Trăm hay không bằng tay quen và lý giải khoa học về việc: Muốn giỏi thì phải thực hành thật nhiều vào!
Quả thật "có công mài sắt có ngày nên kim" không chỉ là kinh nghiệm đúc kết qua hàng nghìn năm lao động và sáng tạo của con người, nó còn liên quan mật thiết đến khoa học.
Yếu tố tạo nên thành công của hầu hết các hoạt động thể chất như nhảy múa, thể thao, âm nhạc... là chăm chỉ luyện tập. Thực hành, vốn là sự lặp lại của một hành động với mục tiêu cải thiện kết quả, hình thành trí nhớ cơ bắp, càng thực hành nhiều thì khả năng kiểm soát tốc độ và sự tự tin càng tăng lên.
Não con người có hai loại mô thần kinh: chất xám (chiếm 60%) và chất trắng (chiếm 40%). Trong đó, chất xám đảm nhiệm chức năng xử lý các thông tin trong não, chỉ đạo và phát đi những tín hiệu cảm giác tới các tế bào thần kinh.
Mật độ chất xám của lớp vỏ đại não là bẩm sinh nhưng dưới tác động của môi trường, giáo dục… sẽ làm tăng khả năng liên kết của các dây thần kinh chất xám. Những thông tin từ bên ngoài sẽ di chuyển từ chất xám xuống tủy sống, thông qua một chuỗi các sợi thần kinh gọi là axon tới cơ bắp.
Phía dưới lớp chất xám là chất trắng chủ yếu được tạo thành từ mô mỡ và các sợi dây thần kinh axon. Trong đó, axon được bao bọc bởi những lớp mỡ trắng được gọi là myelin. Chất này được cấu tạo từ các protein và chất béo. Nhiệm vụ của lớp vỏ myelin là giúp dẫn truyền các tín hiệu của các dây thần kinh được nhanh chóng và hiệu quả. Độ dày của lớp myelin chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động rèn luyện.
Lớp vỏ myelin
Nhà thần kinh học William T. Greenough tại trường Đại Học Illinois đã tiến hành thí nghiệm trên chuột cho thấy, sự lặp lại của một hoạt động thể chất sẽ làm tăng độ dày của lớp vỏ myelin. Đến một mức độ nào đó, lớp vỏ myelin sẽ hình thành "đường cao tốc" di chuyển thông tin giữa não và cơ bắp.
Vì vậy, nhiều vận động viên đã thành công trong việc kết nối giữa bộ não và cơ bắp ở mức độ nhanh chóng hơn so với những người bình thường.
Ngoài ra, năm 2005, nghệ sĩ dương cầm người Thụy Điển Fredrik Ullén, cũng là giáo sư tại Viện nghiên cứu Não bộ Stockholm, đã tiến hành thử nghiệm việc rèn luyện tác động tới chất trắng. Ông cùng các cộng sự sử dụng máy DTI (Diffusion Tension Imaging) theo dõi bộ não các nhạc sĩ dương cầm nhà nghề. Kết quả, vùng chất trắng của các nhạc sĩ phát triển nhiều hơn những người không chơi nhạc. Đây là vùng liên kết nơi chỉ huy điều khiển việc chuyển động các ngón tay ở trong não.
Các nhạc sĩ chơi nhạc nhiều giờ trong ngày thì các tín hiệu phát ra từ máy DTI càng mạnh, đồng nghĩa số lượng myelin càng nhiều hay các axon được bao bọc càng dày.
Không chỉ vậy, nhà thần kinh học tại bệnh viện nhi đồng Cincinnati là Vincent J. Schmithorst đã so sánh chất trắng của những nhóm trẻ tuổi từ 5 tới 18 cho thấy, những đứa trẻ có số lượng chất trắng cao thì chỉ số thông minh IQ cũng cao.
Có khá nhiều người chăm chỉ luyện tập hàng giờ, hàng ngày, thậm chí hàng năm để đạt được trình độ bậc thầy của một kỹ năng nào đó. Nhưng điều quan trọng là không phải số lượng giờ thực hành. Chất lượng của quá trình rèn luyện ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả. Vậy thì làm thế nào để đạt được thành công khi rèn luyện?
Yếu tố quan trọng nhất chính là sự quyết tâm của bản thân. Để khỏi bị phân tâm, hãy: tắt máy tính hoặc TV, đặt điện thoại di động ở chế độ im lặng hoặc máy bay.
Bắt đầu thực hành từ những chuyển động chậm. Người hướng dẫn sẽ chỉ ra những động tác đúng - sai. Tăng dần tốc độ sẽ mang đến cơ hội tốt hơn để thực hành chính xác và tiếp theo là lặp đi lặp lại những hoạt động thường xuyên để tạo thành trí nhớ cơ bắp/ thói quen cho bản thân.
Những vận động viên hàng đầu, nhạc sĩ hay vũ công phải bỏ ra khoảng 50-60 giờ/tuần cho các hoạt động liên quan đến công việc của họ. Nhưng quan trọng hơn cả là việc phân chia thời gian hiệu quả.
Cuối cùng, thực hành ở trong não bộ. Có thể hơi ngạc nhiên, nhưng một khi những hoạt động vật lý đã được thiết lập thành thói quen của mỗi người, có thể được tăng cường bằng cách tưởng tượng.
Trong một nghiên cứu 144 người chơi bóng rổ được chia thành hai nhóm, nhóm A thực hành ném bóng bằng một tay trong khi nhóm B ném rổ bằng cách... tưởng tượng. Sau 2 tuần, kỹ năng chơi bóng rổ của 2 nhóm gần như tương đương nhau.
Trong khi các nhà khoa học đã và đang khám phá những bí ẩn của não, thì thực hành là con đường duy nhất giúp đẩy cao giới hạn của mỗi cá nhân, đạt được đỉnh cao mới và tối đa hóa sức mạnh tiềm ẩn.
Theo Ted Ed