Mưa lạnh tại miền Bắc kéo dài đến bao giờ?
Dự báo, miền Bắc tiếp tục duy trì thời tiết mưa lạnh đến 29/3, sau đó trời tạnh ráo và hửng nắng, nền nhiệt tăng dần.
Không khí lạnh cuối mùa miền Bắc
Những ngày qua, các tỉnh miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh gây ra mưa rào rải rác có dông tại nhiều khu vực. Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh, nền nhiệt miền Bắc có sự thay đổi, nhiều khu vực núi cao trời chuyển rét, vùng đồng bằng trời lạnh về đêm và sáng, nền nhiệt thấp nhất dưới 17 độ, cao nhất từ 20-23 độ.
Theo dự báo từ cơ quan khí tượng, ngày 27/3, các tỉnh miền Bắc tiếp tục duy trì thời tiết nhiều mây, có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông.
Dự báo nhiệt độ miền Bắc ngày 27/3 thấp nhất từ 17-20 độ, vùng núi cao dưới 17 độ. Nhiệt độ cao nhất từ 20-23 độ, riêng khu vực Tây Bắc từ 27-29 độ, có nơi trên 30 độ.
Hà Nội từ đêm 26/3 và ngày 27/3 nhiều mây, có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông, trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 18-20 độ. Nhiệt độ cao nhất 20-22 độ.
Cơ quan khí tượng cũng đưa ra dự báo, đến khoảng ngày 28/3, một đợt không khí lạnh yếu có thể bổ sung xuống miền Bắc nước ta. Khu vực Bắc Bộ từ đêm 28 và ngày 29/3 tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to; trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét.
Từ 30/3, miền Bắc giảm mưa, ngày nắng, nền nhiệt tăng dần.
Các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang trong giai đoạn giao mùa, các hình thái thời tiết mùa đông và mùa hè thường “tranh chấp nhau” dẫn đến xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh... KKL còn gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển. Chính vì vậy, người dân vùng núi cao và vùng ven biển cần chú ý theo dõi các bản tin thời tiết để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Đây là một trong những đợt không khí lạnh cuối mùa ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc. Từ đầu tháng 04/2023, không khí lạnh sẽ giảm dần tần suất và cường độ.
Nắng nóng hiếm thấy trong tháng 3 tại miền Bắc
Các tỉnh miền Bắc vừa trải qua đợt nắng nóng đầu mùa với nền nhiệt cao nhất lên tới hơn 40 độ. Theo đánh giá từ cơ quan khí tượng, đây là điều rất hiếm gặp trong tháng 3.
Tại nhiều địa phương miền Bắc và Bắc Trung Bộ như Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh trong đợt nắng nóng ngày 22/3 vừa qua có những điểm vượt mốc lịch sử tháng 3; đáng kể nhất tại Hòa Bình có tới 3 điểm là Lạc Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình vượt mốc lịch sử tháng 3; Kim Bôi 41.4 độ vượt mốc 38.1 độ năm 1996; Lạc Sơn 39.4 độ, vượt mốc 39.0 độ năm 1996; Hòa Bình: 38.8 độ, vượt mốc 38.5 độ năm 1996.
Theo thống kê từ Tổng cục khí tượng, nắng nóng ở miền Trung, Tây Bắc Bộ thường bắt đầu vào giữa tháng 4, còn ở khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội thường vào khoảng nửa tháng 5.
Như vậy năm nay nắng nóng ở miền Trung đến sớm hơn so với TBNN khoảng nửa tháng, còn ở vùng đồng bằng và Thủ đô Hà Nội đến sớm hơn so với TBNN khoảng hơn 1 tháng; với vùng đồng bằng Bắc Bộ năm gần nhất xảy ra nắng nóng xuất hiện vào tháng 3 là ngày 4/3/2003, tức là đã cách đây 20 năm.
Với những con số lịch sử trên đã mở đầu cho một mùa hè được nhận định là đến sớm và khốc liệt hơn so với năm 2022.
Nam Bộ nắng nóng gay gắt kéo dài
Các tỉnh Nam Bộ đang bước vào cao điểm mùa khô, những ngày qua nắng nóng tiếp tục kéo dài tại khu vực này với nền nhiệt nhiều khu vực lên tới 35 độ.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, ngày mai 27/3, nắng nóng xảy ra trên diện rộng trở lại ở miền Đông, TPHCM và vài nơi ở các tỉnh miền Tây. Nhiệt độ cao nhất từ 35 - 36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất từ 40-55%. Thời gian nắng nóng trong ngày khoảng từ 12h đến 16h.
Trong 3 - 5 ngày tới, nắng nóng vẫn xảy ra diện rộng ở khu vực miền Đông và TPHCM, vài nơi ở khu vực miền Tây. Trong khoảng 2 - 3 ngày cuối tháng 3, nắng nóng có khả năng giảm nhẹ.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.