Méo mặt vợ chồng son về quê ăn Tết
Sáng mở mắt ra, cô vừa ăn sáng xong chưa kịp nghỉ ngơi gì đã phải lên đường làm “nhiệm vụ”. Khi trở về nhà thì cũng là lúc tối mịt mù, có khi bụng lép kẹp kêu gào vì cơm còn chưa được ăn.
Đi nhận họ hàng hay chạy sô hành xác?
Năm nay, Ngọc (quê Nam Định) đã là dâu cũ nên nhờ đó cô đã thoát cái kiếp đi ra mắt họ hàng quê chồng dịp Tết. Nhưng cứ nhớ tới cái Tết khi còn là dâu mới tinh mà cô vẫn còn hãi hùng sởn tóc gáy.
Chả là khi Ngọc và Luân cưới thì vỏn vẹn trước Tết có một tháng. Khi đó, cô đã có bầu được 7 tuần. Thiên chức làm làm mẹ và vai trò làm vợ đến cùng một lúc, vui cũng có nhưng trách nhiệm và sự mệt mỏi thì cũng nhiều. Nhất là lại phải đối mặt với nỗi lo cái Tết ở quê chồng.
Hai vợ chồng khăn gói về quê chồng ăn Tết, cứ tưởng Ngọc đang nghén lên nghén xuống thì sẽ được miễn phải đi chào hỏi, ra mắt họ hàng. Ấy thế nhưng, một bà bầu như Ngọc cũng không được nhân nhượng và châm chước cho. Tục lệ đã có từ bao đời, sao lại chỉ vì một cô con dâu mà thay đổi được. Thế thì nhờn mặt hết à, đến cô khác về làm dâu cũng viện cớ không đi thì sao?
Hết cái Tết đầu tiên của nàng dâu mới, Ngọc mệt ngoài người, phải nghỉ bù mấy hôm sau mới lại sức (Ảnh minh họa)
Năm đó đúng dịp thời tiết rét mướt kinh khủng, ngồi trong nhà đã lạnh tê cóng cả chân tay, chảy cả nước mũi, huống chi ra ngoài trời. Thế mà 2 vợ chồng cô về quê được 5 ngày thì hết 4 ngày đi thăm bà con bên nhà chồng, tất bật y hệt ca sĩ đắt sô vậy. Mà họ hàng thì nhiều và đủ mọi dạng: họ hàng đằng bố chồng, họ hàng đằng mẹ chồng, họ hàng gần, họ hàng hơi gần, họ hàng xa … cũng bắt phải đi hết. Tính ra sơ sơ cũng vài chục nhà là ít.
Sáng mở mắt ra, cô vừa ăn sáng xong chưa kịp nghỉ ngơi gì đã phải lên đường làm “nhiệm vụ”. Khi trở về nhà thì cũng là lúc tối mịt mù, có khi bụng lép kẹp kêu gào vì cơm còn chưa được ăn.
Có nhà họ hàng lại ở xa, đi nửa ngày mới đến. Có nhà thì ở khu hẻo lánh, đến xe máy cũng khó mà đi vào được. Có hôm trời mưa phùn, 2 vợ chồng đèo nhau đi xe máy ướt như chuột lột, rét run cầm cập. Vừa mệt mỏi vừa tủi thân, Ngọc chỉ muốn bật khóc ngay giữa đường. Đúng là hành xác chứ không phải bình thường nữa!
Mà đến thăm hỏi và ra mắt nào phải đến không. Lại quà cáp và lì xì cho trẻ con và người già. Không lì xì thì lại mang tiếng vụng, không biết đối nhân xử thế, quá nữa thì là keo kiệt. Mỗi nhà cũng không đáng là bao, nhưng gộp nhiều nhà lại thì cũng là một khoản đáng kể.
Rồi có trường hợp dở khóc dở cười, đó là họ hàng thì đông đến mức cô chẳng nhớ nổi ai vào ai. Có khi có em bé tí thì phải chào bằng bác và có khi có người lẽ ra mình phải chào là chú hay bác thì có khi lại gọi mình là bà. Vậy là Ngọc bị một phen loạn cào cào vì những cách xưng hô ấy, bao phen bị họ hàng nhà Luân cằn nhằn rằng cô chẳng biết vai vế gì hết.
Rồi có lần vừa cả ngày đi về, mới trèo lên giường được một lúc, đang nằm trong chăn ấm thì nhà chồng lại có khách mới. Luân theo lệnh bố mẹ và nguyện vọng của khách, lên gọi cô xuống cho cô chú xem mặt vì lúc cưới chưa biết mặt Ngọc.
Đến mức này thì cô thật sự bực mình. Cô có phải… khỉ trong sở thú đâu mà ai đến cũng đòi xem mặt? Nhưng Ngọc có giận đến mấy cũng chẳng dám trái lời, dâu mới mà. Cô đành xuống ngồi thộn mặt ra, lúc nào khách về thì mới được đi nghỉ.
Hết cái Tết đầu tiên của nàng dâu mới, Ngọc mệt ngoài người, phải nghỉ bù mấy hôm sau mới lại sức. Nhưng cô cũng muốn hét toáng lên sung sướng khi từ năm sau, cô sẽ không còn phải chịu cảnh hành xác ấy nữa!
Sạt nghiệp vì ra mắt nhận họ hàng
Năm nay, Dung (quê Bắc Ninh) cũng là một nàng dâu mới. Cô và Thuật vừa mới làm đám cưới cách Tết đúng tròn 2 tháng. Năm đầu tiên làm dâu, cô được lệnh từ bố mẹ chồng là bắt buộc phải về quê Thuật ăn Tết để còn đi ra mắt họ hàng bên nhà nội.
Vậy là vừa được nghỉ một cái, đôi vợ chồng son liền tay xách nách mang về quê nội ăn Tết. Lần đầu về quê chồng ăn Tết, Dung chẳng dám úi xùi. Cô mua khá nhiều đồ trên thành phố mang về. Không những thế còn biếu bố mẹ chồng một khoản gọi là cho ông bà sắm Tết dùm. Kinh tế khủng hoảng, tiền thưởng cuối năm thì hẻo. Thế là nguyên cái khoản đấy cũng đi đứt một phần kha khá của 2 vợ chồng rồi.
Nhưng khi về quê ăn Tết, tiết mục ra mắt họ hàng ấy còn ngốn của cô số lượng kinh phí khổng lồ hơn nữa, khiến Dung chỉ có mức khóc thét.
Sự thật chứng minh, vợ chồng Dung đã gần như sạt nghiệp thật sau dịp Tết ấy. Quà cáp đi biếu từng nhà, đích thân mẹ chồng cô… nghiệm thu rồi mới cho mang đi (Ảnh minh họa)
Ừ thì đi ra mắt, nhận họ hàng cho mọi người biết mặt con dâu mới, Dung cũng đồng tình. Nhưng cô ngờ đâu được, mỗi khi đến nhà ai, nào có phải được đi tay không. Phải có quà cáp đàng hoàng hẳn hoi.
Mà mẹ chồng cô đã quán triệt rồi: “Làm thế nào thì làm, để chúng tôi mất mặt thì đừng có trách. Thằng Thuật là cháu đích tôn của cả họ đấy, phải xông xênh, đàng hoàng vào!”. Ý ông bà sao cô không hiểu chứ, nhưng họ hàng thì có đến mấy chục nhà, nhà nào cũng xông xênh thì cô có mà sạt nghiệp.
Sự thật chứng minh, vợ chồng Dung đã gần như sạt nghiệp thật sau dịp Tết ấy. Quà cáp đi biếu từng nhà, đích thân mẹ chồng cô… nghiệm thu rồi mới cho mang đi. Lúc đầu Dung chuẩn bị sẵn một loạt phong bao 10 nghìn định bụng để mừng tuổi cho trẻ nhỏ, vì nghĩ trẻ con không quan trọng tiền nong, với lại ở quê mà.
Nhưng khi đến nhà đầu tiên, bố mẹ của bé đã giở ngay ra xem trong ruột phong bao lì xì là nhiều hay ít. Khi thấy tờ 10 nghìn thì mặt tối sầm lại và nói mát: “Cô dâu mới mừng cho cháu nhiều thế này sao cháu dám nhận?”. Dung vừa tức vừa xấu hổ. Cô có phải đại gia, giàu có gì cho cam. Vợ chồng mới lấy nhau, đã có tích góp gì đâu, bố mẹ 2 bên cũng không giúp được gì mấy.
Thế nhưng vì là dâu mới, không muốn vừa mới về làm dâu đã bị họ hàng xì xầm, trách móc này kia, từ những nhà sau, Dung bấm bụng tăng lượng tiền mừng tuổi. Cứ thế, nguyên cái Tết năm ấy, đi được hết một lượt họ hàng nội ngoại đằng nhà chồng thì 2 người cũng đi toi luôn số tiền tiết kiệm bấy lâu nay.
Dung ngán ngẩm vô cùng. Tiền nong là một chuyện nhưng cô nghĩ đã là quý mến nhau, đến với nhau bằng tình cảm thì sao cứ phải quan trọng sức nặng của vật chất như vậy? Nhất là bố mẹ chồng cô lại có tính sĩ diện cao, luôn sợ hàng xóm cười chê. Trong khi đó, ông bà chả cần biết con cái tốn kém thế nào, có hay không có, hết Tết chúng nó có chết đói hay không. Ông bà là cứ phải giải quyết cái khâu sĩ trước đã.
Tết xong, đi làm lại, 2 vợ chồng toàn ăn cơm muối vừng trường kì, lại cày kéo tích góp vậy chứ biết làm sao. May mà trong đời làm dâu chỉ có một cái Tết như vậy mà thôi!