Ngày cuối cùng của năm, người dân nô nức tảo mộ đón tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu
Trong văn hóa tâm linh của người Việt, sáng ngày cuối cùng của năm cũ người dân khắp cả nước lại nô nức đi tảo mộ, dọn dẹp phần mộ cũng như thắp hương mời ông bà, tổ tiên trong gia tộc về đón Tết cùng với con cháu.
Vậy là ngày cuối cùng của năm cũ cũng đã đến, đây là thời khắc thiêng liêng nhất trong lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới. Một trong những việc vô cùng quan trọng là tất cả các gia đình đều tiến hành thăm viếng phần mộ của ông bà, tổ tiên cũng như mời những người đã khuất về chung vui với con cháu trong những ngày Tết.
Từ sáng sớm người dân khắp nơi đã có mặt tại nghĩa trang với đầy đủ hoa tươi, trái ngọt để dâng lên những người đã khuất.
Đây cũng là lúc con cháu tưởng nhớ đến những người đã quá cố trong thời khắc tiễn năm cũ, đón năm mới.
Đồ lễ được con cháu sắp xếp chuẩn bị dâng lên người khuất núi.
Ngoài đồ lễ là hoa quả, hoa tươi người dân còn mang gà cúng và xôi.
Những lời tâm nguyện, lời thành kính gửi lên người khuất núi và mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.
"Trong năm, việc tảo mộ ngày cuối năm vô cùng quan trọng trước khi đón năm mới chính vì vậy gia đình tôi năm nào cũng có mặt đông đủ để mời các cụ về nhà đón Tết", một người dân cho biết.
Người dân thành kính thắp nén nhanh lên tổ tiên.
Sau khi thắp nén hương thành kính và mời tổ tiên xong việc sửa sang, cắt tỉa cây cối hay lau dọn được người dân thực hiện.
Những phần mộ được chính bàn tay của người thân lau dọn trở nên sạch sẽ.
Bởi với nhiều người trong việc tảo mộ ngày Tết không thể thiếu nghi thức dọn dẹp, lau dọn, cắt tỉa cây cối quanh mộ.
Thậm chí sửa sang lại chân nhanh hay thay bát nhang mới.
Người dân tin rằng sau khi thắp hương xong, mời tổ tiên về ăn Tết xong tại phần mộ thì linh hồn những người đã khuất sẽ theo con cháu về với gia đình cùng ăn Tết. Việc đầu tiên của những người chủ chốt trong gia đình sau khi viếng mộ về sẽ thắp 1 nén hương lên bàn thờ tổ tiên ở trong nhà để đánh dấu việc tổ tiên đã về đến gia đình trong năm mới.
Tục tảo mộ ngày cuối cùng của năm cũ nói lên rất nhiều ý nghĩa, với những người đi xa đó là lúc báo cáo với tổ tiên, ông bà công việc những năm qua mong một năm mới gặp nhiều may mắn, phát tài. Với những người ở gần thì đó là lúc để chăm chút lại phần mộ của gia đình. Tảo mộ ngày cuối cùng của năm cũ còn mang ý nghĩa thành kính là mời vong linh người khuất theo con, cháu về nhà vui tết và phù hộ, độ trì cho con cháu trong gia đình, dòng tộc một năm mới gặp nhiều điều may mắn, sức khỏe, thành công.
Trong nghi thức tảo mộ ngày cuối năm người dân thường mang những sính lễ như: vàng hương, hoa quả, bánh trái... đồng thời việc dọn dẹp, lau chùi hay phát quang cây cỏ dại quanh ngôi mộ thường được người dân thực hiện.
Có mặt tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) sáng ngày cuối năm, không khí tảo mộ trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Các gia đình đến tảo mộ không chỉ đi đại diện mà còn mang cả con cháu, người thân đến viếng mộ, đến mời người khuất núi về ăn Tết cùng gia đình.
"Trước khi đón năm mới, việc viếng mộ, mời các cụ về ăn Tết cùng con cháu là điều không thể thiếu được vì vậy năm nào khi con cháu đi làm xa về tụ tập đông đủ gia đình chúng tôi lại đi viếng mộ gia tộc", cụ Hành (trú tại Láng Hạ - Ba Đình - Hà Nội) cho hay.
Sau khi viếng mộ gia tộc và mời người đã khuất về ăn Tết cùng với con cháu thì ai cũng tin rằng vong linh những người đã khuất sẽ theo họ về nhà và người thân bắt đầu thắp những nén nhanh đầu tiên lên bàn thờ tổ tiên.
Sau khi tuần hương đã cháy xong người dân tiến hành xin lộc cũng như hóa vàng cho tổ tiên.
Đồng thời sẽ giải thích cho con cháu biết đến ông bà, tổ tiên cũng như cầu mong tổ tiên sẽ phù hộ cho những đứa trẻ.