Mẹ mất, chồng mới cho tôi xem mảnh giấy mẹ bí mật đưa anh vào hôn lễ và nó đã giúp tôi nhận ra điều quan trọng
Và rồi anh bắt đầu kể với tôi câu chuyện về mẹ tôi. Một câu chuyện về mẹ mà tôi chưa bao giờ biết trước đây vì mẹ không muốn tôi biết.
Nikki Pennington là một người mẹ có 3 con. Vài năm trước, mẹ của Nikki qua đời vì bệnh ung thư não và sự ra đi của mẹ đã khiến Nikki đau khổ vô cùng. Với Nikki, mẹ là một người có vai trò vô cùng quan trọng trong đời cô bởi Nikki mắc chứng bệnh lo âu và bà chính là người đã giúp Nikki vượt qua những khó khăn do căn bệnh đó gây ra với cô. Nhưng từ khi Nikki lấy chồng, mẹ của cô không còn giúp cô nữa mà thay vào đó, chồng cô đã thay bà làm điều này. Tuy nhiên, đến khi mẹ mất đi rồi, Nikki mới hiểu vì sao chồng mình lại có thể làm tốt như thế. Cô chia sẻ:
Lo âu đã là một phần của cuộc đời tôi từ rất lâu. Tôi không nhớ rõ có khi nào sự lo âu không hiện diện trong cuộc đời tôi không nữa. Nếu bạn cũng mắc bệnh lo âu, bạn sẽ biết rằng cần có một người bên cạnh, một người biết cách để giúp bạn bình tĩnh khi đám mây lo âu bao trùm lên bạn. Người đó với tôi chính là mẹ của tôi.
Mẹ của Nikki (Ảnh: Internet)
Mẹ biết cần nói gì, mẹ biết cách để nói với tôi và rất đúng thời điểm để mang tôi về với thực tế, thoát khỏi lo âu. Những lời nói của mẹ, sự an ủi của mẹ luôn có sức mạnh hơn nỗi lo âu trong tôi. Tôi luôn cho rằng mẹ lúc nào cũng ở đó và sẽ là người an ủi tôi mãi mãi nhưng rồi mọi thứ đã thay đổi. Vài tuần sau khi tôi và chồng kết hôn, sự lo âu lại kéo đến làm phiền tôi. Tôi nói: “Em phải gọi mẹ”. Anh ngập ngừng rồi bảo: “Thay vào đó, em thử nói chuyện với anh xem sao? Hãy cho anh cơ hội và em thấy liệu anh có thể sánh với mẹ được hay không”.
Tôi đã thử. Tôi đã cho anh cơ hội để xua tan lo âu trong tôi và nó có kết quả như thể tôi đang nói chuyện với mẹ tôi vậy. Như thể tôi đã tìm được đúng người như mẹ. Những cuộc điện thoại cho mẹ mỗi khi bệnh lo âu xuất hiện trong tôi đã thưa dần, thưa dần. Mẹ chưa bao giờ hỏi tôi tại sao, chưa bao giờ một lần mẹ hỏi như thế.
Ngày mẹ qua đời, tôi đã gọi cho chồng. Tôi nói: “Mẹ em đã mất rồi. Người hiểu em, yêu em, yêu tất cả những sai sót của em, người duy nhất có thể xoa dịu mọi nỗi sợ hãi trong em đã mất rồi”. Và rồi anh bắt đầu kể với tôi câu chuyện về mẹ tôi. Một câu chuyện về mẹ mà tôi chưa bao giờ biết trước đây vì mẹ không muốn tôi biết.
Nikki và chồng vào ngày kết hôn. (Ảnh: lovewhatmatters)
Vào hôm đám cưới của tôi, mẹ đã đưa cho chồng tôi một mảnh giấy nhỏ. Một mảnh giấy có tiêu đề: “Làm thế nào để trở thành người an ủi Nikki”. Trong đó là từng bước hướng dẫn về những gì mẹ sẽ nói, mẹ sẽ làm cho tôi mỗi khi sự lo âu xâm chiếm tâm trí tôi.
Bước 1: Chỉ cần lắng nghe
Bước 2: Lắng nghe thêm một chút
Bước 3: Đừng cố gắng và giải quyết vấn đề
Bước 4: Nói với cô ấy con hiểu
Bước 5: Tiếp tục lắng nghe đến khi con bé tự phân loại vấn đề của mình. Con bé sẽ làm được, nó vẫn luôn làm như thế. Con bé không biết chuyện đó nhưng nó luôn tự ra cách giải quyết vấn đề.
Mẹ đã không còn là người an ủi tôi không phải vì mẹ muốn thế mà là vì mẹ muốn chồng tôi biết cách làm thế nào để ứng phó khi mẹ không còn nữa. Mẹ đã từ bỏ làm người đặc biệt của tôi để đảm bảo rằng dù cho vấn đề gì xảy ra đi nữa, tôi luôn có một người đặc biệt bên cạnh.
Mẹ ơi, mẹ mãi là người đặc biệt của con.
(Nguồn: lovewhatmatters)