Người phụ nữ mù tự tìm đường đến bệnh viện nhờ bác sĩ lăn tay vào lá đơn hiến tạng cứu người
Không thấy đường, chị mò mẫm từng bước lên cầu thang. Đến cửa Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, chị khẩn khoản nhờ bác sĩ viết rồi lăn tay giùm vào lá đơn đăng ký hiến tạng.
Đó là một trong những turờng hợp mà Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy không thể nào quên trong quá trình tiếp nhận những lá đơn đăng ký hiến tạng bằng cả tấm lòng của người dân.
Theo bác sĩ Thu, từ ngày đơn vị thành lập vào tháng 6/2014 đã nhận được hơn 5.000 đơn đăng ký tự nguyện hiến tạng. Nhiều trường hợp trong số đó rơi vào nghịch cảnh trớ trêu khi bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn giao thông. Có những người đột ngột qua đời, người nhà dù rất đau đớn nhưng vẫn chấp nhận ký vào lá đơn hiến tạng người thân để cứu các bệnh nhân vẫn còn cơ hội sống.
Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu tư vấn cho người dân vấn đề đăng ký hiến tạng.
Như trường hợp một người mẹ ở quận 2 (TP.HCM). Con trai chị bất ngờ bị tai nạn giao thông qua đời, người mẹ chấp nhận hi sinh, hiến gan, phổi, tim và giác mạc con để cứu 6 người.
Hay một người vợ tại Đồng Nai, đã cùng con trai ký vào lá đơn hiến tạng chồng chết não, để nhiều năm sau đó chịu nỗi oan bán tạng chồng kiếm tiền. Ngày được minh oan, chị thanh thản tâm sự: "Miễn mình không làm gì cắn rứt với lương tâm thì không có gì phải buồn".
Để người dân hiểu được hiến tạng là nghĩa cử cao đẹp cần cả một quá trình gian nan.
Nhưng cũng có những trường hợp người dân tự nguyên hiến tạng khi còn sống khỏe mạnh.
Người khiến Tiến sĩ Thu đến giờ vẫn còn nhớ hoài là một phụ nữ ngoài 40 tuổi, bị khiếm thị. Không còn thấy đường, chị lò dò từng bước chân, leo từng bậc cầu thang để đến Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người.
Nhiều trường hợp chịu hàm oan "bán tạng người thân kiếm tiền".
Tại đây, chị tâm sự với các bác sĩ, rằng mình muốn cho mọi thứ có thể cho được sau khi trút hơi thở sau cùng, để cứu lấy mạng sống những người bất hạnh. Nhưng chị không còn nhìn thấy ánh sáng, không thể tự tay điền vào tờ đơn đăng ký. Chị ngồi thật lâu như cố van nài điều gì đó.
Tiến sĩ Thu lặng người. Bà nhờ bộ phận pháp chế của bệnh viện đến chứng kiến và bảo nhân viên Đơn vị viết giúp.
Những ca ghép tạng xuyên Việt đã trở thành cột mốc không thể nào quên với các y bác sĩ.
Người phụ nữ lăn tay vào tờ đơn xin tình nguyện hiến tạng, vì không biết viết. Nhưng ánh mắt chị hào hứng đến lạ thường. Chị còn xin thêm những tờ đơn khác để về thuyết phục bạn bè đồng cảnh ngộ cùng đăng ký.
"Vài ngày sau, chị ấy đưa thêm bạn bè đến thật. Chúng tôi đã nhờ các bác sĩ chuyên khoa mắt đến kiểm tra mắt cho chị và mọi người, nhưng vì tình trạng quá nặng nên không còn hy vọng".
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy đến chúc Tết các gia đình có người thân hiến tạng.
Theo Tiến sĩ Thu từ khi đơn vị thành lập đến nay, có khoảng 100 gia đình đến tình nguyện đăng ký hiến cả nhà. Đơn vị luôn tạo điều kiện để người đăng ký có thể đến trực tiếp đơn vị để có thẻ ngay. Nếu không, họ cũng có thể đăng ký online hay gửi thư đến.
Vượt qua mọi nỗi đau, họ vui vì cứu được mạng sống ho nhiều người.
"Bất kỳ cá nhân đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Những người cao tuổi có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não" - Tiến sĩ Thu cung cấp.
Khó khăn nhất trong ghép tạng đối với các bác sĩ Việt Nam là nguồn hiến tạng khan hiếm, vì tư tưởng "chết phải toàn thây" vẫn còn rất nặng nề trong người dân. Mỗi ngày trôi qua, có hàng nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống.
Bà hi vọng mọi người có thể mở lòng, chung tay vì sự sống người dân. Đó chính là tinh thần tương thân tương ái đáng quý của người Việt.