Nếu giẫm phải “bãi mìn” này trong chi tiêu, kể cả lương 50 triệu thì bạn cũng khó mà tiết kiệm được đồng nào!
Có “bãi mìn” trong quản lý chi tiêu khiến bạn rơi vào cảnh chi dùng quá mức ấy, làm quỹ tiết kiệm luôn rỗng tuếch.
Có lẽ trong thực tế không hiếm những người với mức lương không hề thấp lên đến 50 triệu/tháng nhưng họ lại chẳng tiết kiệm được đồng nào. Trái lại thậm chí còn luôn rơi vào cảnh “không đủ tiền để tiêu”.
Ngược lại, một số người chỉ với mức lương 15 triệu/tháng nhưng họ vẫn có thể tiết kiệm đến 6 triệu, cộng dồn vào mỗi năm dư được con số không hề nhỏ.
Nhưng bạn có để ý không, người lương 15 triệu thường chỉ chi dùng trong phạm vi 8 - 9 triệu/tháng. Còn người có mức lương 50 triệu lại tiêu đến cả 40 - 45 triệu/tháng. Họ ở căn hộ đắt tiền tương ứng với khoản vay mua nhà cũng lớn. Họ lái ô tô, mua sắm mỗi tuần, đi ăn uống cùng bạn bè ở những nơi sang chảnh…
Để rồi chẳng may biến cố xảy đến, công việc không thể mang lại cho họ thu nhập cao như trước. Trong khi đó những khoản chi dùng cố định hàng tháng như nhà ở, xe cộ, chi phí sinh hoạt... vẫn phải chi tiêu như bình thường. Điều đó nhanh chóng khiến quỹ tiết kiệm ít ỏi của họ trở nên cạn kiệt. Thậm chí còn có thể vướng vào nợ nần nếu như không gấp rút tìm được công việc mới.
Những người ấy đã mắc vào một trong những điều “cấm kỵ” trong quản lý tài chính, đó là “tiêu dùng quá mức”. Kết quả tất yếu là dẫn đến tình trạng không bao giờ có tiền tiết kiệm, dẫu cho mức lương cao so với mặt bằng chung.
Có 4 “bãi mìn” trong quản lý chi tiêu khiến bạn rơi vào cảnh chi dùng quá mức ấy, làm quỹ tiết kiệm luôn rỗng tuếch. Đó là: mua sắm không có kế hoạch, chi tiêu trước tiết kiệm sau, mua đồ thiếu lý trí và thích thanh toán trên di động.
Sau đây là những cách để bạn thoát khỏi chúng một cách hiệu quả:
1. Chỉ mua sắm khi bạn cần và nhất quyết không mua thêm món đồ nào ngoài dự tính
Mua sắm là một trong những hoạt động yêu thích thậm chí là đam mê của phụ nữ. Trước khi ra phố cùng bạn bè, có thể bạn chẳng định mua gì cả đâu. Ai ngờ khi trở về thì lại tay xách nách mang đủ thứ. Rõ ràng tình trạng ấy sẽ khiến tiền trong ví của bạn nhanh chóng chạm đáy.
Giải pháp cho bạn là lên danh sách thật kỹ lưỡng những món đồ mình cần mua từ khi ở nhà. Và nhớ chỉ mua trong danh sách giới hạn ấy, kiên quyết không mua thêm bất kỳ món đồ nào khác.
2. Rèn luyện thói quen tiết kiệm trước, chi tiêu sau
Vào ngày lĩnh lương, bạn hãy chỉ để lại chi phí sinh hoạt hàng tháng trong tài khoản. Còn lại rút ra và gửi vào một tài khoản tiết kiệm riêng. Nếu không rơi vào trường hợp thật khẩn cấp thì đừng bao giờ động vào tài khoản tiết kiệm ấy.
Khi không còn nhiều tiền trong tài khoản, thói quen mua sắm bốc đồng của bạn chắc chắn sẽ bị kiềm chế đáng kể.
3. Mẹo để hạn chế hành vi mua sắm phi lý trí
Mua sắm thiếu tính toán, đồ cũ chưa dùng hết đã sắm thêm đồ mới, dẫn đến thừa thãi. Đó chính là một trong những con đường nhanh nhất làm lãng phí tiền của bạn.
Có một mẹo thế này, trước khi bạn định mua 1 một bộ quần áo mới, hãy chọn bỏ đi một bộ quần áo cũ. Nếu bạn còn cảm thấy luyến tiếc món đồ cũ kia, nghĩa là bạn chưa thực sự cần thiết phải mua thêm món đồ mới đâu.
Với cách làm lý trí đó, bạn sẽ hạn chế được tối đa hành vi mua sắm thiếu suy nghĩ của mình.
4. Hạn chế thanh toán trên di động
Ngày nay việc thanh toán chuyển khoản bằng điện thoại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng hành động đó khiến bạn không cảm nhận được việc tiền của mình hao đi, bạn sẽ không có cảm giác “xót của”.
Phương pháp thanh toán bằng tiền mặt truyền thống, phải mở ví lấy tiền ra, bạn sẽ nhìn rõ ràng những đồng tiền rời khỏi ví mình ra sao mà "tiếc tiền". Đồng thời khoảng thời gian ấy cũng là bước đệm để bạn suy nghĩ lại quyết định mua sắm, xem món đồ có thật sự cần thiết và hữu dụng với bản thân hay không.
Theo: money.udn