Mua gạo về là tôi lại cho "vũ khí bí mật" này vào thùng bảo quản, có để cả tháng gạo cũng không bị mốc meo, mối mọt
Gạo mối, mọt hay ám mùi thì bữa cơm của gia đình sẽ chẳng thể ngon miệng được dù thức ăn bạn nấu đã hoàn hảo lắm rồi. Vậy nên chị em cũng nên học ngay mẹo bảo quản gạo trong thời gian dài nhé.
Gạo là thứ lương thực không-thể-thiếu trong mọi gia đình Việt, nên chị em nội trợ thường có thói quen mua cả yến gạo về để dùng dần, đỡ mất công "bữa nào mua bữa đấy". Tuy nhiên, việc bảo quản gạo cũng khó chẳng kém gì bảo quản rau, củ, quả và thức ăn, nếu thời tiết nồm ẩm, gạo rất dễ bị mốc, hoặc chỉ để trong điều kiện bình thường cũng xảy ra tình trạng mối, mọt.
Bảo quản gạo tưởng đơn giản nhưng nếu không biết cách, bạn sẽ lãng phí khá nhiều.
Gạo mối, mọt hay ám mùi thì bữa cơm của gia đình sẽ chẳng thể ngon miệng được dù thức ăn bạn nấu đã hoàn hảo lắm rồi. Vậy nên, ngoài những mẹo bảo quản thực phẩm, chị em cũng nên học ngay bí quyết bảo quản gạo để không phải lãng phí những "hạt vàng" nhé.
Để có bát cơm thơm ngon thì gạo tuyệt đối không thể bị mối, mọt.
Thông thường, sau khi mua gạo về, chị em sẽ đổ vào thùng đặt ở xó bếp tiện việc nấu nướng hoặc có người còn để nguyên si cả bao. Tuy nhiên, đó không phải là cách tốt. Có một thứ "vũ khí bí mật" để chống lại ẩm mốc và mối mọt - chính là tỏi.
Tỏi là "vũ khí bí mật" giúp bạn bảo quản gạo tốt hơn.
Từ nay, mỗi khi mua gạo về đổ vào thùng, bạn hãy cho một vài tép tỏi sạch vào chiếc túi nhỏ (túi trà đã qua sử dụng) rồi bỏ vào thùng gạo, đảm bảo chất lượng gạo sẽ được bảo quản gần như nguyên vẹn từ đầu đến cuối. Nếu như có ý định để gạo ăn dần trong vài tháng thì bạn nên thay tỏi định kỳ.
Hãy dùng vài tép tỏi để bảo quản gạo xem, bạn sẽ thấy điều bất ngờ đấy! Gạo vẫn trắng đẹp, thơm và mới nguyên như lúc mua.
Để bảo quản gạo sạch sẽ và đúng cách nhất thì:
Thứ nhất, khi hết gạo cũ và chuẩn bị đổ gạo mới vào thùng, bạn nên vệ sinh sạch thùng gạo trước. Bởi khi đó trong thùng vẫn còn vương lại lớp bột, bụi của gạo cũ, đó chính là nguyên nhân sinh ra mối mọt trong thùng gạo mới.
Thứ hai, nên ăn hết sạch gạo cũ mới dùng gạo mới, không nên để gạo cũ, mới lẫn lộn.
Thứ ba, nếu không bảo quản gạo trong thùng, bạn có thể dùng các loại chai lọ nhựa hoặc những loại túi zipper cỡ lớn, chỉ cần đảm bảo không khí không bị lọt vào trong.
Bên cạnh đó, vì gạo rất dễ hấp thụ mùi nên khi bảo quản, tốt nhất không để gần những dung dịch có mùi như nước lau rửa vệ sinh, nước hoa, dầu hỏa. Dù bảo quản bằng dụng cụ gì, thì bạn nên đặt ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh những nơi ẩm ướt hoặc nhiệt độ quá cao.
(Nguồn: Tổng hợp)