Bánh chưng, bánh tét kiểu lạ: đắt mà vẫn hút khách

Huyền Trang,
Chia sẻ

Bánh chưng nhân yến xào, nhân chứng muối, hay thậm chí là nhân... cá hội. Trong miền Nam là các loại bánh tét hình chữ đang rất hút khách dịp Tết này.

Đa dạng các loại biến tấu

Bánh chưng, bánh tét là một món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết nguyên đán của người Việt. Khi nhân truyền thống đã trở nên quá quen thuộc, nhiều nhà sản xuất đã chế ra các loại nhân mới lạ như như cá hồi, yến sào, trứng muối… để bánh chưng, bánh tét hấp dẫn hơn.

Bánh chưng, bánh tét nhân yến sào

Một số công ty yến sào đã nghĩ ra chiêu để làm mới lạ chiếc bánh chưng, bánh tét truyền thống bằng việc cho thêm nguyên liệu thượng hạng chuyên dành cho vua chúa này vào nhân. Về cơ bản, nhân của bánh chưng, bánh tét yến sào không khác nhiều so với bánh truyền thống, cũng là gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, chỉ có điều được thêm một liều lượng nhỏ yến sào bổ sung.

Bánh chưng, bánh tét kiểu lạ: đắt mà vẫn hút khách 1
Bánh chưng nhân yến sào. (Ảnh minh họa)

Được quảng cáo “yến sào có tác dụng bồi bổ cơ thể cực tốt, đặc biệt là mọi người cần một nguồn năng lượng dồi dào để tận hưởng những ngày Tết vui vẻ. Yến sào trong nhân bánh giúp các chị em không sợ bị tăng cân mà còn giúp cho da dẻ hồng hào, những người bị bệnh tiểu đường sử dụng mà vẫn không phải lo ngại, trẻ em có thể ăn thoải mái mà không sợ bị đầy bụng…”, loại bánh này đang trở thành sản phẩm “hot” để làm quà biếu tặng cũng như thưởng thức trong dịp xuân Giáp Ngọ năm nay.

Bánh chưng nhân cá tầm, cá hồi

Cũng lạ không kém bánh chưng yến sào, đó là bánh chưng nhân cá tầm, cá hồi. Loại bánh chưng này vừa được một nhà hàng thủy hải sản ở Hà Nội cho ra mắt thị trường trong năm nay. Thay vì những lát thịt mỡ béo ngậy, mềm mượt lẫn với đậu xanh trong nhân bánh, những đầu bếp đã thay thế bằng một loại protein ít béo hơn, và cao cấp hơn: cá tầm hoặc cá hồi.

Bánh chưng gạo lứt nếp đỏ

Bánh chưng gạo lứt nếp đỏ cũng là một biến tấu lạ của món bánh chưng truyền thống, đã xuất hiện từ năm 2013. Loại bánh chưng này về cơ bản không khác nhiều bánh truyền thống, nhưng lạ ở chỗ dùng gạo lứt nếp be đỏ của Điện Biên để làm "áo" nên có xu hướng của một món ăn thực dưỡng, ít béo, phù hợp với người ăn chay, ăn kiêng, bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp…

Bánh chưng, bánh tét kiểu lạ: đắt mà vẫn hút khách 2
Bánh chưng gạo lứt nếp đỏ. (Ảnh minh họa)

Nếp be đỏ là giống nếp cao sản, hạt to tròn màu đỏ hồng, được trồng trên nương vùng cao Điện Biên, mỗi năm chỉ có một vụ (từ tháng 4 đến tháng 10), hạt giống được gieo xuống lỗ, đợi khi mùa mưa đến thì hứng nước mưa tự nhiên, ít có bàn tay chăm sóc của con người. Khi dùng làm bánh, loại gạo này lại được giữ nguyên phần màng cám bên ngoài nên giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn.

Bánh chưng gấc

Khoảng vài năm trở lại đây, bánh chưng gấc làng Tranh Khúc (Hà Nội) cũng được chú ý, bởi sự lạ lẫm và ngon miệng. Thay vì có màu xanh, lớp “áo” của loại bánh chưng này có màu đỏ au rất đẹp, thơm ngầy ngậy vị gấc, nhân bánh được trộn thêm đường, thịt lợn nạc hơn so với bánh truyền thống.

Bánh chưng, bánh tét kiểu lạ: đắt mà vẫn hút khách 3

Bánh chưng gấc. (Ảnh minh họa)

Món ăn này không chỉ đẹp mắt mà còn thơm ngon hơn, có nhiều vitamin A từ quả gấc nên ít gây cảm giác ngán. Một số gia đình gói bánh chưng gấc còn cho thêm hạt lạc rang vào nhân để tạo vị khác lạ.

Bánh chưng cốm

Bánh chưng cốm lại là một sáng tạo mới của phố bánh cốm Hàng Than và được nhiều hộ sản xuất bánh chưng ở miền Bắc học hỏi. Gọi là bánh chưng cốm vì gạo nếp dùng để để làm bánh chưng này không chỉ được ngâm lá thơm mà còn được trộn cùng những hạt cốm khô, tạo cho “áo” bánh một màu xanh ngọc đẹp mắt cũng như mùi thơm đặc trưng của cốm.

Bánh chưng, bánh tét kiểu lạ: đắt mà vẫn hút khách 4
Bánh chưng cốm.(Ảnh minh họa)

Nhân bên trong bánh chưng cốm thường là nhân ngọt, đỗ xanh được nấu đậm hơn, tương tự món chè kho, cũng có thể có thêm thịt nạc.

Bánh chưng nhân nấm hương, nhân rau củ xào

Các loại bánh chưng chay cũng được thêm một số nhân tố lạ. Thay vì chỉ có đậu xanh và gạo nếp, một số nhà sản xuất bánh chưng chay ở miền Bắc cho thêm nấm hương được xao tẩm kĩ hoặc mứt dừa để bánh thêm đậm đà hương vị. Tết năm nay, một đầu bếp nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh cũng tung ra bánh chưng chay nhân mới lạ bằng cách bổ sung rau củ xào trộn với nhân đậu xanh.
 
Bánh chưng “công chúa”

Bánh chưng “công chúa” là sáng tạo của một bạn trẻ ở miền Bắc, được coi là một món bánh lai giữa bánh chưng và bánh tét. Loại bánh này làm từ gạo nếp trộn với nước cốt dừa, nhân là thịt gà xé. Kích cỡ bánh to hơn cái nem chua rán một chút, cỡ 2 ngón tay, được bán với giá 5.000 đồng/chiếc. Năm nay, “nhà sản xuất” loại bánh chưng có tên mỹ miều này còn sáng tạo thêm bánh chưng công chúa loại dành cho người ăn chay với nhân hoa quả như chuối, xoài.

Không chỉ bánh chưng – loại bánh ăn Tết đặc trưng của miền Bắc, những loại bánh tét của Nam bộ cũng có nhiều thay đổi.

Bánh tét chữ

Bánh tét chữ là sáng tạo của một đầu bếp nổi danh miền Tây Nam bộ. Cũng được làm từ những nguyên liệu thông thường như gạo nếp, đậu, được hòa thêm màu sắc từ lá dứa, lá cẩm cho sặc sỡ, nhưng bánh tét chữ đặc biệt vì phần bên trong có hoa văn tạo thành các chữ.

Bánh chưng, bánh tét kiểu lạ: đắt mà vẫn hút khách 5
Bánh tét xếp chữ. (Ảnh minh họa)

Thời gian đầu, một đòn bánh chỉ có một hoa văn hoặc một vài chữ cái (mỗi khoanh là một chữ, khi cắt ra xếp lại sẽ được chữ “phúc”, “lộc”, “thọ”). Năm nay, loại bánh tét chữ này được “nâng cấp” để mỗi đòn có thể ghép thành chữ “cung chúc tân xuân” hoặc “chúc mừng năm mới”.

Bánh tét xoắn ốc, nhân thập cẩm trứng muối

Ngoài ra, thị trường bánh tét còn xuất hiện loại khác như bánh tét xoắn ốc nhân mặn với các dòng xoắn cách điệu, các lớp nhân nhiều màu quấn vào nhau thành những đường trôn ốc hay bánh tét lá cẩm được bổ sung trứng muối cũng rất được ưa chuộng.

Bánh chưng, bánh tét kiểu lạ: đắt mà vẫn hút khách 6
Bánh tét xoắn ốc. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, các nhà sản xuất bánh tét cũng làm bánh tét nhân hạt điều, bánh tét chuối đậu đỏ cho mùa Tết năm nay.

Bánh chưng, bánh tét kiểu lạ: đắt mà vẫn hút khách 7
Bánh tét nhân hạt điều. (Ảnh minh họa)

Bánh chưng, bánh tét kiểu lạ: đắt mà vẫn hút khách 8
Bánh tét nhân chuối. (Ảnh minh họa)

Hút khách nhờ yếu tố lạ

Ngày nay, hầu hết các gia đình đều không tự gói bánh chưng, bánh tét nữa mà chọn mua ngoài chợ, các cửa hàng, thậm chí là đặt hàng qua mạng. Trên chợ online, thời điểm chỉ còn cách Tết nguyên đán khoảng 10 ngày, việc chào mời, giao dịch mua bán bánh chưng, bánh tét diễn ra rất sôi động. Chỉ cần một cú click chuột, khách hàng có thể tìm được vô số địa chỉ, nhận gói, luộc, giao bánh tận nhà, với lời mời chào rất hấp dẫn.

Theo một số cơ sở kinh doanh bánh chưng, bánh tét, so với năm ngoái, giá bánh chưng, bánh tét tăng cao hơn khoảng 15 - 20% do nguyên liệu đầu vào tăng. Càng gần Tết, giá lại càng tăng thêm. Với các loại bánh nhân truyền thống, tùy cơ sở, khối lượng và chất lượng nhân bánh, bánh chưng sẽ có giá từ 60.000 đồng - 150.000 đồng/chiếc. Một số bếp online hoặc trang mạng có quảng cáo thương hiệu bánh chưng sạch làng nghề Bờ Đậu (Thái Nguyên) bán loại bánh này với giá 60.000 – 80.000 đồng/chiếc. Với bánh tét truyền thống, tuỳ trọng lượng, bánh sẽ có giá từ 50.000 – 90.000 đồng/đòn.

Bánh chưng, bánh tét kiểu lạ: đắt mà vẫn hút khách 9
Thị trường bánh chưng online rất sôi động. (Ảnh chụp màn hình)

Đặc biệt, những loại bánh nhân lạ như trên rất hút khách, cả ở thị trường thực (các cửa hàng, cơ sở sản xuất) lẫn chợ online. Đánh vào tâm lý “ưa của lạ” của người tiêu dùng, nhất là những gia đình trẻ, các loại bánh lạ trên bán chạy, mặc dù giá không hề rẻ so với bánh truyền thống. Đắt nhất có thể kể đến là bánh chưng yến sào, có giá khoảng 175.000 - 250.000 đồng/chiếc, nhưng thường nhà sản xuất không bán rời mà bán cả cặp kèm với hai chai nước yến nhỏ, giá khoảng 400.000 – 550.000 đồng/combo.

Bánh chưng nhân cá tầm, cá hồi cũng được chú ý với giá khoảng 140.000 đồng/chiếc.

Bánh chưng, bánh tét kiểu lạ: đắt mà vẫn hút khách 10
Quảng cáo bánh chưng nhân cá hồi của một nhà hàng ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)

So với giá của bánh chưng truyền thống, những loại có nhân lạ như gạo lứt nếp đỏ từ 140.000 – 170.000 đồng/chiếc hay bánh chưng gấc, bánh chưng cốm từ 100.000 - 120.000 đồng/chiếc là khá hấp dẫn.

Bánh chưng, bánh tét kiểu lạ: đắt mà vẫn hút khách 11
Vài năm gần đây, các loại bánh chưng, bánh tét nhân lạ được chú ý nhiều. (Ảnh chụp màn hình)

Các loại bánh tét đặc biệt cũng có giá cao hơn so với bánh tét thường, dao động từ 70.000 – hơn 100.000 đồng/đòn.

Chia sẻ