Mẹ tôi đã trở thành một trưởng thôn như thế nào!

nguyenkhuyenvh91@...,
Chia sẻ

Tôi vẫn thường nghĩ rằng nếu cuộc đời của một người đàn ông giống như một “truyện ngắn” thì cuộc đời của người phụ nữ giống như một cuốn “tiểu thuyết” đồ sộ. Cũng có câu chuyện, có thắt nút, có cởi nút và có đỉnh điểm… nhưng nếu chưa đi hết cuộc đời thì còn chưa biết đâu mới là bước ngoặt thực sự của cuốn tiểu thuyết ấy.

Mẹ tôi là một trưởng thôn. Xin các bạn đừng hiểu lầm rằng tôi có ý định khoe khoang điều đó, bởi lẽ tôi chắc chắn rằng nhiều người sẽ cười khẩy “chỉ là trưởng thôn thôi mà có gì to tát đâu”. Và chính tôi cũng đồng ý như thế. Nhưng điều tôi muốn nói đó là với tôi việc mẹ có là trưởng thôn hay không không quan trọng bằng cái cách mẹ tôi từ một người phụ nữ thầm lặng quanh năm cung cúc tận tụy vì chồng vì con trở thành một trưởng thôn như thế nào. Đó mới thực sự là câu chuyện tôi muốn chia sẻ với các bạn về người mẹ vô vàn yêu quý của tôi.

Chuỗi ngày tuổi trẻ đầy hoài bão

Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có sáu anh chị em, mẹ là con gái đầu. Hồi còn nhỏ mẹ rất ham học và học rất giỏi nhưng nhà nghèo lại đông em nên ông ngoại chẳng muốn cho mẹ đi học. Trời sinh ra mẹ mang hình hài của một người con gái nhưng lại có sức khỏe và bản tính mạnh mẽ chẳng thua kém gì các đấng mày râu.

Mẹ tôi đã trở thành một trưởng thôn như thế nào! 1
Mẹ tôi
 
Mẹ tự hào kể, mới hơn mười tuổi mẹ đã theo ông ngoại đi chăn trâu, cắt cỏ, thả ống lươn… khắp các cánh đồng trên dưới. Có hôm gần tết làng xã tát ao, đám thanh niên trai tráng tranh nhau xuống “hôi” tôm tép, một mình mẹ là con gái lại đang tuổi mới lớn mà dám đánh vật với một lũ con trai ngụp lặn trong bùn lầy bắt cá. Lúc lên bờ toàn thân ngập ngụa trong bùn đến nỗi ông bà ngoại cũng chẳng nhận ra nếu mẹ không nhe hàm răng trắng hếu ra cười.

Rồi mẹ lại buồn rầu kể có một năm nước lũ tràn về, cả làng chìm trong biển nước. Mọi lương thực thực phẩm đều bị lũ cuốn trôi. Người dân chỉ biết ngồi chờ cứu trợ và đợi nước rút. Nhìn các em nheo nhóc quấn lấy bà ngoại khóc lóc vì đói, mẹ nói với ông ngoại cho mẹ chèo chiếc thuyền con đi thả lưới để bắt con cá con tôm về cho cả nhà chống đói. Nếu cứ ngồi chờ thì cũng chỉ còn nước chết đói nên ông ngoại cũng miễn cưỡng đồng ý vì ông biết mẹ bơi rất giỏi và ông cũng tin rằng chỉ mẹ mới cứu được cả nhà. Không phụ sự tin tưởng của ông ngoại mẹ đi và trở về với một giỏ cá đầy thêm cả một gói thuốc lào đổi với mấy con cá giếc cho ông ngoại. Cầm gói thuốc lào ướt nhẹp trên tay ông ngoại cười khổ sở. (Mẹ vẫn biết ông thích hút thuốc, không có thuốc thì ngứa ngáy khó chịu).

Rồi mọi người cũng an toàn đi qua mùa nước lũ thế nhưng trước mắt chỉ một bãi đất tan hoang, nhầy nhụa càng khiến người ta nản lòng đến rơi nước mắt. Mạ gieo còn chưa kịp nảy mầm. Trâu, bò, lợn, gà đều chết cả. Và mẹ đã bất đắc dĩ trở thành con trâu kéo cày cùng ông ngoại lê khắp cánh đồng. Dù mẹ có khỏe đến đâu nhưng sức người cũng là có hạn. Qua được cơn khó khăn thì “cái u mười bảy bẻ gãy sừng trâu” cũng mệt mỏi đến kiệt sức. Mẹ xin ông ngoại cho mẹ trở lại trường, ông ngoại đồng ý với một điều kiện.

Trời mùa đông rét căm căm mẹ phải dậy từ hơn 3 giờ sáng để ra đồng hái rau, bẻ đậu cho bà ngoại về đi chợ sớm. Cơn ngái ngủ còn chưa kịp tan nhưng chỉ vừa mở cửa những đợt gió rét táp vào người lạnh đến thấu xương thấu thịt cũng đủ khiến mẹ tỉnh hẳn. Mùa hè cũng vậy, chưa đến bốn giờ mẹ đã phải dậy ra đồng cắt một gánh cỏ đầy để trâu có cái ăn cả ngày. Đó là yêu cầu của ông ngoại nếu mẹ muốn được tiếp tục đi học.

Ông ngoại không phải không thương mẹ, biết mẹ vất vả nhưng ông chỉ muốn mẹ thấy khó mà bỏ cuộc. Vậy mà cái bản tính giống ông nhất của mẹ lại là chai lì và gan góc. Có lần mẹ đi cắt cỏ, cái liềm sắc lẹm cứa vào đầu ngón tay máu túa ra không ngừng đau điếng. Lúc ấy trời chưa kịp sáng, ngoài đồng không một bóng người mẹ vơ vội mấy cọng cỏ cho vào miệng nhá nát rồi đắp vào chỗ bị thương cầm máu. Vừa đau đớn vừa tủi thân nước mắt mẹ cứ thế tuôn ra dàn dụa. Khi máu vừa ngừng chảy mẹ phải cố nén cái đau đớn trên từng đầu ngón tay tiếp tục cắt cho đầy gánh cỏ đang dang dở để kịp về nhà đi học. Nhưng dù có khó khăn vất cả đến đâu, mẹ cũng chưa bao giờ nản lòng. Vì mẹ biết rằng chỉ có con đường học tập mới giúp mẹ thoát khỏi kiếp nghèo đói nghiệt ngã này. Chính vì vậy có lần ông ngoại muốn dạy mẹ “học cày” rồi sau này nối nghiệp ông, mẹ đã ương bướng cãi lại “con có thể học bất cứ thứ gì nhưng riêng học cày có chết con cũng không học”.

Nghe những điều mẹ kể tôi đã từng không tin được rằng đó là mẹ của tôi. Thì ra người mẹ nông dân khắc khổ cam chịu của tôi cũng đã có một thời tuổi trẻ mang trong mình đầy nhiệt huyết và hoài bão như thế. Đó không đơn giản chỉ là khát vọng đổi đời của mẹ mà đó còn là quyết tâm được sống với niềm đam mê, với lý tưởng của mình.

Vậy mà cái ước mơ tuổi thơ cuồng nhiệt ấy cũng không thể thành sự thực khi cuối cùng mẹ vẫn trở về với cuộc sống của một người đàn bà nông dân quanh năm cày với cuốc sau thất bại kỳ thi tốt nghiệp cấp ba. Đó là một cú sốc không nhỏ đối với mẹ. Ước mơ được ngồi trên giảng đường, ước mơ trở thành một cô giáo, ước mơ được thoát kiếp nghèo khổ quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời cuối cùng đều vỡ tan như bong bóng. Thực tế không phải không có con đường khác cho mẹ lựa chọn nhưng chính mẹ đã hứa với ông ngoại nếu không qua được kỳ thi cấp ba thì mọi việc mẹ sẽ nghe theo lời ông. Và cuối cùng mẹ đã chấp nhận sự an bài của số phận, chấp nhận làm một người con gái hiếu thảo và một người đàn bà suốt đời cam chịu, hi sinh.

Có lẽ tôi nên cám ơn ông ngoại bởi chính sự khắc nghiệt và bảo thủ của ông ngày ấy đã phá hỏng ước mơ “bay nhảy” của mẹ nên bây giờ tôi mới có được một người mẹ nông dân chuẩn mười đến thế.

Và có lẽ tôi cũng cần cám ơn ông ngoại lần nữa vì nhờ sự sắp đặt, an bài một cách cố chấp của ông mà mẹ tôi đã nhắm mắt đưa chân vào cuộc hôn nhân với người đàn ông duy nhất của đời mẹ để có chúng tôi của ngày hôm nay. Mười tám tuổi mẹ chưa hề biết tình yêu là gì, cũng chưa bao giờ nghĩ đến hạnh phúc riêng tư của mình vậy mà mẹ tôi đã chấp nhận lấy bố tôi, người đàn ông già dặn, từng trải hơn mẹ đến mười tuổi. Ngày đưa dâu không có xác pháo, không có xe hoa, bố tôi còn nhất định không chịu đèo mẹ. Bố đi cùng bạn về trước, mẹ cũng đi cùng bạn theo sau. Nhiều lúc tôi tự hỏi phải chăng đó chính là điềm báo về cuộc hôn nhân của bố mẹ tôi sau này?

Tháng ngày đầu tiên làm dâu xứ người

Ngay sau ngày cưới mẹ rơi vào khủng hoảng. Với những cặp vợ chồng son, thời kỳ đầu sau khi cưới là thời gian ngọt ngào nhất nhưng với mẹ đó lại là chuỗi ngày bi kịch nhất. Lấy chồng xứ người lạ nước lạ cái, người gần gũi duy nhất là chồng lại đi làm ăn xa có khi cả tháng mới về một lần, mẹ trở nên lầm lũi thu mình trong căn buồng riêng lạnh lẽo. Nhà chồng cũng vì thế mà không thích mẹ.

Người ta thường nói tình yêu có thể làm con người hạnh phúc, nhất là đối với một người phụ nữ. Bởi lẽ phụ nữ luôn coi trọng tình cảm và đôi khi người phụ nữ còn đặt tình cảm lên trên hết. Khó khăn, vất vả, khổ cực có thể biến cuộc sống của con người trở nên bất hạnh thế nhưng chỉ cần có tình yêu bất hạnh cũng có thể hóa thành hạnh phúc. Vậy thì với một người phụ nữ chưa bao giờ biết đến tình yêu cuộc sống phải chăng không chỉ là bất hạnh mà nó còn tạo nên một tấn bi kịch?

Bà nội tôi nổi tiếng khó tính, cộng thêm cái danh “bà cô không chồng đanh đá” đã gắn mác cho bác gái tôi từ lâu nên con gái trong làng nghe tiếng đã sợ. Ngoài ra người làng trên xóm dưới không ai là không biết bố tôi với cái tướng ngông nghênh, giang hồ phiêu bạt kiếm ăn xa xứ hàng chục năm đến nay đã quá tuổi mới quay đầu về lại quê hương “thành gia lập thất”. Vậy nên dù rất nể trọng bố tôi họ cũng không muốn gả con gái họ vào nhà ấy. Được một người bạn giới thiệu đến tìm hiểu mẹ tôi bản thân bố cũng không hề thích mẹ vì ngoài cái tiếng ngoan ngoãn, giỏi giáng, chăm chỉ thì nhan sắc mẹ tôi cũng có giới hạn. Cho nên cuộc hôn nhân của bố mẹ tôi ngay từ đâu đã là một vở kịch mà cả hai diễn viên chính đều miễn cưỡng tham gia.

Mẹ tôi đã trở thành một trưởng thôn như thế nào! 2
Bố tôi (bên trái)

Gia đình nội tôi đón mẹ tôi về với một tâm thế như vậy. Đến mãi sau này mẹ mới biết rằng mẹ chẳng qua chỉ là một lựa chọn bất đắc dĩ để giúp gia đình nội tôi gánh cái gánh nặng là bố tôi và cũng để sau này bố tôi có người chăm sóc lúc đau ốm. Bởi lẽ trước khi lấy mẹ bố tôi đã một lần mổ tim. Dù ca phẫu thuật ấy đã thành công phần nào nhưng điều đó không có nghĩa là bố tôi đã hoàn toàn khỏi bệnh. Nhìn bố mạnh khỏe, rắn rỏi là thế nhưng “trái tim” bố lại vô cùng “yếu ớt” theo đúng nghĩa đen của hai từ ấy và bệnh của bố có thể tái phát bất cứ lúc nào.

Một năm đầu sau khi cưới mọi chuyện tương đối ổn. Dù mẹ chồng, anh em nhà chồng và bản thân chồng đều lạnh nhạt với mẹ nhưng vì mẹ chăm chỉ, hiểu lễ nghĩa và thậm chí luôn sống trong sự e dè, sợ sệt, một dạ hai vâng răm rắp nghe lời nên không ai nói được gì. Nhưng cũng chính vì thế mà mọi người trong nhà được thể lên mặt coi thường mẹ tôi. Đỉnh điểm là có lần chú út đã chỉ mặt mắng mẹ tôi “ngu”. Vậy mà mẹ tôi chỉ biết chạy vào buồng ngồi một mình mà khóc. Nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ và các em không ngừng thôi thúc mẹ bỏ về nhà ngoại. Thực tế không có gì níu chân mẹ lại căn nhà đó nhưng chính ông bà ngoại tôi đã đánh đuổi, bắt mẹ phải về nhà chồng sau nhiều lần mẹ trốn về. Họ không hề biết con gái họ đã phải chịu ấm ức như thế nào cho đến khi bi kịch thực sự bùng phát.

Mười lăm năm sóng gió

Bi kịch thực sự bắt đầu khi mẹ tôi mang thai đứa con đầu lòng. Tuổi mới vừa chớm đôi mươi bản thân mẹ lúc đó chẳng khác gì đứa trẻ lần đầu tiên mang trọng trách cao cả giữ gìn một sinh linh nhỏ bé đang lớn dần trong thân thể mình. Thế nhưng thiên thần bé nhỏ ấy đến bên mẹ bất ngờ như một cơn gió và ra đi cũng vội vàng như thế. Khi mẹ còn chưa kịp cảm nhận được hạnh phúc làm mẹ thì đứa con trong bụng đã bỏ mẹ ra đi.

Cái ngày định mệnh ấy mẹ vẫn thường nhớ lại kèm những giọt nước mắt nóng hổi. Hôm ấy mẹ vẫn đi làm cỏ ngoài đồng và khi tối mịt chuẩn bị về mẹ cũng không quên cắt một gánh cỏ đầy cho trâu. Gánh một gánh nặng trĩu trên vai không có gì là quá sức với mẹ nhưng bỗng nhiên mẹ bắt đầu cảm nhận được cơn đau âm ỷ trong bụng. Vừa về đến nhà cơn đau cũng trở nên dữ dội như lần đầu thấy kinh nguyệt của người phụ nữ. Chỉ mấy phút sau thì từ thân thể mẹ máu tuôn ra ào ạt. Máu chảy đến đâu thì mẹ đau đớn đến đó. Nỗi đau từ thân xác thấu vào tận tâm can, vào nơi sâu cùng của trái tim thành một cục nấc nghẹn ở cổ và nước mắt cứ thế trào ra. Một mình mẹ sợ hãi, rên siết trong căn buồng trống trải.

Bà nội tôi về đến nhà nghe tin mẹ tôi sẩy thai chẳng thèm vào ngó mẹ lấy một cái đã ngoảnh mặt đi và buông ra hai chữ lạnh lùng “Vô phúc”. Nghe xong câu ấy nước mắt mẹ chảy ra nhiều hơn, không chỉ thương thân mình mà còn thương thay đứa con nhỏ chưa kịp chào đời. Không một ai quan tâm, hỏi han, mẹ mệt mỏi nằm rạp trên giường mà nước mắt không ngừng chảy ngược. Đến gần mười giờ đêm, cái đói quyện với nỗi đau cào xé trong bụng. Mẹ như kẻ vô hồn lê lết dậy đi bắc nồi cháo. Tôi có thể tưởng tượng được người mẹ nhỏ bé của tôi ngồi ôm gối gục đầu trên đôi chân gầy nhẳng trong căn bếp nhỏ, khói bếp nghi ngút khiến mẹ lại rơi nước mắt lần nữa.

Không ai cho mẹ thời gian nghỉ ngơi và chính mẹ cũng không hề muốn điều đó. Mẹ muốn vùi đầu vào công việc để quên đi nỗi đau mất con, quên đi sự trống trải đến ghê rợn trong căn buồng tối lạnh lẽo, cô quạnh. Bố tôi đi làm xa thỉnh thoảng mang tiền về nhưng tiền ông kiếm được đều đưa cho bà nội để xây dựng đại gia đình chung chứ mẹ tôi chưa bao giờ chạm đến. Vợ chồng mà không khác gì người dưng, dù có ăn chung mâm ngồi chung bàn nhưng ngay cả giây phút ấy người ta vẫn thấy sự xa lạ đến khó tin. Đặc biệt từ lúc mẹ sẩy thai cái không khí ngột ngạt trong nhà càng rõ hơn. Mẹ như người vô hồn sống không còn cảm xúc. Ngay sau đó ông bà nội quyết định cho bố mẹ tôi ra ở riêng.

Thế rồi khi mẹ vừa kịp biết mẹ lại mang trong mình một mầm sống thì ông nội tôi qua đời. Niềm vui chưa đến thì nỗi đau đã ập đến. Trong nhà ông nội là người duy nhất yêu quý mẹ, bảo vệ mẹ và quan tâm đến mẹ như một người cha thực sự. Dù ông luôn rượu chè cờ bạc, luôn bị chính vợ và con gái mắng mỏ nhưng trong mắt mẹ ông vẫn là một người có tấm lòng bao dung, nhân hậu. Ông mất, mẹ một lần nữa mất đi người thân yêu nhất và một lần nữa cảm giác đau đớn, bơ vơ, trống trải như muốn đánh gục mẹ. Có thêm một người thân nhưng phải mất đi một người thân, đó có phải là định mệnh của mẹ? Mẹ vẫn thường hỏi tôi như thế.

Nhưng vì đứa con trong bụng mẹ nuốt nước mắt vào trong tim tiếp tục sống, tiếp tục làm việc để có điều kiện chuẩn bị đón chào sinh linh bé nhỏ sắp ra đời. Gần mười tháng sau thiên thần bé nhỏ, yếu ớt là tôi cũng an toàn nằm trong tay mẹ khóc oa oa. Điều đó cũng không khiến gia đình nội tôi cảm thấy vui hơn. Đối với họ thêm một đứa cháu cũng chẳng lấy gì làm quan trọng mà lại còn là một đứa cháu gái sinh ra đã yếu ớt như tôi, bà nội tôi lắc đầu ngao ngán “chẳng biết có nuôi được không?” Mãi sau này tôi mới biết có lẽ không phải họ vô cảm mà thực ra họ đã chai lỳ với cái chết của những sinh linh bé nhỏ ấy. Bởi vì thím Ba của tôi, (chú Ba tôi kết hôn trước bố tôi có đến sáu bảy năm), đã mất đi ba đứa con vừa mới chào đời và có đến vài ba lần không giữ được bào thai. Đó là lý do sau này dù oán trách họ quá vô tình mẹ tôi cũng chấp nhận tha thứ cho họ.

Khi tôi còn chưa tròn năm thì bệnh tim của bố tôi tái phát. Tài sản trong nhà lúc ấy chẳng có gì ngoài chục con gà mái đang nhảy ổ và hơn một tạ thóc. Mẹ tôi bán tất cả rồi chạy vạy vay thêm tiền cho bố tôi làm phẫu thuật. Tháng ngày trực trong bệnh viện, nhìn đủ các loại kim tiêm, dây rợ quấn trên thân thể bố mẹ sợ đến thót tim. Trong thâm tâm mẹ, bố vẫn là chồng của mẹ, là bố của con mẹ và là chỗ dựa duy nhất của hai mẹ con. Nhìn đứa con còn đỏ hỏn trên tay phải theo mẹ vào bệnh viện chăm sóc bố mà nước mắt mẹ ứa ra.

Ngày đón bố tôi trở về từ bệnh viện, căn nhà hiu quạnh, tan hoang đượm một màu u ám. Trong nhà chẳng còn gì ngoài bộ giường tre cót két và vài chiếc ghế mây. Xoong nồi, bát đĩa mốc meo. Bố nhìn mẹ đầy căm phẫn rồi không nói gì. Trước khi bắt đầu ca phẫu thuật, bố đã chuẩn bị sẵn đầy đủ tiền bạc và bảo mẹ không cần lo gì. Bố bảo mẹ chăm đàn gà để khi mổ xong bố có cái tẩm bổ. Thế nhưng khi bố nằm bất động trong bệnh viện, bà nội kêu mẹ chuẩn bị thêm tiền để lo cho bố thì mẹ chẳng còn biết suy nghĩ gì ngoài việc bán tất cả mọi thứ có giá trị trong nhà để chạy chữa cho bố.

Khó khăn chồng chất khó khăn, mùa thu hoạch còn mấy tháng nữa mà trong nhà không một hạt gạo. Mẹ lao đầu vào công việc, làm đủ các loại nghề, nhặt nhạnh từng xu về mua đấu gạo nấu bát cháo bát cơm cho cả nhà. Nhiều khi mẹ tôi làm đến kiệt sức, ngất xỉu ngay trên đồng ruộng, người ta phải khiêng mẹ lên xe cải tiến kéo về nhà. Về đến nhà chỉ có bát cháo nước nhiều hơn gạo ăn thay cơm, đứa con nhỏ quấy quả khát sữa đòi bú, thân hình gầy gò xác xơ của mẹ lại bị đứa con bé bỏng là tôi giày vò thêm lần nữa.

Mẹ tôi đã trở thành một trưởng thôn như thế nào! 3

Rồi bà nội tôi mất. Sức khỏe bố tôi đã khá hơn nhưng không còn như xưa. Bố quyết định ở nhà bồng tôi và làm những công việc nhẹ nhàng không kiếm ra tiền. Việc bố thích nhất là đánh cờ và ôm tôi trong chiếc áo măng tô rong ruổi trên chiếc xe đạp từ làng nọ qua làng kia. Có những hôm bố mải chơi cờ đến nỗi bỏ tôi đói sữa kêu gào, bố liền nhờ bà chủ nhà cũng đang có con nhỏ bằng tôi pha sữa cho tôi uống ké. Một mình mẹ tôi vật lộn với mấy sào ruộng, chăn nuôi đàn gà, làm thuê cuốc mướn, lăn lê hết các xó xỉnh để kiếm đồng tiền bát gạo về nuôi ba miệng ăn. Không những thế trước khi qua đời bà nội còn di chúc lại cho mẹ khoản nợ hơn một tấn thóc mà bà bảo đó là lúc trước bà vay để chạy chữa cho bố tôi. Sau này khi mẹ đã trả xong hết số nợ bố mới biết và mắng mẹ “ngu”. Mẹ chỉ biết ấm ức không nói gì.

Cứ thế bảy năm trôi qua tài sản cuối cùng của mẹ chỉ là ba đứa con và ba lần sẩy thai đau đớn. Có được một đứa con đồng thời phải chịu nỗi đau mất đi một đứa khiến mẹ thực sự sợ hãi. Không gì làm người đàn bà suy sụp cho bằng nỗi đau tinh thần khi mất đi đứa con của mình, và mẹ tôi đã phải chịu đựng nó đến ba lần. Suốt bảy năm mẹ tôi sống trong cái chu kỳ luân hồi như vậy. Không có người san sẻ gánh nặng, không có người chia sẻ nỗi buồn thậm chí thỉnh thoảng mẹ tôi còn mang bộ mặt thâm tím với đôi mắt sưng vù ôm chị em tôi về nhà ngoại.

Dần dần thì mẹ cũng quen với gánh nặng và nỗi đau cho đến khi gia đình tôi khấm khá hơn một chút. Đó là lúc tôi vào lớp một và em trai tôi chào đời. Thời gian đó bố tôi trở nên khỏe khoắn, vui vẻ hơn. Bố bắt đầu làm việc trở lại và công việc bố chọn là mở nhà hàng kinh doanh bia. Thời gian ấy thực sự là thời gian hạnh phúc nhất của gia đình tôi. Cho đến bây giờ mỗi khi nghĩ đến quãng đời ấy tôi lại thấy lòng ấm áp, nhẹ nhõm. Mẹ tôi vẫn làm việc quần quật từ sáng đến tối. Công việc kinh doanh nhà hàng không hề nhẹ nhàng, một tay mẹ phải làm tất cả. Bố chỉ như một người quản lý đứng chỉ tay yêu cầu mẹ phải làm như thế nào chứ chưa bao giờ bố nhúng tay vào.

Thế nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, công việc kinh doanh ngày càng thua lỗ. Bố mẹ tôi bắt đầu to tiếng với nhau và những cú đấm đá cũng bắt đầu trở lại. Tôi không nhớ đã bao lần chị em tôi ôm nhau khóc khi bố mẹ cãi nhau rồi bố nhảy vào túm lấy tóc mẹ mà đấm, mà tát. Và tôi cũng không nhớ biết bao lần bố tôi cầm chai bia nhựa đập vào lưng, vào gáy mẹ. Các chú các bác tôi không những không can ngăn bố tôi mà còn mắng chửi, khích bác để bố tôi càng đánh mẹ tôi thậm tệ. Đỉnh điểm của những cuộc cãi vã ấy là bố mẹ tôi viết đơn ra tòa ly hôn. Những tháng ngày ấy trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi trong tuổi thơ tôi.

Tôi cũng chẳng nhớ lý do tại sao bố mẹ tôi cuối cùng lại rút lại đơn ly hôn nhưng tôi đoán rằng đó là vì chúng tôi. Bởi vì mấy hôm liền mẹ ôm chúng tôi mà khóc. Mẹ bảo nếu mẹ và bố chia tay mẹ cũng nhất định không bỏ rơi chúng tôi. Tôi tin rằng lúc đó chị em tôi ghét bố và nếu lựa chọn chắc chắn chúng tôi sẽ theo mẹ. Sau này đã từng có lúc tôi hi vọng rằng giá như bố mẹ tôi ly hôn thì tốt biết mấy. Bởi những tháng ngày sau đó gia đình tôi chẳng khác gì địa ngục, nhất là với mẹ.

Mẹ tôi cố gắng vực dậy công việc kinh doanh bằng việc nấu đồ ăn sẵn và đem bán. Mỗi ngày mẹ dậy từ bốn giờ sáng và làm việc cho đến mười giờ tối mới đóng cửa hàng. Công việc tuy không có thu nhập cao nhưng cũng đủ cho chúng tôi ăn học. Thế nhưng thời gian đó cũng chẳng kéo dài lâu khi chính quyền quyết định quy hoạch khu đất thuê của các hộ kinh doanh để lấy đất xây trường mầm non. Phải chuyển cửa hàng đến một nơi xa khu dân cư, công việc kinh doanh đồ ăn sẵn không thể tiếp tục. Bố mẹ trở lại công việc bán bia năm xưa.

Thế nhưng khó khăn một lần nữa ập đến khi bố tôi lại tái phát bệnh. Và lần này điều gia đình tôi lo lắng thực sự đã đến khi các bác sỹ nói bố tôi không thể mổ thêm lần nữa, điều đó đồng nghĩa với việc bố tôi không còn nhiều thời gian để sống bên chúng tôi. Bố chỉ có thể duy trì sự sống bằng thuốc thang và các loại dược liệu tẩm bổ. Điều đó khiến bố ngày càng trái tính trái nết. Bố không chỉ đánh mẹ nhiều hơn mà còn đánh cả chúng tôi. Năm ngày một trận to, ba ngày một trận nhỏ cứ thế không ngừng. Mẹ tôi vốn đã nhỏ bé bây giờ lại gầy rộc, quắt queo hơn bao giờ hết. Vừa làm việc kiếm tiền nuôi chúng tôi ăn học, vừa chắt chiu tiền của lo thuốc thang cho bố, mỗi đêm ngủ mẹ vẫn giật thót tim khi nghe tiếng ho khù khụ của bố.

Mỗi khi tết đến xuân về mẹ tôi càng sợ hãi hơn bao giờ hết. Các em tôi không hiểu chuyện cứ nằng nặc đòi mẹ mua quần áo mới, đồ chơi mới mà không biết đêm ba mươi mẹ run rẩy, tim đập thình thịch mỗi khi có người gõ cửa đến đòi nợ.

Thế rồi cái ngày định mệnh đã được báo trước cũng vội vàng đến, bố tôi qua đời. Hôm ấy là ngày tôi nhận được giấy báo tốt nghiệp cấp hai và định bụng về khoe với bố rằng tôi thừa điểm vào cấp ba. Nhưng bố chưa kịp biết thì đã ra đi. Có lẽ chỉ những ai đã từng trải qua mới hiểu được rằng dù người chồng, người cha có tồi tệ đến như thế nào thì người đàn ông ấy vẫn là trụ cột trong gia đình và “con không cha như nhà không nóc”. Đó là cảm giác của mẹ khi bố tôi qua đời, nó đau hơn những trận đòn và đáng sợ hơn những đêm nằm một mình trong căn phòng lạnh lẽo, cô quạnh.

Biết kết thúc để bắt đầu

Tôi nhớ có ai đó nói rằng khi người ta mất đi một thứ thì nhiều thứ khác cũng sẽ nối đuôi nhau ra đi. Tôi nghĩ câu này đúng ít nhất là trong trường hợp của gia đình tôi. Bố tôi ra đi để lại khoản tiền hơn ba mươi triệu vay lãi ngân hàng. Mà thứ bố tôi lấy ra để thế chấp vay tiền chính là căn nhà bé nhỏ, tài sản giá trị duy nhất của gia đình tôi. Trước khi bố tôi mất ngân hàng đã yêu cầu trả nợ. Sau khi bố tôi mất thì họ yêu cầu càng ráo riết hơn. Ngày ngày gia đình tôi sống trong phập phồng lo sợ. Nhìn những gia đình khác không trả được nợ đã bị niêm phong nhà cửa, ruộng vườn càng khiến mẹ tôi thót tim. Cũng may họ biết hoàn cảnh gia đình tôi nên thư thả cho thêm dăm bữa nửa tháng.

Thời gian đó mẹ con tôi chẳng biết bấu víu vào đâu. Mẹ tôi phải cúi đầu xin các chú của tôi giúp đỡ nhưng không ai thương hại mà mở lời giúp mẹ tôi lấy một đồng. Các cậu mợ tôi dù rất muốn nhưng không có điều kiện để giúp ngoài bác trai với những đồng tiền tích cóp ít ỏi đưa tất cả cho mẹ tôi. Thế rồi ông trời cũng không tiệt đường người ta, bác trưởng thôn tốt bụng năm đó đã bày cách cho mẹ tôi “vay nợ” để “trả nợ”. Với hoàn cảnh của gia đình tôi thừa đủ “điều kiện” để được nằm trong danh sách “hộ nghèo”. Vậy là với số tiền vay vốn hộ nghèo hơn mười triệu mẹ tôi đã trả nợ cũ phần nào để họ không đến niêm phong nhà cửa của chúng tôi.

Đó là một điềm báo may mắn đến với gia đình tôi sau những mất mát. Thế nhưng may mắn đâu có đến dễ dàng như thế. Bố tôi mất đi công việc kinh doanh lại càng sa sút. Dù mẹ vẫn cố gắng ngày ngày đội nắng đội mưa đạp xe đi tìm các đại lý để phân phối bia nhưng thấy mẹ là phụ nữ họ đều lắc đầu. Họ bảo: “đàn bà thì biết gì về bia bọt mà đòi làm ăn”. Những khách hàng cũ cũng lần lượt nối đuôi nhau ra đi. Những đại lý bia đối thủ cạnh tranh mọc lên như nấm. Cuối cùng không thể vực dậy được nữa mẹ quyết định giã từ công việc kinh doanh. Mẹ bảo “cái duyên bán hàng của mẹ đã hết. Dù có cố gắng hơn nữa cũng không được. Phải biết đâu là điểm cuối của con đường thì mới có cơ hội bắt đầu một con đường khác”. Và như thế gia đình tôi lại trở về cuộc sống của một gia đình nông dân chính hiệu.

Tiếp bước những ước mơ

Chưa hết năm mươi ngày bố, tôi cùng chúng bạn đạp xe lên trường cấp ba mua hồ sơ xét tuyển. Đó là lúc gia đình tôi vẫn đang ngập chìm trong khó khăn không lối thoát khi ngân hàng đến đòi nợ. Mười lăm tuổi, dù cuộc sống nhiều sóng gió gia đình khiến tôi già dặn hơn bạn bè cùng trang lứa nhưng có nhiều lúc tôi vẫn ngây thơ, khờ khạo đến vô tâm. Chẳng khó khăn gì để tôi bước vào cấp ba với số điểm khá cao. Và như thế tôi nghiễm nhiên cho rằng việc tôi tiếp tục đi học là chuyện đương nhiên nhưng tôi đâu có biết rằng việc để tôi được trở lại trường là cả một cuộc đấu tranh dai dẳng của mẹ, không chỉ đấu tranh với chính mình, với định kiến xã hội mà còn với cả những ánh nhìn khinh bỉ của những người xung quanh.

Tôi đã không biết rằng khi mẹ quyết định cho tôi trở lại trường, bao nhiêu người biết chuyện là bấy nhiêu người can ngăn mẹ không nên làm cái việc “ngu ngốc ấy”, trong đó có cả các bác, các chú và cả cô hàng xóm nhà tôi. Ai cũng nói với mẹ tôi rằng “con gái học lắm làm gì, ở nhà giúp mẹ làm việc để tập chung cho hai đứa em tiếp tục ăn học, vài năm nữa gả chồng là xong”. Thực ra đó là một lý do rất hợp lý bởi cái định kiến “con gái không cần, mà cũng không nên học nhiều” đã ăn sâu vào máu tủy của những con người nơi vùng quê nghèo nàn, lạc hậu này rồi. Khi mẹ tôi giải thích với họ rằng “con gái bây giờ cũng cần học và chỉ có con đường học mới mong thoát được kiếp nghèo” thì nhiều người cười khẩy và chính miệng chú tôi đã nói: “Chị đừng có mơ mộng hão huyền. Dù con chị có học giỏi đến đâu nhưng chị là đàn bà, nuôi sao nổi ba đứa con ăn học. Em là đàn ông, hai vợ chồng làm ăn khá giả nuôi hai đứa con mới học mầm non mà còn chật vật nữa là chị. Thôi sống cho thực tế vào, đàn bà con gái làm thuê cuốc mướn có cái ăn là được rồi”.

Chính những lời nói, những cái nhìn ấy đã trở thành động lực để mẹ quyết định phấn đấu cho chúng tôi ăn học đến nơi đến chốn. Ngày ấy nhiều lần tôi vẫn oán trách mẹ, tại sao mẹ bắt chúng tôi học nhiều đến thế? Tại sao mẹ vất vả ngược xuôi, phơi mặt cày cuốc dưới cái nắng gay gắt giữa trưa hè để đến nỗi da mặt đen sạm đi vì cháy nắng làm nhiều lần bạn bè chê cười khiến tôi xấu hổ, vậy mà mẹ vẫn bắt tôi phải đến các lớp học thêm? Khi mà tôi muốn ở nhà giúp mẹ làm việc mẹ lại quát mắng, đánh đuổi thậm chí dắt tay tôi đến nhà thầy dạy trong ánh mắt châm chọc, chế nhạo của bạn bè?

Mẹ tôi đã trở thành một trưởng thôn như thế nào! 4

Chỉ đến khi cơn giận đã qua đi mẹ mới kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tuổi thơ đầy khát khao, đầy hoài bão của mẹ. Đêm hôm ấy, ngồi hóng mát ngoài thềm dưới ánh trăng, mẹ nói với chúng tôi: “Cả đời mẹ vất vả, khó khăn chỉ vì cái ước mơ học tập đã không thành sự thật. Con đường mẹ đã đi qua chưa một ngày hạnh phúc. Mọi người nhìn vào mẹ, người tốt bụng thì chép miệng thương hại, người không tốt thì cười khinh bỉ. Vậy nên mẹ không muốn các con phải sống cuộc đời như mẹ. Ước mơ của mẹ bây giờ chính là sự thành đạt của các con sau này, chỉ cần như vậy thì dù khó khăn đến mấy mẹ cũng chịu được”. Câu chuyện của mẹ thực sự đã đánh động tâm can chị em tôi.

Tôi nhớ nhân vật Calvin trong series tranh vui nổi tiếng Calvin và Hobbes từng nói một câu còn nổi tiếng hơn rằng: “Nếu con người ngồi ngoài trời và nhìn lên những vì sao mỗi buổi tối, tớ cá là họ sẽ sống rất khác”. Thật vậy, sau cái đêm ngồi nghe tâm sự của mẹ dưới một bầu trời mát mẻ, sáng trăng và đầy sao, tôi cảm thấy thế giới của tôi dường như thay đổi. Từ một cô gái lười học nhìn đời bằng con mắt bi quan, từ một đứa con gái chưa bao giờ biết mơ ước là gì tôi đã đặt ra mục tiêu cuộc sống của mình với quyết tâm thực hiện nó. Ước mơ của mẹ tôi sẽ tiếp bước. Tôi không chỉ muốn mẹ được tự hào vì chị em tôi mà còn muốn cho mọi người xung quanh biết được rằng ước mơ của người phụ nữ không phải là hão huyền nếu họ có quyết tâm và không bao giờ từ bỏ. Và chúng tôi đã làm được điều đó.

Thành công là một quá trình

Ngày tôi cầm giấy báo trúng tuyển đại học trên tay với số điểm khá cao niềm hạnh phúc trong gia đình tôi như vỡ òa. Niềm vui lại như được nhân lên khi tôi được tuyển vào lớp chất lượng cao của khoa năm đó. Thế nhưng lại một lần nữa việc học tập của tôi đặt mẹ vào giữa sự lựa chọn. Bởi lẽ nhiều người nói rằng con đường mà tôi đi sẽ rất mông lung và thiếu thực tế. Tôi thi vào khoa Văn học của trường Nhân văn, với hoàn cảnh gia đình tôi không tiền bạc, không mối quan hệ như vậy công việc của tôi sau khi ra trường có thể sẽ là một con số không tròn trịa. Đó là lý do mà chú tôi lại một lần nữa nói với mẹ: “Con gái học đến thế là đủ, với lại học trường ấy thì học để làm gì”. Câu nói của chú lại một lần nữa làm trỗi dậy nỗi đau, nỗi hận trong mẹ về những cái nhìn lạnh nhạt, khinh bỉ của mọi người xung quanh dành cho mẹ. Vậy là mẹ quyết tâm để tôi tiếp tục con đường mình đã chọn và tôi cũng hứa nhất định sẽ không phụ lòng mẹ.

Ba năm sau kể từ ngày tôi vào đại học thì em gái tôi cũng vào đại học và lần này con đường em tôi chọn có lẽ rõ ràng và tươi sáng hơn tôi. Mẹ tôi cười trong nước mắt vì bây giờ mọi người đã thực sự phải nhìn mẹ bằng con mắt khác. Họ không chỉ ngưỡng mộ mà còn khâm phục mẹ, người đàn bà nghèo khó bất hạnh nhưng đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn để nuôi ba đứa con ăn học, điều mà như chú tôi nói, nhiều gia đình vợ chồng khá giả cũng chưa dám mơ tới.

Mẹ tôi đã trở thành một trưởng thôn như thế nào! 5

Tôi ngày tốt nghiệp đại học

Sau bốn năm miệt mài học tập tôi ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi. Dù ra trường chưa có được công việc ngay và bây giờ tất cả tôi phải tự bước trên đôi chân của mình nhưng mẹ vẫn luôn ở bên sát cánh cùng tôi. Chỉ cần nghĩ đến mẹ và các em, tôi lại có động lực để tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Niềm vui lại một lần nữa đến với gia đình tôi khi mẹ tôi được mọi người tin tưởng, yêu quý bầu làm trưởng thôn. Điều đó dường như nhen nhóm trong mẹ cảm giác ước mơ tuổi trẻ như đang trở lại. Tôi không chỉ tự hào mà còn vui sướng thay cho mẹ. Tôi nghĩ đã đến lúc mẹ cần sống vì chính bản thân mình và đây chính là cơ hội để hiện thực hóa điều đó. Bây giờ công việc hàng ngày của mẹ là giúp đỡ mọi người trong thôn cũng như tham gia các buổi học kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi… Nhìn nụ cười không ngớt trên môi mẹ tôi thấy mẹ như trẻ lại, như được trở về cuộc sống thời học sinh năm xưa.

Vẫn biết rằng tương lai còn dài ở phía trước và cuốn tiểu thuyết cuộc đời mẹ trong đó có chúng tôi vẫn chưa biết đâu mới là cái kết có hậu nhất nhưng với tôi cái kết như thế nào không quan trọng bằng con đường mẹ tôi đã đi từng bước để đến với thành công và hạnh phúc của ngày hôm nay. Bởi lẽ cuộc đời không bao giờ hoàn hảo mà quan trọng là người ta phải nỗ lực để vươn tới sự hoàn hảo. Tôi đã học được bài học quý giá từ mẹ rằng phải biết biến khó khăn thành động lực và nhất là không bao giờ được từ bỏ ước mơ của mình.
Chia sẻ