Nghe thật lạ nhưng khoa học lại nói rằng làm việc khó trước việc dễ sẽ giúp dân công sở năng suất hơn
Đây chính là phương pháp làm việc mới để chúng ta dễ thở hơn với các nhiệm vụ hàng ngày đó!
Thử tưởng tượng sắp tới bạn phải đối mặt với một tuần làm việc đầy căng thẳng. Công việc mà bạn phải làm rất nhiều, nào là đi in tài liệu, chuẩn bị thuyết trình cho cuộc họp, đi gặp mặt đối tác, thay đổi chiến lược... Giữa sự hỗn loạn ấy, bạn sẽ lựa chọn công việc dễ ăn hay một công việc khó nhằn để giải quyết trước?
Nếu câu trả lời là dễ trước, thì hẳn bạn sẽ giải quyết công việc một cách trơn tru, nhanh gọn. Đây cũng là xu hướng chung của các nhân viên văn phòng: chọn những nhiệm vụ đơn giản nhất khi phải vật lộn với khối lượng công việc ở công ty.
Một nghiên cứu gần đây của Maryam Kouchaki - phó giáo sư quản lý và tổ chức tại Kellogg chỉ ra rằng: “Lựa chọn những công việc dễ dàng trong khoảng thời gian ngắn hạn, bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn và hài lòng với những điều mình làm. Thế nhưng nó không giúp ích cho sự phát triển cá nhân cũng như cho doanh nghiệp. Cứ tiếp tục sợ hãi tránh né những việc làm khó sẽ giảm cơ hội học hỏi, cải thiện kỹ năng, nâng cao trình độ của bạn.”
Hẳn là bạn sẽ cảm thấy rơi vào bế tắc, chán nản khi chuyển đổi công việc từ dễ sang khó. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Khi tiếp xúc quá nhiều với mức độ công việc đơn giản, não bộ không được hoạt động hết năng suất, lâu dần gây ra sự trì trệ, khả năng tư duy nhạy bén bị giảm thiểu đáng kể, làm bạn nảy sinh cảm giác rằng: bạn chỉ có thể làm được đến thế mà thôi.
Ngược lại, khi chọn giải quyết những công việc phức tạp, khó khăn hơn, não bộ luôn trong trạng thái làm việc. Khoảng thời gian đầu sẽ khó khăn với bạn nhưng bù lại bạn đang làm việc rất hiệu quả đấy nhé. Cường độ công việc càng cao càng tăng thách thức lẫn cơ hội tới bạn. Bạn sẽ chẳng có thời gian để ca thán một câu nào và chỉ tập trung vào công việc.
Một lợi ích nữa của việc không trì hoãn những công việc khó là kích thích sự hứng thú và đam mê của bạn. Nếu như những việc đơn giản bạn chỉ cần nhắm mắt là có thể làm một cách ngon lành, thì với những công việc khó khăn hơn, bạn chẳng thể áp dụng những mô-tuýp quen thuộc để giải quyết chúng.
Bạn bắt buộc phải tự tìm hiểu, vắt não và nghiêm túc làm việc để hoàn thành nhiệm vụ. Công việc không còn là vòng lặp nhàm chán nữa, mỗi ngày đi làm là một thử thách mới đầy niềm vui và sáng tạo.
Nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP trong chương trình “Cà phê sáng cuối tuần” khi chia sẻ về sự nghiệp thành công của mình cũng nói: “Cảm giác đó là một cảm giác rất khó chịu ở thời gian đầu. Tại sao tên mình xuất hiện ở đó, trong bài báo đó. Họ không hiểu rõ về mình và để lại trong đầu họ hình ảnh không được đẹp về mình. Đã có những quãng thời gian mình đập phá trong căn phòng. Nhưng cho đến giờ, mình đã quen với điều đó. Trong đầu mình luôn tâm niệm rằng, muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được thì phải chịu được những cảm giác mà không ai chịu được.”
Câu nói này liệu có làm thức tỉnh hội chị em công sở không? Một lần nữa phải khẳng định lại, nếu muốn hơn đồng nghiệp, bạn phải làm được những điều người khác không làm được. Giống như việc trở thành một người nhân viên mẫu mực, giỏi toàn diện thì trước tiên, việc của bạn là chinh phục những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp.