Người thừa

Theo PNVN,
Chia sẻ

Một khuôn mặt xinh đẹp, một thân hình đủ để ai đó đi qua cũng phải ngước nhìn nay chỉ còn có thể ngồi trên chiếc xe lăn...

Hương chẳng thể nào ngờ trước mắt Hương, tên tội phạm với hành vi giết người không thành lại chỉ vừa mới tròn 15 tuổi. Trong đầu óc non nớt ấy với khuôn mặt đượm buồn thật khiến cô phóng viên trẻ không giấu nổi xúc động. Cậu bé Kiên ngồi trước mặt Hương nhưng gương mặt lại chẳng dám nhìn thẳng vào hướng người đối diện. Sự tĩnh lặng nơi khu giáo dưỡng này càng khiến không khí cứ trầm xuống, Hương nhìn cậu bé và cậu bé thì chẳng nói một lời nào. Dường như với nó, im lặng là giải pháp tốt nhất.

Tâm lý tội phạm chưa đến tuổi vị thành niên chính là đề tài Hương được Tổng Biên tập giao cho ngay ngày đầu tiên bước chân vào tòa soạn. Vậy mà khi bắt tay vào công việc thì lại chẳng mấy suôn sẻ. Thu hoạch của một ngày vào trại giáo dưỡng từ từ mờ sáng cũng chỉ được một con số không tròn trĩnh. Hương chẳng biết làm thế nào để có thể cậy răng cậu bé. Nó gan lỳ ngồi cùng Hương và mắt luôn luôn nhìn xuống.

Hương trở về nhà với cục tức lớn ở trong lòng, tự mình lên mạng và tìm hiểu về vụ án của Kiên mà không bỏ sót, kể cả chi tiết nhỏ nhất. Có rất nhiều thông tin về cậu bé, về quá trình dẫn đến việc phạm tội nhưng trong tất cả các bài báo ấy mặc nhiên chẳng thấy một dòng nào nói về mẹ đẻ của Kiên.
 

Bởi theo Hương hiểu dù có là kẻ độc ác nhất trên thế gian này thì trước mẹ mình, kẻ đó luôn yếu mềm. Còn Kiên không một lời ăn năn, chẳng một lời hối hận về sự việc mình làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ kế mà quan trọng hơn nó có thể khiến mẹ đẻ của cậu đau xót.

Kể cả khi lên giường ngủ rồi mà hình ảnh cậu bé Kiên cứ quanh quẩn trong đầu của Hương. Cô trằn trọc trong giấc ngủ không ngon cho tới sáng hôm sau. Hương trở lại căn nhà nơi Kiên, bố đẻ, mẹ kế và đứa em cùng cha khác mẹ sinh sống.

Một căn nhà giống như bao căn nhà khác nhưng bây giờ, sau gần 2 năm vụ án xảy ra, nó chỉ giống như một căn nhà hoang không người ở. Hương không dám vào tận nơi để hỏi bởi theo cô được biết kể từ khi vụ án xảy ra, từng đấy con người trong căn nhà ấy đã không còn coi Kiên là một thành viên trong gia đình. Cũng thật dễ hiểu nhưng chua xót làm sao, tội ác của Kiên không lấy đi mạng của bà mẹ kế nhưng cũng khiến bà suốt đời trở thành kẻ thương tật.

Một khuôn mặt xinh đẹp, một thân hình đủ để ai đó đi qua cũng phải ngước nhìn nay chỉ còn có thể ngồi trên chiếc xe lăn. Và thời gian thật đúng là kẻ thù đối với nhan sắc của bất kỳ phụ nữ nào, không ngoại trừ mẹ kế của Kiên. Giờ nhìn bà ta không thể tự di chuyển trên đôi chân của mình mới thấy sự bất lực đến thế nào. Thử hỏi làm gì có ai còn muốn nhìn thấy mặt Kiên, ngay cả chính bố đẻ của em.
 

Hương tần ngần đứng trước ngôi nhà ấy tưởng chừng vô vọng. Chỉ đến khi gặp người hàng xóm sống sát vách thì dường như mọi thắc mắc về Kiên mới có lời giải đáp. Cô lập tức trở vào trại giáo dưỡng xin gặp Kiên thêm một lần nữa. Ánh mắt Kiên vẫn thế, bình thản, chẳng màng tới mọi điều đang xảy ra xung quanh mình. Chỉ có Hương từ bấy đến giờ không bỏ qua từng cử chỉ nhỏ của Kiên. Nó xiết hai tay vào nhau chặt đến nỗi khiến đôi bàn tay đỏ rân lên, nhất là khi Hương hỏi về mẹ đẻ của nó. Cảm giác thằng bé đang phải kìm nén cảm xúc của mình trước câu hỏi đường đột đó. Sắc mặt nó thay đổi dần dần.

Đột nhiên nó nhìn thẳng vào mắt Hương với đôi mắt sắc lạnh rồi lại từ từ dịu xuống, hai hàng nước mắt từ đâu cứ tuôn trào trên khuôn mặt tưởng như chẳng có chút cảm xúc gì. Nó ngập ngừng nói quắt quãng: “Chị hỏi mẹ em sao? Có lẽ trên Trời cao mẹ đã mỉm cười trước số phận của kẻ thù”. Hương tiếp lời: “Em bảo mẹ em sẽ cười thật sao”.

Và cảm xúc được giấu kín trong lòng Kiên như bị bung ra trước câu hỏi của Hương: “Dĩ nhiên mẹ sẽ mỉm cười bởi chính người đàn bà đó đã cướp chồng của mẹ em, hất mẹ em ra ngoài đường giữa những con người mà mẹ không quen biết”. Kiên đã khóc nấc lên và câu chuyện về mẹ em chỉ như vừa mới xảy ra.

21 tuổi, mẹ Kiên theo cha về thành phố khi công trình làm đường mà cha em làm giám sát làm qua bản làng của mẹ hoàn thành. Cô gái dân tộc trong trắng, thơ ngây như đóa hoa rừng đã đem lòng yêu anh chàng người Kinh. Cô bỏ bản làng bởi một cô gái không cha, không mẹ như cô vốn dĩ luôn là cái gai trong mắt mọi người dân nơi đây. Cô đi theo tiếng gọi của tình yêu mà không hề biết tương lai đầy trắc trở đang chờ đón mình.

Hạnh phúc vốn chẳng vĩnh cửu với bất kỳ ai và với cô, đó là thứ hạnh phúc mong manh hơn bao giờ hết. Gặp phải chướng ngại vật đến từ chính gia đình nhà trai khi mà cái thai trong bụng đã ngày một lớn. Họ buộc phải chấp nhận cô chỉ vì đứa bé nhưng sự khinh miệt thì chẳng thể xóa nhòa trong lòng họ. Những khác biệt từ phía hai con người xa lạ từ đây mới nảy sinh.
 

Anh chàng người Kinh bỗng thấy mình lạc vào thế giới cô độc chỉ có hai vợ chồng, bởi trong ánh mắt của những người vốn dĩ là bạn thân của cậu có sự xa lánh, khinh miệt. Sự khó hòa nhập của cô gái cuối cùng khiến ngay chính người yêu thương của mình cũng không thể nhẫn nại hơn.

Thời gian 6 năm chẳng đủ làm thay đổi cô gái dân tộc và tình yêu trong căn nhà cô quạnh. Tận mắt chứng kiến sự phản bội của chồng đã khiến trái tim yếu đuối của cô không thể đứng vững. Cô kết liễu đời mình trước sự chứng kiến của đứa con thơ. Thằng bé đã gào thét, vật lộn trước cái chết của mẹ nó...

Hương hiểu cho đến tận bây giờ thì hình ảnh người mẹ vẫn luôn đau đáu trong trái tim của Kiên. Em đã trả thù cho mẹ, cho nỗi đau mà mẹ đã phải trải qua mà người gây nên không ai khác là bố và bà mẹ kế. Bảo làm sao mà đôi mắt của Kiên luôn chẳng biểu lộ chút cảm xúc gì với hai con người đó khi trong chừng ấy năm sống cùng, Kiên luôn thấy mình là kẻ thừa. Họ cười, họ hạnh phúc mà chẳng biết từng ngày, từng giờ, nỗi đau cứ dồn nén lên trái tim của cậu bé.

Kiên phạm tội, điều đó đáng trách nhưng càng đáng trách hơn với người đã sinh thành ra em. Dẫu sao Kiên cũng là một đứa trẻ, em cần được hưởng sự quan tâm chăm sóc của bố chứ không phải sự ghẻ lạnh phân biệt với đứa em cùng cha khác mẹ.

Nỗi đau đâu phải của riêng ai, Hương đang đồng cảm và đồng hành với nỗi đau của Kiên. Chỉ với một hy vọng góp thêm một lời tâm sự, bài báo sẽ khiến những bậc phụ huynh nhìn nhận lại chính mình. Ai sai, ai đúng không còn quan trọng mà quan trọng ở chỗ bố mẹ phải là người quan tâm, thấu hiểu và hóa giải mọi tâm tư nguyện vọng của các em.

Chia sẻ