Người Đại Hoàng kiếm bộn tiền dịp Tết nhờ cá kho niêu đất
Giá cá kho dao động từ 450 ngàn đồng/niêu bé loại 1kg, loại lớn 5kg giá lên đến 1,5 triệu đồng/niêu. Mỗi cơ sở sản xuất từ 2.000 - 3.000 niêu phục vụ dịp Tết, nếu tính trung bình khoảng 800 ngàn đồng/niêu thì mỗi cơ sở thu về 2,5-3 tỷ đồng.
Làng Đại Hoàng (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân - Hà Nam) từ rất lâu đã nổi tiếng với món cá kho niêu đất. Món đặc sản dân dã này đã khiến biết bao thực khách trong và ngoài nước mê mẩn đến khó quên.
Cận cảnh lát cá kho niêu đất Đại Hoàng tuyệt ngon phục vụ Tết cổ truyền.
Cá kho niêu đất bao năm nay đã trở thành đặc sản khó quên với những ai đã có dịp thưởng thức.
Chẳng biết từ bao giờ đặc sản cá kho niêu đất đã trở thành niềm tự hào mảnh đất Đại Hoàng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những bậc bô lão nhiều tuổi nhất làng cũng chẳng thể biết nghề kho cá niêu đất có từ bao giờ. Các chủ cơ sở đang hoạt động đều khẳng định họ đã nối tiếp nghề của cha ông đi trước và rồi truyền lại cho con cháu.
Người Đại Hoàng luôn tự hào về nghề độc đáo này.
Cá kho niêu đất Đại Hoàng phục vụ thực khách quanh năm và khắp các vùng miền nhưng nhiều nhất vẫn là 2 thị trường chính Hà Nội và TP.HCM và "xuất ngoại".
Chia sẻ với chúng tôi, một chủ cơ sở cho biết: “Cá kho niêu đất Đại Hoàng có quanh năm, tuy nhiên những tháng khác thì chỉ sản xuất cầm chừng, mỗi tháng một cơ sở cho ra lò khoảng 500 – 700 niêu cá còn 1 tháng cận Tết thì lượng niêu cá xuất xưởng tăng vọt gấp 5-8 lần”.
Có hàng chục gia vị để làm nồi cá kho dậy mùi và đạt độ ngon. Ông Trần Văn Luận khẳng định: "Không có bất cứ một chút chất bảo quản, chất độc hại gì trong nồi cá kho".
Để có 1 nồi cá kho niêu đất, người làm phải mất cả ngày vật lộn với rất nhiều công đoạn khác nhau. Tất cả đều phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt, nếu không có kinh nghiệm, sai sót hoặc chểnh mảng một chút xem như nồi cá bỏ đi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Luận cho biết: “Tất cả phải dựa vào kinh nghiệm, bí quyết và sự tinh tế của người làm nghề. Nếu chểnh mảng và không tinh nhạy thì nồi cá sẽ không đạt độ ngon, độ chắc cũng như vị ngon của cá”.
Cá kho buộc phải là cá trắm đen có trọng lượng từ 4-8kg.
Đối với cá để kho bắt buộc phải là cá trắm đen có trọng lượng từ 4kg – 7kg. Các gia vị kho gồm: ớt, giềng, mắm, bột ngọt, tương, mỡ lợn, nước hàng… được chế vào nồi cá một cách khoa học.
"Chăm sóc" những nồi cá kho suốt 12-14 giờ đồng hồ không hề đơn giản.
Ngoài chế nước sôi thì công đoạn chế mỡ lợn cũng phải thận trọng bởi chỉ cần cho quá nhiều hay quá ít thì nồi cá sẽ không còn giữ được hương vị.
Ông Luận cho biết thêm: “Thớ thịt con cá 4kg với con cá 7kg khác nhau, nên việc nêm gia vị cũng khác nhau”.
Người làm nghề chỉ cần nghe tiếng sôi là biết nồi cá sắp cạn nước hay không.
Không gian chật hẹp, khói nghi ngút nhưng người làm nghề luôn tận tụy với mỗi nồi cá.
Mỗi nồi cá phải trải qua gần trọn 1 ngày đêm từ khi bắt cá lên để mổ đến khi bắc nồi xuống và người làm nghề lúc nào cũng phải trông nom không rời mắt. Với người có kinh nghiệm thì chỉ cần nghe tiếng sôi là biết trong nồi cần phải chế nước thêm hay chưa. Để cá chín nục, kỹ và đạt độ ngon, đặc biệt là không bị mốc khi để lâu phải mất từ 12 – 14 giờ đồng hồ đun nấu.
Điều lửa cũng là một trong những công đoạn vô cùng quan trọng.
Cá kho Đại Hoàng chỉ hợp với củi nhãn.
Mỗi năm các chủ cơ sở sản xuất cá kho niêu đất phải mua từ 40 - 70 tấn củi nhãn.
Món cá kho niêu đất Đại Hoàng chỉ ưa một loại củi duy nhất đó là củi nhãn. Củi nhãn cho nhiệt vừa đủ, ủ cá chín nục, khói gỗ nhãn hòa quện lại với chiếc niêu đất làm nên một hương vị đậm đà, khó tả.
Niêu đất được nhập từ Nghệ An....
Còn vung niêu lại được nhập ở Thanh Hóa.
Một trong những thứ làm nên thương hiệu cá kho cho làng Đại Hoàng đó chính là chiếc niêu đất. Những chiếc niêu đất được các cơ sở nhập tận trong Nghệ An, còn chiếc vung lại nhập ở Thanh Hóa. Theo kinh nghiệm của nhiều người làm nghề thì chất đất ở hai nơi đó mới làm nên hương vị của cá kho độc đáo.
Những ngày cận kề Tết Nguyên Đán, người Đại Hoàng lại tất bật với những mẻ cá cuối cùng để phục vụ bà con khắp cả nước. Chính vị ngon, vị độc đáo riêng của đặc sản này đã và đang giúp người Đại Hoàng có cuộc sống khá giả hơn. Đó không chỉ là niềm vui tiền bạc mà còn là niềm hãnh diện, niềm hạnh phúc khi góp phần làm cho Tết cổ truyền của mọi nhà thêm ấm cúng, sum vầy…