Người bệnh tiểu đường có "3 loại thịt cần tránh, 2 loại nên ăn" để không tổn thương tuyến tụy và bệnh mất kiểm soát
Người bị bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn thịt, bởi đây là nguồn cung cấp protein quan trọng và các axit amin thiết yếu, tuy nhiên nên lưu ý tránh 3 loại.
Trong xã hội hiện đại, nhờ điều kiện cuộc sống đã được tăng cao nên chế độ ăn của con người cũng ngày càng phong phú. Thế nhưng, sự thay đổi này cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm đường huyết tăng cao.
Tăng đường huyết là hiện tượng lượng đường trong máu tăng quá cao vượt mức bình thường. Điều này có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm cho cơ thể, dễ gặp nhất là mất thị lực, tổn thương tim, não, thận...
Bác sĩ nội tiết Li Aiguo (Bác sĩ trưởng Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật) khuyên bệnh nhân tiểu đường nên kiểm soát ăn uống. Trong đó, cần hết sức thận trọng khi lựa chọn loại thịt tiêu thụ.
Người mắc bệnh tiểu đường có thể ăn thịt không?
Người bị bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn thịt, bởi đây là nguồn cung cấp protein quan trọng và các axit amin thiết yếu để duy trì mọi chức năng sinh lý bình thường của cơ thể.
Tuy nhiên, những người có lượng đường trong máu cao cần hết sức thận trọng khi lựa chọn các sản phẩm từ thịt. Các loại thịt giàu chất béo, nhiều calo như thịt mỡ và nội tạng động vật có thể làm tăng gánh nặng cho cơ thể, gây bất lợi cho việc kiểm soát lượng đường trong máu. Vì vậy, nên lựa chọn các sản phẩm thịt ít béo, giàu protein như thịt nạc, thịt gia cầm, cá.
Ngoài ra, phương pháp chế biến cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bị đường huyết cao nên tránh các món chiên, nướng vì có thể làm mất chất dinh dưỡng và sinh ra các chất có hại cho sức khỏe. Ngược lại, các phương pháp nấu ở nhiệt độ thấp như hấp, luộc có thể giữ lại chất dinh dưỡng của thực phẩm tốt hơn và phù hợp hơn với người có lượng đường trong máu cao.
Người đường huyết cao nên tránh ăn nhiều 3 loại thịt để không làm hại tuyến tụy
Một số loại thịt có thể gây ảnh hưởng xấu đến tuyến tụy, vì vậy người bệnh nên tránh ăn chúng càng nhiều càng tốt.
1. Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn và thịt dê. Những loại thịt này rất giàu chất béo bão hòa và cholesterol, ăn lượng lớn trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng của tuyến tụy. Do đó, người có lượng đường trong máu cao nên cố gắng giảm ăn thịt đỏ và lựa chọn những nguồn protein khác lành mạnh hơn.
2. Thịt chế biến sẵn, ví dụ như xúc xích, thịt xông khói và giăm bông... Chúng thường chứa lượng natri và chất phụ gia cao có thể gây tổn thương cho tuyến tụy. Ngoài ra, nitrit trong thịt chế biến sẵn còn có thể chuyển hóa thành chất gây ung thư, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
3. Các sản phẩm thịt chứa nhiều đường cũng là thứ mà bệnh nhân tiểu đường nên cảnh giác. Một số loại thịt như thịt nướng, thịt kho, thịt hầm... được nêm nếm thêm một lượng lớn đường để tăng hương vị và mùi thơm. Loại thịt này có thể khiến lượng đường trong máu tăng nhanh, gây áp lực lên tuyến tụy.
2 loại thịt tốt cho bệnh nhân tiểu đường
1. Các loại thịt nạc
Khi chọn thịt, người đường huyết cao nên chọn các loại thịt nạc như ức gà. Loại thịt này không chỉ giàu protein chất lượng cao mà còn tương đối ít chất béo, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và lipid trong máu tốt hơn.
2. Cá
Cá cũng là lựa chọn tốt vì chúng giàu axit béo không bão hòa và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch - biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể bổ sung thêm một số loại gia vị có tác dụng hạ đường huyết như gừng, tỏi, hạt tiêu… không chỉ có thể làm tăng hương vị món ăn mà còn giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.