Người Hà Nội xoay xở khi khó kiếm shipper
Nhiều người dân ở Hà Nội cho biết họ hoặc tranh thủ đi siêu thị vào giờ thấp điểm, đặt hàng qua điện thoại hoặc đi chợ luân phiên và ưu tiên các loại thực phẩm có thể trữ lâu khi shipper không được hoạt động.
Chị Nguyễn Lan (Cầu Giấy) cho biết mình bắt đầu làm việc tại nhà và hạn chế ra ngoài đường ngay khi Hà Nội bắt đầu áp dụng giãn cách toàn xã hội. Thay vì đi chợ vào sáng sớm như thói quen, chị Lan chọn cách gọi điện đến siêu thị gần nhà đặt hàng. Nhân viên siêu thị sẽ giao hàng đến tận nơi.
“Mấy hôm nay đọc báo thấy các khu chợ đông đúc nên tôi cũng ngại đến chợ, nhu cầu ăn uống của gia đình phải điều chỉnh so với ngày thường”, chị chia sẻ. Đối với các mặt hàng tươi muốn chọn tận tay, chị đến siêu thị vào giờ thấp điểm để tránh tiếp xúc đông người.
Xa khu chợ, các cửa hàng thực phẩm quen cũng khó khăn trong việc ship hàng, chờ đơn của siêu thị thì lâu nên chị Hoàng Phương (Cổ Nhuế) và hàng xóm tìm ra cách để có thực phẩm tươi trong thời gian giãn cách.
Vài gia đình ở gần thay nhau luân phiên đi chợ để mua những thứ cần thiết cho gia đình. Như vậy, một người đi là có thể cung cấp đủ đồ tươi cho các gia đình trong vài ngày. Đồ khô thì gọi siêu thị mang hàng đến. “Thời điểm dịch bệnh khó khăn, gia đình tôi ưu tiên lựa chọn các loại củ quả, thực phẩm có thể trữ lâu trong tủ lạnh mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày”, chị tâm sự.
Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng đi mua hàng trực tiếp khi dịch bệnh có dấu hiệu lây lan. Không ít người tỏ ra lo lắng kèm theo cả sự bức xúc với cảnh chen lấn ở chợ, siêu thị để mua hàng khi thành phố áp lệnh giãn cách. Những người này thường mua hàng online, một lần chọn nhiều mặt hàng và chỉ cần tiếp xúc với 1 người để nhận đồ.
Chị Mai Phương (Yên Hòa) cho biết 1 năm trở lại đây mình thường mua hàng trực tuyến. Thực phẩm thì mua ở một số hàng quen trên Facebook còn mặt hàng khác đặt trên các trang thương mại điện tử để tiết kiệm thời gian. Nhưng khi Hà Nội áp dụng quy định giãn cách từ 24/7 và cấm shipper hoạt động, việc ship hàng khó khăn hơn, nhiều cửa hàng nghỉ bán vì không thể giao hàng.
Mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Đặt giao hàng qua app, thanh toán tiền trực tuyến và hạn chế tiếp xúc đã giúp nhiều người duy trì được cuộc sống thường nhật, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Vì thế, quy định không cho shipper hoạt động trong thời gian giãn cách ở Hà Nội đã khiến không ít người lo lắng. “Thú thực là đã lâu rồi không trực tiếp đi chợ, không có shipper mấy ngày đầu cũng khó xoay xở", chị Phương nói.
Không đặt được ở các cửa hàng quen, chị Phương phải chuyển sang chọn cửa hàng trong khu. “Ở cùng khu nên việc ship hàng nhanh gọn, chỉ cần gọi điện họ giao ngay. Tất nhiên, hàng hóa cũng không thể như ý mình”, chị chia sẻ.
Chị Hoàng An, chủ một cửa hàng cung cấp mặt hàng thực phẩm ở một khu chung cư cho biết, giai đoạn này nhiều người nghỉ ở nhà nên nhu cầu mua sắm tăng hơn nhiều. Tuy nhiên, chị không dám tăng lượng đơn lên nhiều chỉ cầm chừng vì nguồn hàng hạn chế. Chị cũng chỉ nhận các đơn hàng trong khu và tự tay đi giao vì không thể gọi ship ngoài.
“Ngày xưa khi chưa dịch bệnh sẽ ship lên tận cửa phòng, nhưng thời điểm này chỉ ship đến sảnh chung cư hoặc bấm chuông rồi treo đồ ở cửa. Khi đi ship hàng cũng bảo hộ, đeo kính chắn giọt, găng tay đầy đủ để phòng dịch. Tiền thì ưu tiên chuyển khoản, tránh tiếp xúc. Dịch bệnh đang căng thẳng nên ai cũng sợ”, chị An chia sẻ.
Trong khi đó, ở một vài khu dân cư đã thắt chặt hơn việc mua bán trên chợ online nhằm tránh việc tiếp xúc khi giao nhận hàng hóa.
Chị Hương, quản trị group bán hàng tại một khu chung cư chia sẻ, ngày hôm qua, chị và nhóm của mình quyết định tạm thời dừng phê duyệt các bài viết trên khu chợ để đảm bảo phòng dịch. “Do tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp và có nguy cơ lây lan nhanh, nhóm admin thống nhất tạm thời dừng phê duyệt các bài bán hàng trên chợ nhằm đảm bảo sự an toàn cho cư dân. Chợ sẽ hoạt động trở lại khi tình hình dịch lắng”, nhóm này thông báo.
"Dù nhu cầu mua sắm cao nhưng nhiều cư dân đồng tình bởi việc phòng dịch bây giờ là rất cần thiết", chị Hương cho hay.
Để tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân, Sở Công Thương và Sở GTVT Hà Nội vừa cho phép các siêu thị, nhà phân phối, doanh nghiệp vận chuyển đăng ký danh sách nhân viên giao nhận hàng được phép hoạt động. Nhiều người hi vọng đây sẽ là giải pháp vừa có thể phòng dịch, vừa đảm bảo được cuộc sống hàng ngày.