Cứ 10 người mắc bệnh này thì có 3 người có nguy cơ viêm tuyến vú, buồng trứng, phụ nữ mang thai cũng có thể bị bệnh

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2018, số người mắc bệnh này tại khu vực phía Nam lên đến hơn 4.200 ca.

Số liệu này do BS Hồ Vĩnh Thắng, Phó khoa Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM cho biết tại Hội thảo về Bệnh sởi, Quai bị và Rubella với sự tham dự của 35 tỉnh thành khu vực phía Nam.

Cụ thể trong năm 2017 có 9.872 bệnh nhân mắc bệnh quai bị, tăng đến 87.3% so với năm 2016 (5.270 ca) và tăng 2.2 lần so với trung bình 5 năm 2012-2016.

Cứ trong 10 người thì có 3 người mắc bệnh này dẫn đến viêm tuyến vú, viêm buồng trứng, phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ bị bệnh - Ảnh 1.

Các chuyên gia cung cấp số liệu báo động về tình hình dịch bệnh Sởi, quai bị, ruballe tại khu vực phía Nam.

Ghi nhận 15/20 tỉnh thành tại khu vực phía Nam có số ca mắc bệnh thô tăng so với năm trước. Cao nhất là ở Bình Dương khi bệnh nhân quai bị năm 2017 cao gấp 7.2 lần so với 2016.

Tỉ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân cao nhất là ở Bến Tre (88 ca). Tiếp theo là 3 tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu với cùng tỉ lệ 71 ca/100.000 dân.

Còn trong 5 tháng đầu năm 2018, có 4.201 ca mắc bệnh quai bị tại khu vực phía Nam, giảm 11.3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 1.6 lần so với trung bình 5 năm 2013-2017.

Cứ trong 10 người thì có 3 người mắc bệnh này dẫn đến viêm tuyến vú, viêm buồng trứng, phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ bị bệnh - Ảnh 2.

Một bệnh nhân mắc bệnh quai bị.

Theo BS Thắng, quai bị có thời gian ủ bệnh trung bình 16-18 ngày, tuy nhiên đang có xu hướng thay đổi thành 12-25 ngày. Nguy cơ lây truyền cao nhất từ 6 ngày trước khi khởi phát và kéo dài đến 2 tuần sau khi sưng tuyến mang tai.

Virus quai bị xâm nhập từ người này sang người khác qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt.

Mặc dù các ca bệnh thường tập trung ở lứa tuổi 5-9 tuổi nhưng cả trẻ vị thành niên và người lớn đều có thể nhiễm bệnh.

Điều nguy hiểm là bệnh khi khởi phát không có dấu hiệu đặc hiệu. Các triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, khó chịu, đau cơ có thể khiến người dân nhầm lẫn với những bệnh khác.

"Tại vùng khí hậu nóng, bệnh thường xảy ra quanh năm, còn vùng ôn đới, bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân. Dịch quai bị thường xảy ra và kéo dài 2-5 năm tại nhiều quốc gia.

Biến chứng của quai bị có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, viêm tinh hoàn, viêm tụy, điếc và có nguy cơ tử vong (tỉ lệ 1-3/10.000 ca). Đặc biệt, biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới có thể dẫn đến vô sinh" – chuyên gia phân tích.

Với phụ nữ nếu nhiễm virus quai bị, khoảng 7-30% người bệnh có biến chứng viêm tuyến vú và viêm buồng trứng. 5-10% bệnh nhân biểu hiện viêm màng não.

Ngoài ra bệnh nhân quai bị có thể bị viêm cơ tim, viêm khớp, rối loạn chức năng thận. Phụ nữ mang thai cũng là đối tượng có khả năng mắc căn bệnh này.

Cứ trong 10 người thì có 3 người mắc bệnh này dẫn đến viêm tuyến vú, viêm buồng trứng, phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ bị bệnh - Ảnh 3.

Phụ nữ mang thai cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh quai bị.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết để phòng bệnh quai bị hay sởi, rubella thì tiêm vắc xin là biện pháp chủ động và hiệu quả nhất. Từ tháng 7/2017, Việt Nam sử dụng vắc xin MMR do Ấn Độ sản xuất để ngừa bệnh quai bị.

Việc này có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa các loại vắc xin và bổ sung nguồn cung ứng vắc xin cho nhu cầu phòng bệnh của người dân.

"Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có khoảng 300 nghìn liều vắc xin MMR cung ứng ra cầu thị trường và dự kiến mỗi năm sẽ cung ứng khoảng 800 nghìn đến 1 triệu liều vắc xin cho nhu cầu phòng bệnh của người dân" – BS Dũng thông tin.

Cứ trong 10 người thì có 3 người mắc bệnh này dẫn đến viêm tuyến vú, viêm buồng trứng, phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ bị bệnh - Ảnh 4.

Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để ngừa bệnh quai bị.

Các chuyên gia cho biết, để đề phòng bệnh quai bị thì việc tuyên truyền giáo dục cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng. Cụ thể, người dân cần được tuyên truyền tác hại của bệnh, biết cách phát hiện sớm và khai báo dịch bệnh kịp thời cho cơ quan chức năng.

Các biện pháp vệ sinh để ngăn ngừa quai bị là: Thường xuyên súc họng bằng dung dịch khử khuẩn hoặc nước muối loãng (đặc biệt ở trẻ nhỏ); Thông thoáng nhà ở, tận dụng ánh sáng mặt trời.

Có thể tiến hành khử khuẩn không khí nhà ở, buồng bệnh bằng đèn cực tím hoặc phun ULV, xông hơi cho những không gian kín.

Chia sẻ