Này cô gái, hãy nhớ lời bố dặn: "Nếu chồng đối xử tệ với con, bố sẽ rộng cửa đón con về" để đừng vội vã lấy chồng, kẻo những âu lo ập về trong giấc ngủ của bố
Có lẽ, bao giờ gả con gái đi lấy chồng, người ta mới hiểu được nỗi lòng của những ông bố vợ. Những lo âu ập về cả trong giấc ngủ.
Người ta vẫn nói thứ tình cảm thiêng liêng và có sức mạnh lớn nhất trên đời là Tình mẫu tử. Thế nhưng, trong những giông bão cuộc đời, có lẽ vòng tay ấm áp của cha mới là nơi những đứa con tìm về để được chở che. Có lẽ, bao giờ gả con gái đi lấy chồng, người ta mới hiểu được nỗi lòng bố vợ.
Có biết bao nhiêu người cha đã khóc khi đưa con gái về nhà chồng. Có bao nhiêu người cha đã nhắc nhở con gái: "Nếu nó đối xử tệ với con, bố sẽ rộng cửa đón con về. Đừng bao giờ sống cam chịu vì một người đàn ông không còn yêu thương mình".
Những lo âu ập về cả trong giấc ngủ của bố. Đôi khi đang trò chuyện vui vẻ lại thoáng chạnh lòng nghĩ đến con gái mình đang ở nhà người ta, nhìn sắc mặt nhà chồng mà sống.
Chào đón con rể như khách quý, mình tốt với nó thì nó thương con mình
Có bao nhiêu ông bố vợ đã nảy sinh suy nghĩ này trong đầu. Chắc chắn là rất nhiều, nên câu "dâu con rể khách" mới có từ bao đời nay. Chuyện con rể đến nhà bố vợ được ngồi mâm rượu thịt, ăn xong là trà thuốc đàm đạo là chuyện thường ngày. Bố mẹ vợ chỉ mong con rể về, nếu con gái vể một mình lại lo đến mất ngủ, sợ chúng nó không hạnh phúc hoặc con rể ghét bố mẹ vợ nên không muốn đến thăm.
Nếu thương bố, hãy chọn một người đàn ông có thể trò chuyện với bố mình một cách cởi mở. Tuyệt vời hơn, anh ta sẵn sàng xắn tay vào việc nhà vợ, hoặc có một sở thích nào đấy chung với bố vợ. Có người con rể như thế, những âu lo của bố sẽ bớt đi rất nhiều.
Hãy đối xử tốt với con dâu vì con gái mình cũng có lúc trở thành dâu con nhà khác
Một ông bố ngoài 60 tuổi kể rằng ông đã trải qua giai đoạn căng thẳng khi vợ mình phản đối cuộc hôn nhân của con trai vì "vợ chồng nó không hợp tuổi". Ông đã dùng sức mạnh của người chủ gia đình để bảo vệ cho tình yêu của con trai. Nhưng khi nàng dâu mới về nhà, chính ông lại khó chịu vì cách sống, cách ăn nói, thói quen của con dâu quá khác biệt với gia đình ông.
Từng câu của con dâu ông đều soi xét, suy nghĩ và ông không nhận ra mình quy chụp phiến diện suy luận của mình. Ngày lễ mà con không về nhà, ông lại gọi điện nhắc nhở con dâu phải có ý thức "thừa nội mới chí ngoại". Ông không quan tâm chuyện thông gia, ông chỉ biết "làm dâu theo thói nhà chồng" kẻo hàng xóm nói ra nói vào, họ hàng hỏi thăm.
Cho đến khi con gái ông được gả đi làm dâu, gặp đúng nhà chồng gia trưởng, bố chồng yêu cầu khắt khe. Con gái gả chồng gần mà lần nào về nhà cũng qua quýt được 15 phút là đi vội. Tết đến, con gái cũng không được về nhà, trong khi vợ chồng con trai đã về ngoại. Hai ông bà già đi ra đi vào, nhớ con gái nhìn nhau thở dài nhưng chẳng biết làm sao.
Cô con dâu ông năm sau ngạc nhiên vì ông giục giã từ sáng mùng 2 Tết: "Ăn uống nhanh rồi về không bố mẹ con mong, cả năm xa nhà rồi". Đúng là ông nội giờ mới hiểu lòng ông ngoại.
Nếu con rể phản bội, bố luôn rộng cửa đón con gái trở về
Mọi cuộc hôn nhân đều không đoán trước được tương lai. Ngày hôm nay đôi trẻ yêu nhau quấn quýt không rời, thậm chí cãi lời bố mẹ để đến với nhau bằng được, vài năm sau tình cảm đã nguội lạnh.
Một ông bố vợ khác lại nói rằng, ngày con gái ông nhất định lấy anh chàng ấy làm chồng, ông đã khó chịu vì nhìn anh ta đẹp trai, phong độ và rất thu hút phụ nữ. Tất nhiên, sau khi con gái khóc lóc, giận dỗi vài tháng ông đã phải chiều theo ý con.
Ngày con gái lấy chồng, ông run run đôi tay đã nhiều nếp nhăn, nắm chặt tay con rể dặn dò: "Nếu một ngày con không còn yêu con gái bố, hãy trả nó về cho bố. Nếu con dám đối xử tệ để nó rơi nước mắt, bố không đoán trước bố sẽ làm gì để trừng trị con đâu". Trong men say tình yêu, đương nhiên chàng rể nào chẳng hứa hẹn.
Được 5 năm, con gái ông về, lặng lẽ ôm lấy đôi vai gầy của bố, vừa khóc vừa thông báo ly hôn vì chồng ngoại tình. Ông gọi con rể đến, ăn một bữa cơm, uống vài chén rượu rồi bảo: "Chắc hẳn con không biết, ngay từ đầu bố đã phản đối cuộc hôn nhân này vì cảm thấy không có niềm tin vào con. Bây giờ, con gái bố sinh cho con hai đứa bé, nhan sắc càng kém hơn xưa. Nó không còn yểu điệu, đáng yêu mà trở nên cau có, mệt mỏi, hay cằn nhằn chuyện tiền nong. Vì thế nên con tìm người đàn bà khác, xinh đẹp hơn, dịu dàng hơn, không đòi hỏi mà chỉ biết yêu đúng không?".
Sau đó, dù con gái gắt lên không cho ông nói, ông vẫn nói hết tâm can của mình cho con rể. Anh con rể ấy đã khóc, xin lỗi bố vợ và xin vợ tha thứ. Có điều, tình cảm đã hết, con gái ông vẫn chọn ly hôn. Bố đón con cháu về, những giọt nước mắt của cuộc hôn nhân không hạnh phúc đã thay bằng tiếng cười vui vẻ của cả gia đình khi được quây quần bên nhau.
Chuyện của những ông bố vợ, nỗi lo lắng nhiều hơn niềm vui. Vậy nên, các cô con gái, đừng vội vàng lấy chồng vì đến tuổi, cũng đừng chạy theo vật chất mà cưới một người chồng quá khác biệt về gia cảnh. Khi chúng ta lấy chồng, nỗi buồn vui của chúng ta bố mẹ đều thấu hiểu. Mẹ yếu đuối có thể khóc vì con, nhưng bố thì nuốt nước mắt vào trong, tỏ vẻ cứng cỏi khi con gái không hạnh phúc. Chúng ta chọn chồng một cách cẩn thận thì những nếp nhăn trên đôi mắt bố cũng ít hơn.