Mong muốn làm mẹ mãnh liệt, người phụ nữ liệt tứ chi “xin” con của người đàn ông lạ, chấp nhận nguy hiểm để bé gái được chào đời

Bài - Ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Bị liệt tứ chi sau tai nạn giao thông, người phụ nữ 33 tuổi dần lâm vào cùng quẫn khi phải nương tựa mẹ già sống dưới mái nhà xơ xác. Khát khao thực hiện thiên chức làm mẹ đã khiến chị vượt qua mọi giới hạn và chuẩn mực xã hội để tìm cách sinh con.

Đó là trường hợp của sản phụ Nguyễn Thị Thanh B. (33 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) mà mỗi khi nhắc đến, các y bác sĩ và nhân viên phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) không khỏi thương cảm trước số phận nghiệt ngã, bất hạnh của chị cùng mẹ và em gái - những người phụ nữ nhỏ bé nương tựa nhau sống dưới mái nhà không bóng đàn ông.

Bố mất sớm, gia cảnh khó khăn nên với vai trò người con cả, B. sớm đã thay bố trở thành trụ cột gia đình, lo toan cho mẹ già và hai em nhỏ.

Giông bão bắt đầu ập tới khi 8 năm trước, chị B. bất ngờ gặp tai nạn giao thông trên đường đi làm về khiến tứ chi bị liệt. Từ đây người phụ nữ chỉ có thể nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người khác.

Mong muốn làm mẹ mãnh liệt, người phụ nữ liệt tứ chi “xin” con của người đàn ông lạ, chấp nhận nguy hiểm để bé gái được chào đời - Ảnh 1.

Chị B. mang thai dù bị liệt tứ chi.

Không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào, kinh tế gia đình cũng ngày một suy kiệt theo tình trạng sức khỏe của chị. Bất hạnh chồng bất hạnh, mẹ chị B. cũng bị liệt nửa người sau một cơn đột quỵ ít lâu sau. Không đủ điều kiện chữa trị, B. cùng các em cay đắng nhìn cơ thể của mẹ ngày một hao mòn vì những vết loét do biến chứng bệnh đái tháo đường.

Hai người phụ nữ lớn trong gia đình cùng bệnh tật, mất khả năng vận động khiến mọi gánh nặng cơn áo gạo tiền chuyển sang đôi vai nhỏ thó của cô gái Nguyễn Thị Thanh P. (23 tuổi, em chị B.).

Trước đây, P. là công nhân may giày với mức lương mỗi tháng 5 triệu đồng nhưng vì phải chăm sóc mẹ và chị, cô nghỉ việc. Còn niềm hi vọng cuối cùng là cậu con út lại không có việc làm ổn định. Kinh tế gia đình theo thời gian mỗi ngày một suy sụp.

33 tuổi - cái tuổi sắp bước qua bên kia sườn dốc thanh xuân, chị B. thèm được làm mẹ như bao nhiêu người phụ nữ khác. Vậy là đánh bạo với cuộc đời, với sức khỏe hiện tại, người phụ nữ hạ mình "xin" con từ một người đàn ông lạ.

Trời không phụ lòng người, sau khi mang thai đứa bé trong bụng chị B. lớn lên khỏe mạnh, bình an dù bên ngoài mẹ nó đang chống chọi với vô vàn khó khăn. Cận ngày lâm bồn, cả nhà bấm bụng đưa chị B. đến BV ĐHYD cầu cứu.

Mong muốn làm mẹ mãnh liệt, người phụ nữ liệt tứ chi “xin” con của người đàn ông lạ, chấp nhận nguy hiểm để bé gái được chào đời - Ảnh 2.

Một cuộc mổ bắt con tại BV ĐHYD TP.HCM.

Thật nhanh chóng, nhân viên y tế tại khoa Sản của BV đã đỡ đẻ, giúp chị B. sinh một bé gái kháu khỉnh nặng 2,8kg.

Chứng kiến con chào đời, chị B. dù đau đớn nhưng vẫn cố nở nụ cười. Chị đâu biết rằng để có được khoảnh khắc này, các bác sĩ đã phải trải qua một cuộc chạy đua với tử thần để bảo đảm an toàn cho hai mẹ con.

Mong muốn làm mẹ mãnh liệt, người phụ nữ liệt tứ chi “xin” con của người đàn ông lạ, chấp nhận nguy hiểm để bé gái được chào đời - Ảnh 3.

Khoa Phụ Sản, BV ĐHYD TP.HCM.

ThS.BS. Lê Thị Kiều Dung, Trưởng Khoa Phụ sản, BV ĐHYD nhớ lại: "Đây là một trường hợp đặc biệt vì thai phụ hoàn toàn mất khả năng vận động. Các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Phụ sản đã phải mổ cho người mẹ.

Do chị B. không thể vận động nên có thể gặp những nguy cơ sau sinh như thuyên tắc mạch, ứ huyết trong lòng tử cung, nhiễm trùng. Vì vậy sản phụ rất cần được sự theo dõi và chăm sóc kỹ lưỡng, đặc biệt là hỗ trợ vận động. Bên cạnh đó, việc chăm sóc em bé cũng là một thử thách".

Mong muốn làm mẹ mãnh liệt, người phụ nữ liệt tứ chi “xin” con của người đàn ông lạ, chấp nhận nguy hiểm để bé gái được chào đời - Ảnh 4.

Bác sĩ Kiều Dung cho biết, chị B. có thể gặp những nguy cơ sau sinh như thuyên tắc mạch, ứ huyết trong lòng tử cung, nhiễm trùng.

Trước tình mẫu tử thiêng liêng và hoàn cảnh khó khăn sản phụ, lãnh đạo BV ĐHYD đã hỗ trợ việc đi lại và toàn bộ viện phí cho chị B.

Tuy nhiên, chuỗi ngày phía trước của người phụ nữ ấy vẫn còn lắm chông chênh. Căn nhà nhỏ nay đã sinh động hơn bởi có thêm tiếng khóc trẻ con, nhưng làm sao để nuôi dạy nó nên người khi trong nhà là hai người phụ nữ tật nguyền là cả một câu hỏi lớn.

"Chúng tôi mong rằng sẽ nhận được sự đồng hành của những tấm lòng vàng trong việc hỗ trợ chị B. và gia đình chăm sóc em bé vừa chào đời, để ngôi nhà thiếu vắng hạnh phúc ấy sẽ có thêm nhiều tiếng cười và niềm vui cuộc sống" - Đại diện phòng Công tác xã hội của BV gửi lời kêu gọi giúp đỡ mẹ con chị B. đến cộng đồng.

Mọi đóng góp cho sản phụ Nguyễn Thị Thanh B., độc giả vui lòng liên hệ Phòng Công tác xã hội, BV ĐHYD TPHCM.

Số điện thoại: (028) 3952 5422.

Hoặc chuyển vào tài khoản BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

Số tài khoản 0511000787878, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Chi nhánh Sài Thành, TP.HCM.

Chia sẻ