Nấu canh măng khô ngày Tết: Nhất định phải làm kỹ 1 bước này để "lọc sạch" độc chất, món ăn ngon và an toàn hơn
Măng khô tuy có chất độc nhưng lại vô cùng dễ xử lý. Trước khi ăn măng khô, nhất định phải làm kỹ bước sơ chế để loại bỏ hết hoá chất độc hại.
Măng khô từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong bữa cỗ ngày Tết của người Việt, góp phần tạo nên hương vị đặc trưng cho các món ăn truyền thống.
Tuy nhiên, món ăn hấp dẫn này cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm về an toàn thực phẩm, đặc biệt liên quan đến việc sử dụng hóa chất bảo quản như lưu huỳnh. Nếu không hiểu rõ và chế biến đúng cách, việc tiêu thụ măng khô có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe.
Lưu huỳnh là hóa chất bị cấm sử dụng trong thực phẩm tại Việt Nam, nhưng vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất vẫn sử dụng để bảo quản măng khô, giúp sản phẩm chống ẩm mốc và duy trì màu vàng đẹp mắt.
Hóa chất này có thể gây kích ứng niêm mạc, tổn thương hệ thần kinh, tim mạch và thậm chí ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nếu sử dụng lâu dài. Ngoài ra, lưu huỳnh còn làm tăng nguy cơ nhiễm độc máu, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia), ăn măng khô không được chế biến kỹ có nguy cơ cao gây ngộ độc do tồn dư hóa chất và các tạp chất không được loại bỏ hoàn toàn trong quá trình sản xuất.
Trước đây, đã có nhiều trường hợp cơ quan chức năng bắt quả tang hàng chục tấn măng bị tẩm lưu huỳnh để thời gian bảo quản tốt hơn, cũng như tạo màu vàng của măng được đẹp mắt.
Măng khô tuy có chất độc nhưng lại vô cùng dễ xử lý. Trước khi ăn măng khô, nhất định phải làm kỹ bước sơ chế để loại bỏ hết hoá chất độc hại.
Cách sơ chế măng khô để loại bỏ độc tố
- Bước đầu tiên là ngâm măng trong nước sạch ít nhất một ngày, tốt nhất từ hai đến ba ngày. Trong quá trình ngâm, nên thay nước thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn và hóa chất.
- Một mẹo dân gian được khuyến khích là ngâm măng với nước vo gạo, không chỉ giúp khử mùi mà còn làm mềm măng nhanh hơn.
- Sau khi ngâm, măng cần được luộc ít nhất hai đến ba lần. Khi luộc, cần mở nắp nồi để hóa chất có thể bay hơi, tiếp tục thay nước sau mỗi lần luộc cho đến khi nước trong và măng không còn mùi lạ.
- Sau khi sơ chế sạch, măng khô có thể mang đi để chế biến thực phẩm, ngon nhất là nấu canh hoặc xào.
3 lưu ý khi mua và sử dụng măng khô
1. Cách chọn măng khô sạch: Măng khô chất lượng thường có màu vàng nhạt tự nhiên, hơi ánh màu hổ phách, bề mặt có độ bóng nhẹ và giữ được mùi thơm đặc trưng. Trong khi đó, măng bị tẩm hóa chất thường có màu sắc không đồng đều, quá bóng loáng hoặc quá xỉn, đi kèm mùi hắc hoặc lạ.
Tuy nhiên, việc phân biệt bằng cảm quan không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt khi thị trường thực phẩm ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, người tiêu dùng cần thận trọng trong việc chọn mua sản phẩm từ các nguồn uy tín.
2. Không nên ăn quá nhiều măng khô: Dù đã được sơ chế đúng cách, việc tiêu thụ măng khô cũng cần được kiểm soát chặt chẽ. Măng chứa chất xơ không hòa tan, dễ gây đầy bụng, khó tiêu, và không phù hợp với những người có hệ tiêu hóa yếu như trẻ nhỏ, người già hoặc người mắc các bệnh lý đường ruột.
3. Tránh xa măng có dấu hiệu lạ: Tuyệt đối không mua nếu măng có mùi lạ, mùi lưu huỳnh bay ra. Măng nguyên chất có mùi thơm nhẹ do được phơi khô dưới nắng.
Măng xuất hiện các vết lốm đốm do mốc thì tuyệt đối không nên dùng mà cần loại bỏ ngay.