Lưu trữ thực phẩm ngày Tết: Hãy cẩn trọng tránh mắc phải những sai lầm sau!
Lưu trữ thực phẩm không đúng cách gây hại lớn cho sức khỏe con người, do đó cần hết sức lưu ý tránh rước bệnh vào người chỉ sau kỳ nghỉ lễ.
Thực đơn ngày Tết thường sẽ có rất nhiều món, vì vậy sẽ không tránh khỏi việc ăn không hết và phải cho vào trong tủ lạnh để lưu trữ. Tuy nhiên, lưu trữ thực phẩm không đúng cách gây hại lớn cho sức khỏe con người.
Dưới đây là những sai lầm nhiều người đang mắc phải khi tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh vào các ngày Tết.
1. Không sắp xếp khoa học
Tủ lạnh là nơi lưu trữ thực phẩm hiệu quả nhất, chính vì vậy nhiều người có thói quen cho tất cả mọi thứ vào trong tủ. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm như cà chua, khoai tây, tỏi, dưa hấu… hay các loại thực phẩm như bánh mì, cà phê… là những thứ nếu cho tủ lạnh sẽ bị biến chất, không tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, việc để thực phẩm sống - chín lẫn lộn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi dẫn đến mất chất dinh dưỡng, mau hỏng hoặc tệ hơn là thực phẩm bị nhiễm độc.
2. Lưu trữ thực phẩm lâu trong tủ
Thức ăn thừa trong dịp Tết thường rất nhiều và cũng được các bà nội trợ chuẩn bị từ khá sớm. Vì vậy, tình trạng thực phẩm được bảo quản quá lâu trong tủ lạnh diễn ra phổ biến gây hại lớn cho sức khỏe.
Tủ lạnh chỉ có thể ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi chứ không thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn. Vì vậy, nếu lưu trữ thực phẩm quá lâu sẽ không thể tránh khỏi tình trạng hư hỏng. Thời gian bảo quản thực phẩm an toàn là 4 - 5 ngày cho rau xanh và lâu hơn cho các loại hoa quả tươi.
2. Không đậy nắp cho đồ ăn thừa
Đồ ăn thừa khi bảo quản trong tủ lạnh nếu không được đậy kín thức ăn sẽ không giữ được hương vị mà còn dễ biến chất, nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, nên nhớ cần đậy kín đồ ăn mỗi khi cho vào tủ lạnh. Tốt nhất, bạn nên cho chúng vào hộp nhựa có nắp đậy. Bạn cũng có thể dùng màng bọc ngăn khí trong tủ bám vào thức ăn, hạn chế thức ăn biến chất.
3. Cho rau quả ướt vào tủ lạnh
Nhiều người có thói quen cất trữ thực phẩm vừa rửa sạch vào tủ lạnh mà không hề để khô ráo. Việc này tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và nảy nở nhanh chóng, hơn thế nữa còn khiến thực phẩm nhanh hư hỏng, nhất là với hoa quả, rau xanh.
4. Không rửa thịt tươi trước khi đông đá
Rất nhiều người khi mang thịt về thì nhét tất cả vào túi rồi cất trong ngăn đá. Cách làm này sẽ làm mất hết dinh dưỡng và mùi vị của thịt. Do đó, bạn cần làm đông thịt đúng cách. Trước hết hãy rửa sạch thịt, sau đó thấm khô rồi đựng trong túi đựng thực phẩm, hoặc hộp bảo quản thực phẩm riêng và nên ghi ngày tháng lên rồi mới làm đông. Vì nếu không rửa thịt, những chất bẩn, vi khuẩn cùng bám vào trong thịt sẽ không tốt.
5. Làm đông lạnh lại thịt sau khi dùng không hết
Nhiều người có suy nghĩ thịt sau khi rã đông ăn không hết lại đưa vào tủ đóng đá tiếp. Tuy nhiên, cách làm này đã vô tình làm cho quá trình vi khuẩn tăng lên gấp nhiều lần. Bất kỳ tế bào nào thoát khỏi quá trình bị phá vỡ khi thực phẩm được đông lạnh lần đầu đều đứng trước nguy cơ tiếp tục bị phá vỡ lần nữa. Vì thế chúng ta không đông lạnh lại thực phẩm sau khi đã rã đông và ăn thừa.
6. Không chú ý tới nhiệt độ
Nhiệt độ là một yếu tố rất quan trọng trong việc bảo quản thức ăn. Trong những ngày "cao điểm", thực phẩm chứa quá nhiều trong tủ lạnh sẽ khiến thức ăn sẽ chóng bị ôi thiu hơn. Vì vậy, bạn cần biết cơ chế hoạt động của từng loại tủ vì khí lạnh tỏa ra ở mỗi ngăn là khác nhau để tích trữ đồ ăn phù hợp. Nhiệt độ thích hợp để lưu trữ thực phẩm ngày Tết là luôn ở mức dưới 4 độ C, còn ngăn đá tốt nhất là dưới -18 độ C.
Chuyên gia chỉ cách bảo quản thực phẩm trong ngày Tết
Để việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh được hiệu quả và tươi ngon, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viên Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội) chỉ ra rằng:
- Thứ nhất, các bà nội trợ nên chú ý đến việc vệ sinh tủ lạnh. Trong tủ lạnh có những thực phẩm tươi sống hoàn toàn như thịt, cá nhưng cũng có những loại thực phẩm đã được nấu chín như giò, chả. Cần phải bảo quản tách biệt để tránh xảy ra hiện tượng "lây nhiễm chéo" từ những thực phẩm tươi sống sang thực phẩm chín.
- Thứ hai cần chia nhỏ thực phẩm thành từng phần vừa phải, bọc lại trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản, để khi ăn chúng ta ăn phần nào lấy ra phần ấy.
- Thứ ba về vấn đề rã đông, khi lấy thực phẩm từ trong tủ lạnh, chúng ta nên cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn dưới để làm tăng nhiệt độ từ từ sau đó mang ra ngoài thì thực phẩm sẽ tan đá và không bị mất chất dinh dưỡng.
Xem thêm những bài về Tết Nguyên Đán tại đây!