Một số bệnh gây ra tình trạng rong kinh ở phụ nữ
Một số bệnh sau đây cũng có thể gây ra tình trạng rong kinh ở người phụ nữ, bao gồm: Rối loạn rụng trứng, polyp nội mạc tử cung, ung thư nội mạc tử cung, tăng sản nội mạc tử cung...
Sau chuyến công tác 6 tháng, khi trở về nhà tôi lại gặp rắc rối với kinh nguyệt. Tôi có "quan hệ" với chồng vào ngày cuối cùng của kì kinh nguyệt. Nhưng sau đó, kinh nguyệt của tôi kéo dài đến cả tháng mà không dứt. Tình trạng này không xảy ra trước đây nên tôi rất lo lắng.
Tôi đi khám thì bác sĩ nói tôi bị rong kinh hay không? Nếu đúng là rong kinh thì tại sao tôi lại bị như vậy trong khi tôi vẫn giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn uống lành mạnh. Tôi mong bác sĩ tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn! (Thanh Tâm)
BS. Hoa Hồng tư vấn:
Bạn Thanh Tâm thân mến,
Rong kinh là tình trạng ra máu nhiều hoặc kéo dài (trên 7 ngày) trong chu kỳ kinh hàng tháng. Rong kinh có thể không gây hại nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một rối loạn sức khỏe nghiêm trọng. Rong kinh cũng có thể có nhiều biểu hiện khác nhau ở từng người.
Những người bị rong kinh còn có thể cảm thấy thường xuyên mệt mỏi, hơi thở ngắn và dốc... Ảnh minh họa
Một số dấu hiệu của tình trạng rong kinh bao gồm: Kinh nguyệt ra rất nhiều khiến bạn phải thay băng liên tục, kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày, kinh nguyệt gồm những cục máu đông lớn, chu kỳ không đều, mỗi lần ra ít máu... Ngoài ra, những người bị rong kinh còn có thể cảm thấy thường xuyên mệt mỏi, hơi thở ngắn và dốc, triệu chứng của bệnh thiếu máu.
Trong trường hợp của bạn, có thể bạn bị rong kinh do bị rối loạn kích thích tố do... quan hệ vợ chồng quá liên tục sau một thời gian dài phải "nhịn". Thế nhưng, thời điểm "quan hệ" lại rơi đúng vào hai ngày gần cuối của "đèn đỏ" nên bạn cứ "liều". Kết quả là sau đó những ngày "đèn đỏ" của bạn kéo dài mãi mà chưa biết ngày nào dứt.
Tần xuất "yêu" của vợ chồng bạn thay đổi đột ngột và liên tục so với trước đây, hơn nữa lại rơi vào những ngày "đèn đỏ" nên rất có thể làm mất sự thăng bằng giữa 2 kích thích tố nữ estrogen và progesterone để việc rụng trứng, tạo màng dày trong tử cung và hành kinh được suôn sẻ. Nếu vì một lý do nào đó, sự thăng bằng này bị xáo trộn, màng tử cung sẽ dày lên quá độ và khi tróc ra tạo nên kinh nguyệt quá nhiều.
Ngoài ra, một số bệnh sau đây cũng có thể gây ra tình trạng rong kinh ở người phụ nữ, bao gồm: Rối loạn rụng trứng, polyp nội mạc tử cung, ung thư nội mạc tử cung, tăng sản nội mạc tử cung... Những thay đổi trong lối sống và thói quen ăn uống, stress, làm tăng hoặc giảm cân bất thường, đi du lịch, tập luyện quá mạnh, phẫu thuật hoặc mới bị chấn thương cũng có thể gây rong kinh.
Bạn đã đi khám thì nên tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ vì bác sĩ trực tiếp khám là người nắm tình trạng bệnh của bạn rõ nhất. Bạn nên tái khám theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo bệnh đã khỏi.
Chúc bạn sớm khỏi bệnh!
Nếu như bị vô kinh "ghé thăm" thì chị em hãy áp dụng biện pháp điều trị đơn giản nhưng rất hữu ích dưới đây...