt đầu đặt chân vào một hành trình cam go không biết khi nào mới kết thúc - hành trình giúp Thiện Nhân trở thành một đứa trẻ bình thường.

Gần 13 năm đã trôi qua, từ cái đêm ngồi ngủ gục trên chiếc giường xa lạ của mẹ nuôi trong ngày đầu tiên về với gia đình mới, cậu bé 18 tháng tuổi năm ấy đã trở thành một chàng trai 15 mạnh mẽ hơn cả tưởng tượng. Những kí ức vừa đau đớn, vừa đẹp đẽ của 13 năm như vừa mới hôm qua.

quote mai anh

"Mẹ sinh con ra từ đâu?", đứa trẻ nào cũng hỏi mẹ của mình câu đó. Và Thiện Nhân cũng không ngoại lệ. Chị Mai Anh không muốn nói dối con, nhưng chị cũng chưa thể nói ra sự thật. Chị đã thủ thỉ với cậu con trai thông minh và nhạy cảm trước tuổi của mình rằng: "Mẹ sinh con ra từ tim".

Có lần, chị Mai Anh nói với con: "Nhân ơi, mẹ làm mất chân, mất chim của con đấy, con có giận mẹ không?", Thiện Nhân khi đó còn bé xíu đã trả lời: "Con không giận mẹ, mẹ là mẹ của con mà, mẹ làm gì con cũng được."

13 năm trước, người mẹ gầy gò nặng chưa tới 40kg tha lôi đứa con bé bỏng đi khắp nơi trên thế giới hòng tìm cách lấy cái con chim xinh xinh cho con của mình. 13 năm sau, người mẹ vẫn gày gò chưa tới 40kg còn chú lính chì đã trưởng thành, chuẩn bị bước vào ca mổ thứ 10 đầy thách thức. 9 cuộc đại phẫu đã trải qua, người đầu tiên cậu bé nhìn thấy trước khi chìm vào cơn mê là mẹ Mai Anh, người đầu tiên cậu bé nhìn thấy khi tỉnh lại sau gây mê cũng là mẹ Mai Anh. Người mẹ mảnh mai, bé nhỏ, từng suýt chết vì phình mạch máu não ấy chưa bao giờ bỏ cuộc, chưa bao giờ ngừng hy vọng, chưa bao giờ chịu dừng lại, ngay cả lúc tưởng là tuyệt vọng nhất như khi Nhân nắm tay mẹ bật khóc nức nở trên bàn mổ vì đau đớn: "Mẹ ơi, lâu quá!".

Cổ tích sinh ra từ lòng người

Hành trình chữa trị cho Thiện Nhân khiến chị Mai Anh có cơ duyên gặp gỡ, tiếp xúc với các GS, bác sĩ chuyên ngành niệu, nhi hàng đầu thế giới. Sự kiên cường của người mẹ bé nhỏ đã lay động trái tim của họ, dẫn họ đến Việt Nam không kèm theo bất kỳ mặc cả nào. 

Một chương trình thiện nguyện ra đời mang tên "Thiện Nhân và những người bạn" (TN&F) nhằm kết nối và hỗ trợ những gia đình có con khiếm khuyết bộ phận sinh dục, những người mẹ đồng cảnh như mẹ của Thiện Nhân. 8 năm qua, chương trình thực hiện đều đặn 1-2 lần mỗi năm tại các bệnh viện: Nhi trung ương, Đại học Y, Vinmec, Việt Đức, Nhi - phụ sản Đà Nẵng, Nhi Đồng 2 TP.HCM, với tổng cộng 410 ca phẫu thuật và 1500 ca tư vấn. 

Từ cuộc chiến đấu với một mình Thiện Nhân, chị Mai Anh bước vào một cuộc chiến đấu khác với hàng nghìn đứa trẻ giống Thiện Nhân. Từ một cậu con trai nuôi, giờ chị có hàng trăm con nuôi (tất cả các bệnh nhi được TN&F phẫu thuật đều gọi chị bằng mẹ). Và từ một vấn đề của gia đình mình, giờ chị phải đối mặt với cả nghìn vấn đề của cả nghìn gia đình khác. 

quote

Mỗi ngày, chị Mai Anh phải trả lời tin nhắn của hàng chục bố mẹ, đọc hàng chục hồ sơ, trong lúc chị vẫn phải đảm đương công việc ở cơ quan, vẫn phải chăm sóc ba cậu con trai của mình, vẫn phải làm việc kiếm tiền và giải quyết trăm thứ bộn bề của cuộc sống. Có những lúc mở máy tính ra mà kiệt sức phải nằm xuống đắp chăn tạm nghỉ. Lịch mổ mắt theo yêu cầu bác sĩ của chị bị hoãn vô thời hạn vì không biết thu xếp vào lúc nào. Nhưng chị bảo chị không thể dừng lại được: "Không dừng được đâu dù tôi rất mệt vì tôi có một đứa con bị thương."

Trong 8 năm thực hiện chương trình TN&F, chị Mai Anh chưa bao giờ đứng ra phát động một hoạt động gây quỹ nào. Dù kinh phí là vấn đề đau đầu với chị cũng như đội ngũ ê kíp. Thế nhưng TN&F luôn nhận được sự hỗ trợ từ những người theo dõi hành trình của Thiện Nhân. Hành trình ấy đã truyền cảm hứng mạnh mẽ để nhiều cá nhân, tổ chức lập nên các chương trình lan tỏa yêu thương, lan tỏa cái đẹp và sẵn sàng đồng hành với TN&F trước mỗi kỳ phẫu thuật. "Vẽ nên cổ tích", "Live to love - Sống để yêu thương", "Look at the world - Ngắm nhìn thế giới", "I have a dream - Tôi có một giấc mơ", "Vé đi tuổi thơ"... là một vài trong số rất nhiều chương trình xã hội được truyền cảm hứng từ 13 năm "sống để yêu thương" của người mẹ Trần Mai Anh.

15391240_1330243080359182_4497162089153715847_n

Người ta gọi chị là "bà tiên", người ta cũng gọi sự trưởng thành của Thiện Nhân hôm nay là "phép màu", là "cổ tích". Nhưng chị Mai Anh không muốn "bị" gọi như thế. Chị bảo tất cả những gì chị làm trước hết là để giúp con mình. Hành trình cứu con của mình lôi chị đi không theo một sự chủ động hay dự tính nào cả. Và bởi thế nó hồn nhiên như là lẽ sống. Và bởi thế, nó lan tỏa đi xung quanh tự nhiên như một hơi thở mát lành.

Lotus - MXH kết nối những trái tim "hoa sen"

"Cổ tích sinh ra từ lòng người", chị Mai Anh từng nói. Chỉ có lòng người mới tạo ra những điều kỳ diệu chứ không phải một tiếng khóc gọi Bụt hay chiếc đũa thần kỳ ảo. Cuộc đời sẽ đẹp hơn khi mỗi trái tim đều ấm nóng, mỗi khối óc đều hướng thiện và mỗi dòng tin trên mạng xã hội đều dành cho những điều tử tế.

Phải, những điều tốt đẹp bằng cách nào đó như mạch nước nguồn nuôi dưỡng những điều thiện lành tồn tại trong thế giới giàu vật chất, giữa dòng chảy hiện đại còn nhiều bất cập. Những người như nhà báo Mai Anh sẽ là những "bông hoa sen" lan tỏa sự hướng thiện và những điều tốt đẹp đến cộng đồng mạng nói chung và Lotus nói riêng. Như ý nghĩa của hoa sen, loài hoa đẹp dù mọc giữa đầm lầy thì hương thơm và vẻ đẹp trong lành của chúng cũng làm đầm lầy trở nên đẹp và ngát hương. Những tấm lòng hướng thiện, kết nối cùng nhau sẽ giúp lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Và đó cũng chính là điều mà Lotus mong muốn đóng góp cho xã hội, tạo ra một mạng xã hội lan truyền những giá trị nhân văn, những điều tích cực đến cuộc sống mỗi ngày.

inforgraphic-03-01-crop

Chia sẻ