Khi nhà đã không còn là nơi an toàn nữa, phụ nữ biết phải về đâu?
Người ta bảo, ngoài đời có sóng gió, bão táp thế nào, về nhà là để bình yên, nhà là nơi an trú, nơi người ta trút bỏ mọi áp lực và căng thẳng để được là chính mình. Nhưng nếu nhà lại là nơi nguy hiểm nhất, thì sao?
Trong tiếng Hán, "an" là chữ tạo bởi hai chữ "miên" (mái nhà) ở trên và "nữ" (phụ nữ) ở dưới, với hàm nghĩa có người phụ nữ dưới mái nhà, đó là bình an. Người phụ nữ là nguồn năng lượng tạo nên sự bình ổn, an nhiên cho một ngôi nhà. Từ cách chiết tự này, cũng có thể hiểu rằng, ở dưới mái nhà, trong gia đình mình, đó là nơi an trú, nơi an toàn nhất với phụ nữ. Nhưng thời nay, điều đó dường như không còn hoàn toàn đúng nữa.
Khi nhà không còn là chốn bình an
Sự việc kinh khủng vừa ập đến với ca sĩ Văn Mai Hương không chỉ là một cú sốc với chính chủ, mà còn với chúng ta - tất cả những người văn minh và có lương tri. Không phải ngoài đường vắng, trong thang máy, trong nhà vệ sinh công cộng… cô ấy bị kẻ xấu tấn công (và bị tấn công thêm nhiều lần nữa, với những nút share, like, những bình luận ác ý và tò mò xin link) ngay trong nơi tưởng như an toàn nhất của mọi người: Nhà.
Chuyện một người nổi tiếng bị xâm phạm hình ảnh riêng tư, bị bình phẩm thân thể, bị soi mói chuyện làm tình với ai ở nhà, bị phát tán hình ảnh bởi một hacker là một tai nạn cay đắng. Thật lạ là ai đó có thể thấy “bình thường”, rằng người nổi tiếng phải chấp nhận rủi ro. Nhưng hãy nghĩ xem nếu không phải là Văn Mai Hương, không phải một người nổi tiếng, mà là ai đó trong chính chúng ta, người thân yêu của chúng ta, những hình ảnh riêng tư trong nhà, từ camera, điện thoại cá nhân bị đem ra làm “mồi nhậu” giữa cõi mạng, liệu ta có thể thấy nó “bình thường” nữa không?
Khi hình ảnh riêng tư của ai đó, đặc biệt là phụ nữ bị quay lén và phát tán, đó không phải là một rủi ro. Khi kẻ xấu len lỏi vào từng góc riêng tư, xâm nhập vào nhà họ, tấn công họ ở nơi mà họ không đề phòng, nơi họ sẽ hạ hết mọi chiến giáp, mọi mặt nạ, và thoải mái trút bỏ xiêm y, đó là sự xâm phạm nghiêm trọng. Nếu không phải là nhà, đâu sẽ là nơi quyền an toàn của phụ nữ được bảo vệ?
Sự việc camera của Văn Mai Hương bị hack có thể chỉ là hy hữu, có thể ai đó sẽ cho rằng chỉ cần cẩn thận một chút khi lắp camera trong nhà để canh trẻ và theo dõi osin, quản lý chặt điện thoại cá nhân và các phương tiện có kết nối internet, học các khóa tự vệ, không đi về khuya ở chốn vắng, cảnh giác với những nguy cơ xâm hại, thế là phụ nữ an toàn. Nhưng dưới nhiều mái nhà, an toàn không chỉ là chuyện bảo mật camera. Nhiều phụ nữ cũng đang bị tấn công mỗi ngày, bởi bạo lực gia đình, bởi người họ yêu. Và mái nhà, bất hạnh thay, trở thành chốn đọa đày.
Trên mạng xã hội, liên tục xuất hiện những đoạn phim ghi lại cảnh phụ nữ bị bạo hành một cách thô bạo, tàn nhẫn. Không chỉ bị xâm phạm thân thể, gây đau đớn, thương tích, thậm chí đe dọa tính mạng, nhiều phụ nữ còn bị bạo hành tình dục, tra tấn tinh thần, chà đạp lên nhân phẩm. Thực trạng này không mới, và mỗi khi có một vụ bạo hành gây xôn xao, người ta lại kêu gọi hãy bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực gia đình, hãy bảo vệ quyền an toàn của phụ nữ, ở ngoài phố lẫn trên giường ngủ. Nhưng con số 58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực ít nhất một lần và theo nhiều hình thức khác nhau (theo "Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam" năm 2010 do Tổng cục Thống kê Việt Nam thực hiện) chắc sẽ khiến bạn nghĩ lại về sự an toàn dưới những mái nhà.
Ngay cả với trẻ em - mầm non tương lai của xã hội, những “thiên thần” bé nhỏ và trong trẻo, nhà không phải luôn là nơi bình yên. Khi biết rằng, trong 2 năm 2017 - 2018, toàn quốc có 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó có 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục; trong 3 tháng đầu năm 2019 có 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại (theo số liệu từ Bộ Công an), bạn nghĩ gì?
Sốc hơn nữa là theo số liệu năm 2017 từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, 93% trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục do người thân quen, ở những nơi quen thuộc và được coi là an toàn với trẻ. Đó là chưa kể, không thể đong đếm hết số lượng những trẻ bị ảnh hưởng bởi hình phạt thể chất hoặc tâm lý từ các thành viên trong gia đình.
Kẻ xấu có thể đang ở bất cứ đâu, trong các mối quan hệ xã hội của chúng ta, hoặc xuất hiện ngẫu nhiên, nhưng làm sao có thể ngờ, có thể chống đỡ kịp thời khi ngay cả ở nhà, phụ nữ và trẻ em còn có thể bị tấn công, bị xâm hại, bị bạo lực dưới nhiều hình thức? Và làm sao để quyền an toàn của họ thực sự được bảo vệ?
Đừng im lặng, vì chuyện dưới mái nhà không phải “chuyện trong nhà”
“Khi tôi 17 tuổi, tôi ở trọ nhà người bà con để đi học hè. Lợi dụng lúc tôi đang ngủ, người cậu lớn hơn tôi 5 - 6 tuổi đã luồn tay chạm vào vùng kín của tôi. Người cậu đó không chỉ làm điều này với tôi mà còn có hành vi xâm phạm với người chị họ cùng tuổi tôi, cũng trọ học cùng tôi. Ngay sau đó chúng tôi rời đi và vì thương quý người bà con tốt bụng cho chúng tôi ở nhờ, chúng tôi đã im lặng, không tố giác. Quyết định đó khiến tôi day dứt và căm giận bản thân đến giờ”.
“Năm tôi 5 tuổi, khi bản thân chưa đủ nhận thức về giới tính, do mưu sinh nên ba mẹ hay đi làm và để lại tôi ở nhà một mình. Tôi còn nhớ khi ấy mỗi lần say rượu là ông ta - anh trai ruột của ba tôi thường gọi tôi đến phòng ngủ riêng của hai vợ chồng họ, lúc thì cho kẹo, khi thì 2, 3 nghìn rồi ông ta đặt tôi lên giường và giở trò đồi bại ấy. Sau mỗi lần giở trò xong, ông ta thường đe dọa tôi không được nói với ai nếu không muốn bị đánh. Suy nghĩ non nớt của tôi lúc ấy đã biến tôi thành công cụ tình dục của ông ta trong suốt thời gian dài.
Cho đến năm lớp 4, khi bản thân tôi có một chút nhận thức về điều đó, tôi dần biết cách tự vệ và không cho chuyện kinh khủng ấy tiếp tục tái diễn. Sau này, khi đã trưởng thành, ký ức kinh khủng ấy vẫn ám ảnh trong suy nghĩ tôi. Mọi chuyện có thể khép lại khi ông ấy đã mất cách đây 1 năm nhưng trong tôi vẫn luôn dằn vặt, không dám đối diện và chấp nhận tình yêu của bất kỳ người đàn ông nào”.
Đó chỉ là hai trong số hàng trăm bí mật ớn lạnh về những con quỷ mang gương mặt người nhà mà độc giả đã gửi đến cho chúng tôi trong chiến dịch Quyền an toàn, cùng lên tiếng để bảo vệ phụ nữ, trẻ em khỏi nạn xâm hại.
Cũng như cách nhiều gia đình có trẻ bị xâm hại không cung cấp thông tin, tố giác tới các cơ quan chức năng, vì sợ hãi bị thủ phạm đe dọa, vì sợ xấu hổ, sợ ảnh hưởng đến tương lai mà im lặng cho qua chuyện, không ít phụ nữ bị bạo lực gia đình đã chịu đựng nhiều năm, trước khi giới hạn của họ bị phá vỡ. Nạn nhân im lặng vì bị ràng buộc cả về tinh thần, con cái và tài sản đối với người bạo hành, vì lo cho sự an toàn của gia đình, vì nghĩ rằng xấu chàng hổ ai, vì tin rằng đó là chuyện riêng ở dưới mái nhà, không cần phô bày cho thiên hạ biết…
Nhưng cha mẹ dạy con bằng cách đánh đập, chồng hành hạ vợ, một đứa trẻ bị tấn công tình dục bởi người thân, dù diễn ra ngay dưới mái nhà, nó không thể được coi là chuyện riêng tư của gia đình đó, bởi không ai được phép tự cho mình quyền chà đạp lên người khác. Và rõ ràng, đó là hành vi phạm luật.
Tương tự như vậy, sinh hoạt riêng của Văn Mai Hương là chuyện của cá nhân cô. Nhưng những hình ảnh ấy khi bị cố ý lan truyền để nhận về những bình phẩm, phỏng đoán sỗ sàng về đời tư của cô… đó không còn là chuyện dưới mái nhà nữa. Nó trở thành màn bạo hành tập thể mà nữ ca sĩ trở thành là nạn nhân và là việc xã hội cần chung tay vào cuộc.
Một người nổi tiếng bị hack cảnh sinh hoạt riêng tư, một người phụ nữ bị bạo hành, một đứa trẻ bị xâm hại, tất cả đều là nạn nhân. Nỗi đau của những nạn nhân không để đong đếm ai nhiều, ai ít hơn, nhưng có một sự thật là không ai trong chúng ta muốn mình và những người mình thân yêu trở thành “họ”.
Nhưng nếu người-không-phải-là-nạn-nhân nghĩ rằng mình vô can mà chọn cách im lặng, cho rằng đó không phải việc của mình, coi đó là một vận rủi, một sự xúi quẩy mà số phận kêu ai người nấy dạ, hay tệ hơn, cho rằng đó là việc bình thường hoặc đổ lỗi cho nạn nhân “ai bảo mày ngu”, sẽ không ai có đủ an toàn.
Nếu giữ tư tưởng "đó không phải việc nhà mình", "nạn nhân còn không nói gì sao mình phải đấu tranh hộ", thậm chí chê cười nạn nhân, ta đang ngầm dung túng cho những kẻ thủ ác. Ai mà biết, đến một lúc nào đó, người trong những đoạn clip nhạy cảm kia có thể là mẹ, là vợ, là em gái, con gái mình hoặc chính mình thì sao?
Chúng ta cần lên tiếng, không phải chỉ để bảo vệ Văn Mai Hương hay những nạn nhân của bạo lực, không phải chỉ để đấu tranh vì quyền an toàn cho những phụ nữ và trẻ em dưới mái nhà của họ, mà còn để cho quyền an toàn của chính mình. Bởi tất cả chúng ta đều cần một ngôi nhà đúng nghĩa là nhà - là nơi an toàn, riêng tư và bão sẽ dừng sau cánh cửa.
Chúng tôi đứng về phía Văn Mai Hương.
Phụ nữ phải được tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn dù ở bất cứ đâu. Phát tán những hình ảnh riêng tư và nhạy cảm của phụ nữ, dù bất cứ lý do gì đều không được chấp nhận. Chúng ta hãy cùng đứng về phía Văn Mai Hương và chung tay bảo vệ phụ nữ, vì một xã hội văn minh hơn.