Mỗi ngày tập 9 động tác đơn giản này, kinh mạch toàn thân được khai thông, tăng cường tuổi thọ
Theo lý luận của y học cổ truyền Trung Quốc, các kinh mạch của cơ thể con người giống như một mạng lưới giao thông chằng chịt, kết nối các tạng phủ, thông khí và huyết, chống lại bệnh tật.
Tuy nhiên, lối sống hiện đại ít vận động, lười vận động đã khiến khí huyết thường xuyên tắc nghẽn, tăng nguy cơ mắc bệnh. Khuyên bạn mỗi ngày tập 9 động tác đơn giản này, kinh mạch toàn thân được khai thông, tăng cường tuổi thọ:
1. Chải đầu
Chải đầu thường xuyên không những có thể cải thiện tuần hoàn máu của da đầu, điều hòa mạch máu, đồng thời còn làm giảm mệt mỏi, cải thiện chức năng thần kinh và giúp ngủ ngon. Khi chải tóc, hãy bắt đầu chải từ một bên tóc mai, dần dần chuyển sang phần đỉnh đầu rồi đến phần tóc mai bên kia. Lưu ý, thái dương và đỉnh trán là nơi tóc trắng mọc nhiều nên bạn cần chải ở vị trí này nhiều lần. Chú ý thực hiện nhẹ nhàng, khoảng 200 lần/ngày, khi chải chỉ cần cảm thấy da đầu nóng là được.
2. "Ủi mắt"
Xung quanh mắt có nhiều kinh mạch tạng phủ, nếu cơ thể mệt mỏi, mắt cũng sẽ suy giảm. "Ủi mắt" là một phương pháp chăm sóc mắt đã được lưu truyền hàng nghìn năm, dùng 2 lòng bàn tay xoa nóng, sau đó úp 2 tay lên mắt, nhắm mắt, đồng thời nhãn cầu xoay từ từ theo chiều kim đồng hồ khoảng vài vòng, rồi xoay ngược lại, thời gian nên kiểm soát từ 2-3 phút.
Sức nóng từ lòng bàn tay cùng với xoay nhãn cầu sẽ đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của mắt, đủ máu lên mắt và giúp cải thiện thị lực. Lưu ý, bạn cần giữ vệ sinh tay thật sạch, khi ấn vào mắt cần thực hiện nhẹ nhàng để tránh gây áp lực lên nhãn cầu.
3. Nâng gập cổ
Cổ chứa 5 mạch quan trọng của con người, do đó vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, mạch máu ở cổ nhỏ, dễ khiến khí huyết ứ trệ, cộng với thói quen xấu như ngồi nhiều, ít vận động, thường xuyên nhìn xuống điện thoại là tác nhân gây hại cho cột sống cổ. Do đó, phương đơn giản và hiệu quả nhất để chăm sóc sức khỏe cột sống cổ là bạn hãy thực hiện bài nâng gập cổ.
Đứng thẳng hai chân rộng bằng vai, cổ gập về phía trước, cố gắng giữ cho cằm chạm vào phần ngực. Tiếp theo, ngửa đầu ra sau từ 3-5 giây, ngực ưỡn, sau đó làm lặp lại.
Bài tập này có lợi để kéo căng các mô xung quanh cột sống cổ, nới lỏng các khớp nhỏ dính vào nhau, kích thích hệ thống Kinh mạch như Mạch Đốc. Tập càng chậm càng tốt, mỗi lần 8 ~ 10 lần là phù hợp. Cần lưu ý, đối với người bị thoái hóa đốt sống cổ thì các động tác cần nhẹ nhàng hơn và làm theo khả năng của mình.
4. Vặn người xoay tròn vai
Ngày nay nhiều người mắc triệu chứng cứng khớp vai. Vặn người xoay tròn vai là một phương pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả, giảm hiệu quả tình trạng cứng khớp vai. Khi tập, để hai tay tự nhiên trên vai, xoay eo sang trái, sau đó xoay vai theo hướng vòng tròn. Vẽ vòng tròn bằng khuỷu tay của bạn, lặp đi lặp lại động tác này 20 lần theo chiều kim đồng hồ và ở hướng ngược lại 20 lần. Tập bài thể dục này thường xuyên cũng có thể giúp loại bỏ chứng đau lưng.
5. Xoay cổ tay
Dùng tay bấm điện thoại, đánh máy tính thường xuyên… được gọi là "sát thủ" gây hại cổ tay. Vị trí đặt tay thời gian dài khiến tay làm việc quá sức, gây tê, rát, sưng cổ tay, cử động không linh hoạt, tay ngày càng yếu. Phương pháp đơn giản và hiệu quả để thư giãn tay là thực hiện động tác xoay cổ tay.
Bằng cách xoay cổ tay, có thể kích thích huyệt đạo quan trọng như huyệt Thần Môn, giúp làm giãn cơ và thúc đẩy tuần hoàn máu, đồng thời còn có tác dụng bảo vệ tim phổi.
6. Mở rộng lồng ngực
Lồng ngực là trung tâm chăm sóc sức khỏe của cơ thể. Trong khoang tim có một huyệt quan trọng tên là Đản trung, còn được gọi là "huyệt khí hội", dùng để chỉ tất cả các bệnh liên quan đến "khí", chẳng hạn như sự trì trệ và thiếu hụt của khí. Nếu khí ở lồng ngực bị ứ đọng, sẽ cảm thấy ngột ngạt và đau nhức. Do đó, việc chăm sóc lồng ngực rất quan trọng, khuyên thực hiện động tác "mở lồng ngực". Hai tay nắm lại, kéo cánh tay thẳng trước ngực, sau đó mở rộng sang hai bên. Trong toàn bộ quá trình thực hiện không được gập cánh tay, có thể đóng mở từ 20 đến 30 lần.
Thực hành thường xuyên không chỉ chăm sóc sức khỏe huyệt Đản trung mà còn kích thích kinh Thận, gián tiếp điều hòa các kinh mạch như kinh tỳ vị và kinh mạch màng tim của cơ thể con người, giảm mệt mỏi và suy nhược.
7. Lắc hông
Y học hiện đại chứng minh, ngồi lâu có thể dẫn đến lão hóa sớm, một trong những nguyên nhân là do ngồi lâu có thể gây căng thẳng vùng hông, gây rối loạn chức năng nội tạng. Thực hiện động tác lắc hông để bảo vệ hông, khớp háng, đồng thời điều hòa khí huyết.
Thực hiện động tác lắc hông rất đơn giản, bạn đứng thẳng, hai chân mở rộng, lắc hông theo vòng tròn từ trái sang phải, sau đó thực hiện ngược lại, cố gắng làm từ 15-20 lần. Người cao tuổi có thể giảm số lượng bài tập khi mới bắt đầu, thực hiện càng chậm càng tốt. Ngoài ra, không nên tập ngay sau khi ăn no.
8. Nâng bắp chân
Công việc bận rộn nên nhiều người không có thời gian tập thể dục. Những người này nên tận dụng "khoảng trống" thời gian trong khi làm việc, ngồi tán gẫu lúc rảnh rỗi, xem ti vi… tập bài nâng bắp chân để tăng cường sức khỏe. Cách tập là ngồi thẳng lưng trên ghế, hóp bụng dưới và từ từ nâng một chân lên, giữ vuông góc với thân người khi ngồi. Giữ 5-10 giây trước khi thay đổi sang chân còn lại.
Bạn cũng có thể đồng thời nâng cả 2 chân vuông góc với thân người khi ngồi và giữ nguyên 5 giây mới đặt xuống, lặp lại động tác này. Kiên trì thực hiện động tác nâng bắp chân mỗi ngày, giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu ở chi dưới, ngăn ngừa huyết khối.
9. Kiễng chân
Chân được mệnh danh là " trái tim thứ hai" của con người. Có nhiều hình thức chăm sóc sức khỏe của chân như ngâm chân, massage,… tuy nhiên phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất là kiễng chân. Cách thực hiện là thả lỏng toàn thân, 2 bàn chân bằng nhau, từ từ nhấc gót chân lên, chú ý mũi chân bám chặt vào mặt đất, giữ nguyên tư thể từ 5-10 giây, sau đó thực hiện lại động tác.
Kiễng chân trực tiếp kích thích gót chân, rèn luyện cơ bàn chân và bắp chân, đồng thời cải thiện tình trạng đau gót chân và các chứng khó chịu khác. Tập động tác này trong thời gian dài cũng giúp cải thiện sự cân bằng của cơ thể và tăng cường chức năng của tiểu não. Cần lưu ý chọn mặt bằng dẻo là tốt nhất như nền đất, sàn gỗ, nhựa… để tránh bị thương.
(Nguồn: Aboluowang)