Nghiên cứu cho rằng: “Lao đầu” cắt giảm calo và luyện tập cuồng nhiệt có thể khiến xương bạn dễ gãy hơn
Hóa ra việc chăm chỉ tập luyện cùng việc cắt giảm calo không tốt như chúng ta vẫn nghĩ.
Trưởng nhóm nghiên cứu cấp cao PGS.TS. Maya Styner, tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill (Mỹ) cho biết: "Theo kết quả nghiên cứu mới đây, chế độ ăn ít calo không hề tốt đối với xương của những người luyện tập thể dục thể thao. Chúng tôi cũng có chút bất ngờ với những phát hiện này".
Liệu hạn chế calo trong quá trình tập thể dục có thực sự làm xương của bạn yếu đi?
Trong quá trình điều tra nghiên cứu, Tiến sĩ Styner và các đồng nghiệp đã tập trung vào chất béo trong tủy xương. Hàm lượng chất béo trong tủy xương thấp thường là dấu hiệu của xương có chất lượng tốt.
Mục đích của nghiên cứu mới là tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra với chất béo trong tủy xương và sức khỏe của xương khi hạn chế tiêu thụ calo.
Họ đã tiến hành nghiên cứu trên chuột và chia chúng thành hai nhóm. Một nhóm ăn chế độ ăn bình thường và nhóm còn lại được hạn chế calo ít hơn 30%. Sau đó, nhóm nghiên cứu chia chuột một lần nữa, thành các nhóm nhỏ tập thể dục và ít vận động và theo dõi chúng trong 6 tuần.
Như vậy, có tổng cộng bốn nhóm chuột trên bốn mô hình chế độ ăn uống và tập thể dục khác nhau như sau:
- Chế độ ăn uống bình thường và không tập thể dục.
- Chế độ ăn uống hạn chế calo và không tập thể dục.
- Chế độ ăn uống bình thường và có tập thể dục.
- Chế độ ăn uống hạn chế calo và có tập thể dục.
Kết quả cho thấy, mặc dù những con chuột bị hạn chế calo đã giảm cân, nhưng lượng chất béo trong tủy xương của chúng đã tăng lên đáng kể dẫn đến giảm khối lượng xương.
Từ đó rút ra kết luận rằng việc giảm khối lượng xương ở những con chuột bị hạn chế calo là do giảm lượng calo chứ không phải do giảm chất dinh dưỡng (vì những con chuột này có cùng lượng vitamin và khoáng chất như những con ăn chế độ ăn bình thường).
Như dự đoán từ các nghiên cứu trước đây, việc tập thể dục kết hợp với hạn chế calo đã dẫn đến giảm chất béo trong tủy xương. Tuy nhiên, điều bất ngờ là nó cũng dẫn đến việc giảm khối lượng và chất lượng xương nói chung.
Họ cũng rất ngạc nhiên khi thấy rằng trong điều kiện hạn chế calo, tập thể dục dường như làm cho xương trở nên mỏng manh hơn, yếu hơn.
Nội dung và kết quả của công trình nghiên cứu đã được đăng tải trên bài báo gần đây của Tạp chí nghiên cứu về xương và khoáng chất Hoa Kỳ. Đã có kế hoạch điều tra thêm để hiểu rõ cơ chế gây ra hiện tượng này.
Sức khỏe xương và bệnh loãng xương
Xương liên tục được thay đổi, xương mới được tạo ra, xương cũ bị hủy đi, một quá trình được gọi là tái tạo xương hay là sự thay thế xương. Khi chúng ta còn trẻ, quá trình hình thành xương mới diễn ra nhanh hơn so với việc tiêu hủy xương cũ nên xương lớn hơn, nặng hơn và dày hơn.
Càng lớn tuổi, khối lượng xương của cơ thể và chất lượng xương sẽ càng giảm.
Đến độ tuổi 20-30, xương đạt mức độ phát triển tối đa, hay còn gọi là mức độ đỉnh. Cũng ở giai đoạn này, hầu hết mọi người đều có thể hạn chế tối đa việc giảm tổng khối lượng xương của cơ thể.
Nếu muốn giữ cho tổng khối lượng của cơ thể ở mức cao nhất có thể, hãy tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, không uống quá nhiều rượu và đảm bảo bổ sung đủ vitamin D và canxi trong chế độ ăn uống.
Bệnh loãng xương xảy ra khi xương mới hình thành quá chậm hoặc xương cũ bị mất đi quá nhanh hoặc cả hai tình trạng này cùng diễn ra một lúc. Bệnh loãng xương có xu hướng ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới, làm suy yếu xương và khiến xương dễ bị gãy. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bệnh loãng xương ảnh hưởng đến khoảng 25% phụ nữ và 5% nam giới từ 65 tuổi trở lên.
Các nhà khoa học cho rằng một lý do gây loãng xương phổ biến hơn ở phụ nữ là do xương của họ thường nhỏ hơn và mỏng hơn. Một lý do khác có thể là khi họ trải qua thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen đột ngột, mà đây lại là loại hormone góp phần bảo vệ xương.
Tiến sĩ Styner chia sẻ rằng các phát hiện mới của nghiên cứu này liên quan mật thiết tới phụ nữ vì khi có tuổi, xương của họ sẽ yếu đi một cách tự nhiên.
Theo medicalnewstoday