Ngành Y tế Quảng Nam kết luận vụ ngộ độc bánh mì, kiến nghị xử phạt chủ tiệm
Ngành Y tế Quảng Nam kết luận điều tra vụ 313 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng, đồng thời kiến nghị xử lý vi phạm hành chính đối với chủ tiệm bánh mì này.
Chiều 22/9, trả lời VTC News, ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Sở Y tế Quảng Nam) vừa có báo cáo kết luận điều tra vụ ngộ độc thực phẩm tại TP Hội An.
Theo đó, căn cứ kết quả điều tra vụ ngộ độc thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam và kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan từ Viện Pasteur Nha Trang, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kết luận: Thời gian xảy ra ngộ độc vào lúc 11h ngày 11/9, địa điểm xảy ra vụ ngộ độc tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng, số 02 Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An.
Tổng số trường hợp bị ngộ độc là 313, trong đó có 103 người nước ngoài. Số ca nhập viện là 273 người.
Thức ăn gây ngộ độc là thịt heo xíu, rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo (những thành phần trong ổ bánh mì Phượng này có vi khuẩn Salmonella).
Sau vụ ngộ độc trên, ngành Y tế Quảng Nam đề nghị UBND TP Hội An chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ngành Y tế Quảng Nam cũng đề nghị chính quyền TP Hội An chỉ đạo các đơn vị quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nằm trong khu vực phố cổ, chính quyền thành phố cần xem xét về điều kiện cơ sở vật chất khi cơ sở vật chất (như nền, tường…) xuống cấp mà không được phép sửa sang, cải tạo mới để đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm.
Đối với hộ kinh doanh bánh mì Phượng, ngành Y tế đề nghị cơ sở thực hiện lưu mẫu đủ số lượng món ăn, vệ sinh trang thiết bị dụng cụ chứa đựng, bảo quản thực phẩm; sắp xếp nguyên liệu, thực phẩm gọn gàng; phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác; bố trí dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh trong khu vực sơ chế, chế biến, khu vực ăn uống; lưu giữ đầy đủ hợp đồng, hóa đơn cung cấp thực phẩm; thường xuyên vệ sinh mặt bằng khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm và chú ý đảm bảo thực hành vệ sinh cá nhân của người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm.
Ngoài ra, Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam sẽ làm việc với hộ kinh doanh bánh mì Phượng, sau đó kiến nghị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.