Mùi hương quyến rũ nhất ngày 30 Tết và những mẹo xả xui của người Việt ngày cuối năm
Trước kia, cứ đến phiên chợ Tết, người ta mua sắm lỉnh kỉnh đủ thứ, nhưng chẳng thể thiếu được vài bó mùi già để dành chiều 30 Tết đun nước tắm. Thứ mùi thiêng liêng kỳ lạ ấy ướp hương tâm hồn khiến người ta nhớ dai dẳng, khác hẳn với mùi nước hoa nhiều người xức bây giờ.
Nếu hỏi hương vị của ngày Tết là gì có lẽ chẳng ai có thể nói rõ được. Bởi cái hương vị ấy được gom góp từ những thứ rất nhỏ bé, trong đó có cả loại rau gia vị khiêm nhường. Rau mùi nằm chen chúc ở những dãy chợ quanh năm, người đến người đi chẳng mấy ai biết đến nó, chỉ đến khi hương của những bó mùi già thoang thoảng dưới phố, người ta mới sực nhớ ra, Tết đã thật gần.
Hương mùi già ngày Tết
Có lẽ những bó mùi già chỉ có địa vị quan trọng trong ngày 30 Tết chứ trong năm chẳng ai tìm mua mùi già để làm gì. Là thứ rau gia vị non mềm đánh thức món ăn ngon, và khi về già nó lại khoác lên mình nhiệm vụ mới: Xả xui.
Thời bây giờ, sẵn đủ loại nước hoa, nước thơm hiện đại đựng trong những chai lọ thiết kế bắt mắt. Thế nhưng, sau cả một năm trời bận rộn, khi ngày cùng tháng tận của năm đến, người ta lại muốn tìm chút yên bình và ký ức xưa cũ qua những gánh mùi già.
Chẳng biết phong tục tắm và rửa mặt bằng nước mùi già có từ bao giờ, chỉ biết rằng, ngày cuối năm, các bà, các mẹ sau khi xong xuôi cỗ bàn, sẽ đun một nồi nước mùi già thật to để cả nhà tắm và rửa mặt. Thứ nước linh thiêng ấy còn theo tận đến sáng mùng 1, khi sáng tinh sương, thấm hương thơm diệu kỳ ấy vào làn da để gột rửa và đón chào ngày đầu tiên của năm mới thật may mắn.
Những gánh mùi già cuối năm đủng đỉnh qua các phố, chẳng nhiều thì ít, người giữ nếp xưa vẫn tìm chọn cho mình bó mùi già ưng ý. Thực ra, khi bước sang tháng Chạp, đến Rằm rồi tiễn ông Công ông Táo, là nhiều người đã sốt sắng tìm mua mùi già, có khi còn đặt trước ở chỗ người quen để dành cho mình một bó mùi già đượm hương nhất.
Ảnh: MD
Không xa hoa cũng chẳng màu mè, những bó mùi già theo chân người bán rong ruổi khắp phố phường những ngày cuối năm, tựa như mang mùi vị của Tết vung vẩy đến từng góc nhỏ. Những cánh hoa đào phai khoe sắc hồng, từng bó lay ơn rực đỏ trong phiên chợ, những mai những quất căng mình đón gió xuân dường như vẫn chưa đủ để người ta ôm vị Tết vào lòng. Phải đến khi tận tay cầm bó mùi, hít hà thứ hương thơm cổ truyền ấy đầy lồng ngực, người ta mới yên tâm đủ đầy vị Tết.
Cũng thực lạ kỳ, bao thứ bùa chú hay xui xẻo trong năm, người ta chỉ đọng lại trong một mùi hương - tin rằng mùi hương ấy có thể thanh tẩy mọi điều cũ kỹ, giúp người ta dọn đi bao nuối tiếc lẫn ưu phiền, để cõi lòng sạch tinh tươm đón Tết mới.
Bây giờ phố xá hiện đại, cuộc sống tấp nập, nhiều người không còn thiết tha dùng nước mùi già nhưng không thể giấu nổi ham muốn được tận hưởng mùi hương ấy. Cứ đến khi mũi chạm vào được mùi hương ấy có thể xoa dịu cái rét căm căm của đông tàn, khoắng đi bao bận bịu, để lại cho người ta thứ yên bình sau cùng.
Chỉ là một thứ rất nhỏ bé, lọt thỏm trong bao điều lớn lao của ngày Tết cổ truyền, thế nhưng vắng hương mùi già, có lẽ sẽ buồn biết mấy. Bởi hương mùi già, không chỉ là nước tắm tẩy uế, xua tà đêm trừ tịch mà còn là một mùi hương trác tuyệt đánh dấu mùa xuân sang.
Xông nhà bằng bồ kết và ngải thơm
Ngoài hương mùi già, còn một thứ hương khiến người ta cảm thấy bình yên và như được trở về với Tết xưa chính là mùi bồ kết và ngải cứu. Bồ kết có tác dụng làm ấm người, loại bỏ "vía độc" nên đây là thứ được người ta thường đốt để "hơ" qua người khi đi ngoài nghĩa trang hoặc đám tang về.
Thế nhưng, vào ngày 30 Tết, đám bồ kết già lại có một công dụng thần kỳ không kém, đó là tẩy uế. Khi những ngọn gió đông cuối cùng của năm cũ trở nên hiu hắt, và niềm vui xuân mới bắt đầu ửng hồng trên cành đào, người Việt chúng ta lại rộn ràng với nghi thức xông nhà bằng bồ kết và ngải cứu vào ngày 30 Tết. Đó không chỉ là một phong tục, mà còn là bản hòa ca của hương thơm, sự linh thiêng và sum vầy.
Tiếng nổ lép bép của quả bồ kết khô trong lửa hồng, hòa quyện với mùi ngải cứu âm ỉ cháy tỏa ra từng làn khói mỏng manh, vương vấn khắp không gian, như những bức thư viết về may mắn và sức khỏe, gửi vào từng ngõ ngách của ngôi nhà, lời nguyện cầu cho một năm mới tràn đầy năng lượng và tươi mới.
Sự lạnh lẽo của mùa đông dần tan, người trong nhà bước qua chậu bồ kết, hoặc đơn giản chỉ cần để bếp xông thảo mộc ở một góc và dọn dẹp nốt các phần việc khác. Nhiều người tiện lợi hơn dùng hương bồ kết, thắp vài nén để làn khói mỏng manh len lỏi từng góc không gian. Mặc dù có nhiều loại thảo mộc có thể thanh tẩy, làm sạch không gian như xô thơm, hương thảo,... nhưng người ta vẫn nhớ đến mùi bồ kết đầy dân dã và mộc mạc, hằn sâu vào tâm thức thứ mùi của quê hương, mùi của ký ức.
Lần quét nhà "cuối cùng" trước khi Giao thừa sang
Ngoài dùng nghi lễ thanh tẩy bằng mùi hương cổ truyền, người Việt ta cũng thực hiện một số mẹo xả xui khác vào ngày cuối cùng của năm này. Chẳng hạn như trả hết nợ nần, ném đồ cũ, sắm đồ mới,... Ngày 30 Tết, là lần cuối cùng dọn dẹp nhà cửa trước khi bước sang năm mới. Việc làm này được xem là quan trọng nhất để quét sạch vận xui của năm cũ. Người ta tin rằng, dọn dẹp nhà cửa sẽ giúp loại bỏ năng lượng tiêu cực và làm mới ngôi nhà của mình.
Bởi vậy, sau khi chuẩn bị mâm cỗ cúng đêm Giao thừa, mọi nhà đều tranh thủ dọn dẹp và quét nhà lần cuối cùng trong năm. Sau đó, người ta sẽ cất gọn chiếc chổi ở nơi không nhìn thấy với ngụ ý không "quét" đi tài lộc. Và niềm tin này còn kéo dài đến 3 ngày đầu tiên của năm mới.