Mẹ Hà Nội khởi nghiệp với vốn 0 đồng tiết lộ điều mà chị em phụ nữ nên tránh khi kinh doanh

Hồng Nhung,
Chia sẻ

Câu chuyện kinh doanh đủ vui buồn, vấp ngã của bà mẹ 2 con này sẽ giúp nhiều chị em có thêm bài học bổ ích.

 Bị bắt chước, lộ nguồn hàng và cuộc cạnh tranh từ chính cô bạn thân 

Tốt nghiệp lớp 12 là "khởi nghiệp" với vốn 0 đồng, CEO trẻ tại Hà Nội kể câu chuyện "xương máu" mà phụ nữ nên né - Ảnh 2.

Thu Thủy.

Biến cố lớn nhất trong công việc kinh doanh của chị Thu Thủy (hiện đang là CEO của một cửa hàng thời trang cho bé tại Hà Nội) chính là việc bị bắt chước, lộ nguồn hàng và cuộc cạnh tranh từ chính cô bạn thân. 

Bạn bè khi thấy Thủy bán được hàng, hỏi nguồn mua quần áo ở đâu là Thủy không giấu giếm mà chỉ ngay.

"Cô bạn thân có hỏi mình nhập hàng ở đâu. Mình không suy nghĩ gì nhiều mà khoe chỗ đang nhập, rồi còn kể lấy về bán được bao nhiêu, lãi bao nhiêu. Bởi mình nghĩ, bán hàng cho người lạ trên mạng chứ không bán cho người quen và yên tâm vì bạn đó chơi thân.

Thế mà mấy hôm sau, cô bạn thân đó lập nick và bán ngay lập tức những sản phẩm tương tự. Cô ấy giấu không cho mình biết và tiếp tục xã giao thân thiết hỏi thông tin. Lúc đó mình cũng đã nghi ngờ, tìm vào xem thì thấy mỗi sản phẩm đều bán rẻ hơn mình khoảng 5k".

Thời điểm đó ít người bán và cạnh tranh, Thủy cũng đã gây dựng được sự uy tín và có nguồn khách hàng ruột nhất định. Nhưng việc bị lừa khiến rạn nứt tình cảm bạn bè giúp Thủy học được một bài học lớn. Thời gian đó trùng hợp Thủy gom đủ tiền vốn nên đã quyết định sử dụng để mở một cửa hàng riêng.

Bài học xương máu mà Thuỷ rút ra được từ biến cố đó chính là tuyệt đối giữ bí mật kinh doanh:

Không nên tiết lộ nguồn hàng, giá bán, lợi nhuận của mình/doanh nghiệp kể cả với những người có mối quan hệ thân thiết.

Khởi nghiệp sau khi học xong lớp 12

Thu Thủy khởi nghiệp cách đây 14 năm khi vừa tốt nghiệp lớp 12. Thời điểm đó trong tay chị không một đồng vốn nào.

"Nghề đầu tiên mình khởi nghiệp đó chính là thanh lý đồ cũ. Hồi ý còn mốt mua rẻ, chắc chỉ có anh chị em 8x và 9x đời đầu là còn biết", chị Thủy chia sẻ.

Cách Thủy " khởi nghiệp" như sau:

- Lôi đống quần áo cũ, mỹ phẩm, nước hoa, những đồ đạc linh tinh trong nhà mà không dùng tới mang đi bán.

- Kênh bán hàng: Bán online trên mạng.

- Bán hết đồ cũ của gia đình, Thủy bán hộ cho bạn bè, người thân.

- Giá các sản phẩm chỉ vài chục nghìn.

- Bán được hơn 1 năm thì tích lũy được số vốn 15 triệu đồng.

Đỗ đại học RMIT nhưng nghỉ để kinh doanh

Sau lớp 12, chị Thủy thi đỗ vào Trường Đại học RMIT. Tình cờ đi mua sắm với bạn ở phố cổ nhìn thấy một chiếc áo rất đẹp, giá rẻ chỉ 70k. Điều đặc biệt là chiếc áo này bạn Thủy mới mua ở cửa hàng hiệu lớn, giá cực chát.

Hai người tò mò vào hỏi thì chủ cửa hàng giới thiệu đây là hàng Việt Nam xuất khẩu. Thấy rẻ quá nên bạn Thủy mua thêm 1 chiếc nữa.

Thấy nhu cầu của bạn sắm tới 2 chiếc mà không tiếc tiền, Thủy nảy ra ý định kinh doanh. Chị nhập 10 chiếc áo về bán lại cho người khác.

Từ đó Thủy tiếp tục nhập hàng khác nhau từ cửa hàng này về bán. 3 tháng Thủy bán cả sỉ và lẻ tới 3.000 cái áo. Với một người mới bước chân vào kinh doanh mà mới chỉ 19 tuổi thì đây quả là một bước ngoặt cuộc đời.

Tốt nghiệp lớp 12 là "khởi nghiệp" với vốn 0 đồng, CEO trẻ tại Hà Nội kể câu chuyện "xương máu" mà phụ nữ nên né - Ảnh 3.

Khó khăn ban đầu:

Lúc đó chưa có dịch vụ ship hàng nên chị Thủy vừa bán vừa giao.

Thủy đi giao trên chiếc xe Dream chiến, bọc quần áo to gấp 2-3 lần người được buộc chặt phía sau.

Thời gian giao hàng từ 8h sáng cho đến 7h tối mới xong.

Khách hàng mua của Thủy lúc đó chủ yếu là chị em công sở, văn phòng.

Lấy công làm lãi, mỗi chiếc áo bán ra thu lời khoảng 20-30k, vừa bằng với chi phí shipper bây giờ.

Mới tập tành kinh doanh nên Thủy bị cuốn vào lúc nào không hay. Tâm lý kiếm được tiền rất ham, cứ nghĩ cố bán nốt mấy hôm rồi sẽ đi học bù. Kết quả vì bận đi giao hàng nên Thủy nợ trình và không đủ điểm thi. Lúc đó, Thủy quyết định nghỉ học.

"Nguyên nhân sâu xa hơn khiến mình có suy nghĩ cần phải kiếm tiền sớm như thế có thể là vì thời điểm đó đang là khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mình thấy việc kinh doanh của gia đình gặp ảnh hưởng. Bố mẹ buồn, nhưng không dám tâm sự với mình.

Trong mình có cảm giác lo lắng và kể từ thời điểm đấy mình biết được 1 điều là: Cuộc sống của mình không hề an toàn như vẫn nghĩ. Mọi thứ đang có đều có thể mất đi. Vì vậy mình cần phải tự lập và có tích lũy bảo vệ bản thân", Thủy chia sẻ.

Cứ theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn

Thủy nhận thấy bản thân chưa phải là 1 người thành công và vẫn đang trên con đường rèn luyện, học hỏi từ những người thành công hơn mình.

"Hồi trẻ thì mình thích là làm và nó giúp mình có những đột phá nhất định, nhưng nó cũng khiến mình thất bại đôi ba lần và mất khá nhiều tiền. Dần dần mình học được rằng nên xắn tay vào làm nhưng là trong sự hiểu biết sẽ là tốt nhất".

Tới thời điểm hiện tại, Thủy vẫn tiếp tục bán quần áo nhưng là quần áo trẻ con theo hình thức bán buôn không bán lẻ. Cô chủ của cửa hàng giờ có thêm nhân viên, không phải một mình như trước.

Kinh nghiệm đúc kết sau 12 năm:

- Chọn mục tiêu trước.

- Sau khi có 1 mục tiêu rõ ràng thì bắt đầu học cách "đừng sợ thất bại".

- Biết kiểm soát được sự rủi ro, không nên làm những thứ mà mình không học hay không có kiến thức để làm.

- Trong kinh doanh, mỗi lần thất bại là một lần có thêm kinh nghiệm, đừng nên sợ việc thất bại. Quan trọng là bạn không nên để lỗi lầm đó lặp lại lần thứ 2.

Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC

Chia sẻ