Sử vui ngày Valentine: Hơn 200 năm trước, vua Quang Trung dù bận trăm công nghìn việc vẫn không quên gửi hoa tặng vợ!
Valentine năm nay thật hay trùng với ngày kỷ niệm chiến thắng gò Đống Đa. Từ mùa xuân Kỷ Dậu 1789 đến nay, người ta vẫn không ngừng cảm động về cành bích đào vua Quang Trung gửi tặng Ngọc Hân công chúa - lúc bấy giờ là Bắc Cung hoàng hậu. Hậu thế có ngả mũ trước sự lãng mạn của vị "anh hùng áo vải"?
Ngày Valentine diễn ra vào 14/2 hàng năm ban đầu để tưởng nhớ vị thánh Valentino và cũng chẳng có yếu tố lãng mạn nào về tình yêu đối với vị thánh này. Họa chăng đó là vị thánh tử vì đạo. Sau này, ngày lễ này trở thành ngày thế giới tôn vinh tình yêu đối lứa, của các cặp tình nhân. Trong ngày này, thông thường người con trai sẽ bày tỏ tình cảm của mình bằng cách tặng hoa hồng, gửi thiệp, sô cô la hoặc món quà tặng đặc biệt nào đó cho người mình yêu. Trước kia, ngày lễ Tình nhân 14/2 chỉ diễn ra ở Bắc Mỹ và Châu Âu, thế nhưng bây giờ nó được phổ biến ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Và người Việt ta cũng đón nhận hết sức cởi mở.
Ngày lễ Valentine năm nay trùng vào ngày mùng 5 Tết. Mùng 5 Tết lại là ngày diễn ra lễ hội gò Đống Đa - một trong những lễ hội cổ truyền đậm đà màu sắc dân gian. Đây là lễ hội tưởng niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và cũng để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc bất khuất, tài giỏi của đất Việt - Hoàng đế Quang Trung.
Và thú vị thay, ngày lễ Tình nhân năm nay có hội gò Đống Đa, người ta lại nhớ đến một thiên tài quân sự đánh Đông dẹp Bắc, hành quân thần tốc đánh bay 29 vạn quân Thanh lại vẫn không quên gửi hoa về tặng vợ. Mặc dù trong chính sử không có nhắc đến chi tiết này, nhưng người ta chẳng bận tâm, vì đoạn ngọt ngào này vẫn thắp sáng bao hy vọng về tình yêu của đôi lứa trong ngày đầu xuân. Người ta nhìn xung quanh, nhìn lại chính mình, có khi còn tủi thân vì người thương của mình chẳng lãng mạn bằng chuyện tình của thiên cổ. Dù bận đi đánh giặc, giữ đất nước non, sau khi chiến thắng, nhà vua không quên gửi "tín vật tình yêu" về cho người vợ ở xa.
Lại thêm vào đó, chẳng phải hoa hồng, cũng chẳng phải mẫu đơn, mà đó là cành bích đào - loài hoa cổ truyền ngày Tết của đất Bắc, loài hoa thấm đượm nỗi nhớ của nàng dâu xa xứ. Ấy thế mà, thương Bắc cung Hoàng hậu gả chồng xa, vua Quang Trung gửi cho nàng cành đào để cùng ăn mừng chiến thắng. Đấy không phải là sự tinh tế và vô cùng tâm lý hay sao?
Mùa xuân Kỷ Dậu 1789 năm ấy, thực là một đại thắng oanh liệt. Trước đó, khi hành quân ra Bắc đại chiến với quân Thanh, vua đã tổ chức cho quân ăn Tết sớm vào ngày 20 tháng Chạp và hứa khi vào thành Thăng Long sẽ "uống rượu Tết bằng máu giặc Thanh". Đúng mùng 5 Tết, cỏ hoa Thăng Long được đón mừng chiến thắng. Vua Quang Trung không thẹn với những lời hẹn trước quân sĩ từ 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788). Tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống thua, rồi tự tử ở Đống Đa. Vua đường hoàng dẫn quân vào Thăng Long, kéo cờ Tây Sơn dưới bóng xuân tươi mới. Rượu Tết chưa cạn, quân giặc đã phải dốc chén đắng cay. Và sau khi quân Thanh cúp đuôi chạy bạt mạng, nghìn xưa non sông gấm vóc đã phục lại, quân Tây Sơn vui vẻ ăn Tết Khai hạ vào ngày mùng 7 tháng Giêng - cái Tết vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc Đại Việt.
Trong chiến thắng tưng bừng ấy, giai thoại được kể lại bao đời là nhà vua đã chọn một cành đào Nhật Tân sai lính đưa về Phú Xuân làm quà báo tin chiến thắng.
Không còn gió heo may dào dạt lướt qua những đợt cỏ tranh tiêu điều, cũng không còn màu đốm vàng úa của cây lá, mùa xuân đại thắng khiến lòng người rạo rực. Những bông hoa đào rực lên sắc hồng, thắp sáng chuyện tình đẹp của "Trai anh hùng, gái thuyền quyên". Chỉ một cành đào nhỏ nhưng lại chưa đựng cả mùa xuân trong ký tức, cũng in sâu cả không gian quê nhà.
Mặc dù hôn nhân của Ngọc Hân công chúa với vua Quang Trung là mối liên hôn "xin cho nương bóng nhà sau, hầu hạ khăn lược để cho hai nước thành thông gia, đời đời hòa hiếu với nhau" nhưng tấm chân tình bén rễ đã giúp hai người có một mối duyên đẹp. Và cành hoa đào từ đất Bắc ấy cũng thể hiện nàng công chúa hoàng tộc như bông hoa rực rỡ ngày xuân, biểu tượng của chiến thắng, cũng là nàng công chúa được nâng niu và trân trọng trong giai đoạn nhà Lê suy tàn.