Bộ phim của tôi:

"Moonrise Kingdom": Giá tình yêu không bao giờ lớn!

HNguyen,
Chia sẻ

Giá như những đứa trẻ trong "Moonrise Kingdom" chẳng bao giờ lớn, cũng như tình yêu của chúng dành cho nhau, hãy cứ nhỏ xinh, đáng yêu và ngộ nghĩnh vậy thôi...

Điều tôi thích nhất khi xem Moonrise Kingdom của đạo diễn đình đám Wes Anderson đó là bộ phim này khiến tôi phải... ngoác miệng cười từ đầu đến cuối. Cười bởi câu chuyện vô cùng đáng yêu của hai đứa trẻ cùng bỏ nhà đi để... xây dựng một cuộc sống mới của cả hai; cười bởi những đoạn hội thoại trẻ con được "nghiêm trọng hóa" quá đỗi dễ thương; cười vì cách các nhân vật đi lại, hành động, suy nghĩ... 

Tất nhiên bộ phim này không phải chỉ có tiếng cười, còn rất nhiều điều đáng suy nghĩ ẩn đằng sau câu chuyện của con trẻ. Xem Moonrise Kingdom, có cảm giác như đang đọc một cuốn truyện cổ tích bằng tranh vẽ, hay đang xem một bức tranh sơn dầu vừa sống động, vừa hiện thực lại vừa trừu tượng...



"Moonrise Kingdom" (2012) trailer

Lấy bối cảnh năm 1965 trên hòn đảo thuộc New England, Moonrise Kingdom kể về Sam, một cậu bé hướng đạo sinh mồ côi quyết định bỏ trốn khỏi trại hè để cùng Suzy, một cô bé "rắc rối" đi... xây dựng cuộc sống mới của cả hai. Một bên là cậu bé mồ côi thường xuyên bị bạn bè châm chọc; một bên là cô bé lập dị cô độc trong thế giới của riêng mình, làm bạn với mèo và những cuốn sách; Sam và Suzy đã biết nhau từ mùa hè năm trước. Ngay từ cuộc gặp đầu tiên ngắn ngủi, giữa đôi bạn dường như đã có một sự kết nối. Kể từ đó, chúng thường xuyên liên lạc qua những lá thư và sau cùng là quyết định bỏ trốn cùng nhau.


Đúng như lứa tuổi của mình, hành trang mà những đứa trẻ mang theo trên hành trình "xây dựng cuộc sống mới" là tất cả những gì chúng có. Với Suzy, đó là con mèo và những cuốn sách; với Sam, đó là những "đồ nghề" của hướng đạo sinh trại hè. Và cuộc "bỏ trốn" của chúng cũng hấp dẫn như mọi cuộc bỏ trốn của những đôi tình nhân khác, cũng đầy rẫy những mối nguy hiểm từ cả thiên nhiên và con người, cũng kịch tính, hấp dẫn và đầy "nghiêm trọng" theo cách nói của bọn trẻ. Cuối cùng, hành trình cũng đi tới đích khi chúng tìm ra thiên đường - vương quốc của riêng mình, một vũng nhỏ mà hai đứa quyết định đặt một cái tên nên thơ - Moonrise Kingdom.


Tất nhiên mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đây, những người lớn nhanh chóng tìm ra bọn trẻ và chia rẽ chúng. Suzy bị ép trở về nhà và không được gặp Sam nữa. Trong khi Sam có nguy cơ bị gửi tới trại tế bần vì không còn ai nhận nuôi. Giữa tình thế ngặt nghèo này, những người bạn ở trại hướng đạo sinh của Sam quyết định giúp đỡ "đôi trẻ" bằng cách lập kế hoạch để chúng chạy trốn lần hai. Đó tiếp tục là một cuộc hành trình hấp dẫn, hồi hộp, tràn ngập tiếng cười và cả những tình tiết xúc động.


Giống như nhiều bộ phim khác của đạo diễn Wes Anderson, khán giả luôn tìm thấy một dấu ấn riêng, một hành động có chủ ý để diễn đạt và định hình phong cách đạo diễn trong tác phẩm của mình. Với Moonrise Kingdom, người xem có thể thấy ngay từ đoạn mở đầu và kéo dài cho đến hết phim là những cú lướt máy theo chiều ngang, từ trái sang phải, phải sang trái; theo chiều dọc lên - xuống. Như đã nói ban đầu, xem Moonrise Kingdom, tôi có cảm giác như đang đọc một cuốn sách hay xem một bức tranh, cũng bởi cách mà đạo diễn Anderson thực hiện với bộ phim của mình. 

Chiếc camera chuyển động với những cú lướt máy kéo dài theo chiều ngang hay chiều dọc biến thế giới của gia đình Bishop (nhà Suzy) trông như một cuốn sách, nơi thế giới của bọn trẻ và cha mẹ chúng hoàn toàn bị chia cắt, như thể nhiều ngăn tủ trong một chiếc tủ lớn là ngôi nhà. Cũng một cách thức đó, vị đạo diễn này đã tìm cách san phẳng độ sâu của hình ảnh khi quay cảnh trại hè của Sam ở đầu phim, nơi vị huynh trưởng băng băng đi kiểm tra công việc buổi sáng của các trại viên...


Người xem có thể thấy Moonrise Kingdom là một bức tranh nhiều màu sắc, nhưng không phải quá sặc sỡ, lẫn lộn. Đó là sự sắp xếp một cách có trật tự của bốn màu chính: xanh (của cây cối, đồng cỏ), nâu (màu đồng phục của các hướng đạo sinh), vàng, và một chút sắc đỏ năng động. Đó là một bức tranh đầy sôi nổi, tươi vui và dễ chịu một cách tuyệt đối. Điều tuyệt vời hơn là khán giả vừa xem tranh vừa được thưởng thức phần âm nhạc tuyệt vời đến từ bộ phim.


Moonrise Kingdom xây dựng một thế giới trẻ con, và rất ít người lớn ở trong đó. Những người lớn chỉ làm nhiệm vụ đuổi bắt, và giống như một thế giới khác soi chiếu thế giới của những đứa trẻ. Cả hai thế giới đều có những rắc rối của riêng mình. Thế nhưng trong khi trẻ con tìm cách giải quyết rắc rối thì người lớn lại mắc kẹt trong đó. Trẻ con đắm mình trong những cuộc phiêu lưu mạo hiểm và mới mẻ còn người lớn lại dừng chân ngay khi cuộc phiêu lưu còn chưa cả bắt đầu. Trong khi thế giới của bọn trẻ rực rỡ, sống động, tươi vui bao nhiêu thì thế giới của người lớn lại buồn tẻ, nhàm chán và nhạt nhẽo bấy nhiêu. 


Moonrise Kingdom cũng tái hiện 2 "cuộc tình", đó là tình yêu ngộ nghĩnh của Suzy - Sam và mối tình vụng trộm giữa mẹ Suzy và viên thuyền trưởng (Bruce Willis thủ vai). Trong khi "mối tình" của hai đứa trẻ mang lại cho người xem đầy những cung bậc cảm xúc thì mối tình của hai người lớn nhạt nhòa trong bế tắc. 

Sự đối chiếu của hai thế giới trẻ em - người lớn của bộ phim đem lại cho người xem một suy nghĩ, rằng Sam và Suzy, giá như những đứa trẻ đó chẳng bao giờ lớn, cũng như tình yêu của chúng dành cho nhau, hãy cứ nhỏ xinh, đáng yêu và ngộ nghĩnh vậy thôi. 


Có nhiều người cho rằng trong Moonrise Kingdom, Sam và Suzy chỉ đang chơi trò yêu nhau mà thôi, vì chúng còn nhỏ quá, đâu biết tình yêu là như thế nào. Cá nhân tôi thì luôn có cảm nhận rằng, chúng không hề chơi, mà chúng đang ở trong đó. Bọn trẻ đang ở trong tình yêu, thứ tình cảm đẹp đẽ, trong sáng và ngộ nghĩnh đầu đời, thứ tình cảm giúp chúng cùng nhau hàn gắn 2 trái tim nhỏ bé với những thương tổn của riêng mình. Giá như tình yêu của chúng cũng không bao giờ lớn...



Chia sẻ