Người phụ nữ góa chồng

donglongnu@...,
Chia sẻ

Từ một cô gái quen sống trong nhung lụa, những biến cố của cuộc đời đã làm cho mẹ tôi không còn đủ dịu dàng như trước, mẹ trở nên chai lì và “đanh đá” hơn trong cuộc sống để mưu sinh, và để bảo vệ những đứa con thơ dại của mình.

Người phụ nữ ấy là mẹ tôi. Bà không phải là vị nữ tướng đánh giặc, cũng không phải doanh nhân, không phải nghệ sĩ hay diễn viên nhưng với tôi bà là tất cả, là người phụ nữ chịu bao nhiêu tủi cực của suốt một đời. Mẹ tôi sinh năm 1961, tại vùng đất miền Trung đầy nắng và gió. Ông bà ngoại tôi là chủ một cơ sở sản xuất bánh kẹo có tiếng của vùng nên tuổi thơ của mẹ trôi qua êm đềm, không vướng bận cảnh nghèo khó. Năm 20 tuổi, khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Vinh, mẹ lên Tây Nguyên làm giáo viên theo lời kêu gọi của nhà nước đi xây dựng kinh tế mới. Rồi mẹ gặp cha tôi, tình yêu của cha mẹ đã vượt qua sự ngăn cấm của ông bà ngoại và cũng bắt đầu những chuỗi ngày vất vả của mẹ.    

Những khó khăn của nền kinh tế thời bao cấp đã phần nào giúp cha mẹ tôi cùng nhau cố gắng làm giàu. Không bao lâu sau, gia đình tôi đã nhanh chóng trở nên giàu có, cha mẹ sống hạnh phúc bởi mẹ là người phụ nữ đảm đang, khéo chiều chồng, nuôi con.

Năm 1994, cha tôi qua đời đột ngột khi mới bước qua tuổi 34. Có lẽ không ai ở quê hương tôi có thể quên được hình ảnh người vợ trẻ khóc ngất trong đám tang chồng và theo sau là 6 đứa con nhỏ dại. Đứa lớn ôm di ảnh cha chỉ vừa tròn 12 tuổi, và đứa út còn chưa đầy năm.

Cha tôi mất, vì không quen với công việc kinh doanh nên gia đình tôi lâm vào cảnh túng quẫn, mẹ phải nghỉ dạy và lăn lộn mưu sinh để nuôi chúng tôi khôn lớn. Một mình chèo chống, nợ nần chồng chất, vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ. Từ một cô gái quen sống trong nhung lụa, những biến cố của cuộc đời đã làm cho mẹ tôi không còn đủ dịu dàng như trước, mẹ trở nên chai lì và “đanh đá” hơn trong cuộc sống để mưu sinh, và để bảo vệ những đứa con thơ dại của mình. Những giọt nước mắt rơi mãi trong đêm cùng với sự cô đơn, vất vả không ai chia sẻ. Đôi mắt hằn rõ vết nhăn, chứa đựng cả những ưu tư, nhọc nhằn của những ngày tháng mưu sinh tự mình nuôi con khôn lớn.

Để có tiền cho chị em tôi ăn học, mẹ tôi đã phải làm rất nhiều nghề, bươn chải giữa xã hội xô bồ, tấp nập: bán cháo gà, cạo mủ cao su, bán xôi, bán gà nướng… Nhìn mẹ vất vả, không có được giấc ngủ trọn đêm, anh chị tôi có lúc định nghỉ học để phụ mẹ nhưng mẹ đã nói rằng cho dù mẹ phải vất vả hơn nữa, cực khổ hơn nữa hay nhà tôi phải bán nhà, mẹ cũng phải để chúng tôi học thành người vì đó là ước nguyện cuối cùng của cha. Buôn bán có lúc được, lúc ế nhưng 6 đứa con thì hàng ngày vẫn phải ăn, phải đến trường. Tôi nhớ như in hình ảnh mẹ tôi bị chủ nợ túm tóc kéo đi giữa trời mưa, kéo dài khắp phố, mặc cho chị em tôi khóc lóc, van xin. Đó là sự bất lực trước số phận, của cảnh đời phụ nữ góa chồng nuôi con. Có những hôm đài báo có bão, nhà nhà đều nghỉ bán, nhưng mẹ tôi vì muốn cố gắng kiếm kinh phí cho anh tôi đi thi anh trai tôi đi thi Olympic khu vực miền Nam, đã mặc kệ, vẫn cố gắng bán dù người ướt sũng và rét run. Không phụ lòng mẹ, anh trai tôi đã đạt được huy chương đồng.

Hơn 20 năm nay, kể từ ngày cha tôi mất, tôi chưa bao giờ thấy mẹ được ăn ngon, nụ cười của mẹ cũng chất chứa nhiều nỗi ưu phiền, nhọc nhằn. Niềm vui của mẹ là khi nhìn giấy khen của chúng tôi dán đầy nhà, niềm tự hào khi chúng tôi đều là học sinh của trường chuyên tỉnh nhà, tham dự nhiều kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh, Olympic và Học sinh giỏi cấp quốc gia và đều tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng.
Chia sẻ