"Mục sở thị" cảnh gói bánh chưng truyền thống của một gia đình Hà Nội

Huyền Trang - Việt Linh,
Chia sẻ

"Phải tự tay gói cái bánh chưng nó mới ra không khí Tết chứ", bà Lê Thị Viền (88 tuổi) lý giải việc nhiều năm vẫn tự tay gói bánh chưng cho gia đình mình một cách giản dị mà ấm áp như thế.

Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Mục đích “gói để ăn” không còn như trước, nhiều người Hà Nội tự tay gói bánh vì luyến tiếc cái không khí tất bật bên nồi bánh chưng, nhớ cái không khí Tết của những ngày khốn khó. Với bà Lê Thị Viền (ngõ Thịnh Quang, phường Ngã Tư Sở, Đống Đa), tết dầu có nhiều món ăn ngon đến đâu, nếu không tự tay gói một nồi bánh chưng thì vẫn chưa đủ không khí.


Từ nhiều năm nay, bà Viền vẫn tự tay gói bánh chưng Tết cho cả gia đình. Mấy năm nay, tuổi đã cao, lưng còng, tay run, bà truyền "bí kíp" cho cô con dâu thứ hai, cô Nguyễn Thị Oanh để hai mẹ con cùng gói cho vui.


Cô Oanh cho biết, để có nồi bánh chưng cho gia đình ăn mấy ngày Tết, cô phải chuẩn bị từ hôm 23 tháng Chạp. Gạo nếp phải mua đúng chuẩn nếp cái hoa vàng, ngâm qua đêm, ướp nước lá giềng; thịt phải chọn thịt vai sấn nửa nạc nửa mỡ, vừa mềm vừa thơm thịt, đỗ phải chọn loại bở, bùi... thì bánh mới ngon. Lá dong cũng được rửa sạch, tước sống và để ráo nước từ mấy hôm trước rồi mới đem gói.


Bà Viền bảo, đỗ phải đồ cho thật nhừ, giã tay cho mịn rồi nắm lại thật chặt, sau đó mới bẻ ra để gói thì nhân bánh mới ngon.


Năm nay, gia đình nhà bà không gói cả trăm bánh như mọi năm mà chỉ gói chừng 20 cái. Các con, cháu đều bận rộn, "dụ" bà và cô Oanh mua bánh sẵn cho nhanh, nhưng hai mẹ con vẫn giữ nếp cũ.


Với bà Viền, nồi bánh chưng Tết không chỉ là thứ tạo nên không khí, nhắc nhớ những kỷ niệm, mà còn là nguồn vui tuổi già. Còn cô Oanh chia sẻ, cô ngại mua bánh chưng sẵn ở cửa hàng vì không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu. "Bánh chưng giờ chủ yếu để cúng tổ tiên, nên mình làm lấy sẽ thành kính hơn, vả lại giờ ai cũng ăn ít, nên cần ăn ngon, ăn sạch". 


Bà Viền trải lòng: “Mấy năm nay tay run, yếu hơn trước nên tôi gói ít đi, nhưng kiểu gì cũng phải gói bánh chứ. Mấy cô con dâu có mỗi cô Oanh là chịu học gói bánh chưng thôi, nhưng gói vẫn chưa chặt tay bằng tôi”.


Bà bảo, gói bánh chưng khó nhất ở chỗ gói chắc tay mà không rách lá, lạt buộc cũng phải chặt, khi luộc bánh mới dền mà không nát, vị mới đậm đà.


Bà khoe: "Ông hàng xóm ngày mai gói trăm chiếc bánh, mượn tôi sang gói hộ nhưng tay run lắm, tôi chưa dám nhận lời đây".


Cô Oanh tiết lộ, tay bà run thế nhưng vẫn gói siêu hơn, nhanh hơn cô. Có khi cô gói xong, buộc lạt rồi bà vẫn chưa ưng, lại gỡ ra buộc lại. Cười tươi, cô bảo, hy vọng vài năm nữa sẽ "đuổi" kịp trình độ gói bánh của bà.





Những cọng lá dong được lót dưới đáy nồi, vừa chống khét, vừa làm bánh chưng có thêm hương vị.


Bà Viền bảo, khi xếp bánh cũng phải ken chặt nồi, để khi gạo nở to ra, chúng sẽ tự "ép" nhau vuông vức.


Nước phải được tiếp liên tục vào nồi, ngập hết chiếc bánh thì bánh mới dền, mới chín đều, không lại gạo.


Thời bao cấp, có mỗi cái thùng luộc bánh mà mấy nhà phải xếp lịch, thay phiên nhau mượn, mua sắm các thứ cũng khó khăn mà nhà nào cũng tự luộc bánh chưng; giờ thì đỡ vất vả hơn nhiều, cái gì cũng tiện lợi, nên chắc chỉ thiếu mỗi thời gian thôi" - cô Oanh tâm sự.
Chia sẻ