Lương chồng dành tiết kiệm, lương vợ để chi tiêu, kết quả chồng nói một câu chết điếng
Dường như anh đã quên, lương vợ cũng 8 triệu/tháng, và vì đâu mà cô không thể có dư tiết kiệm?
Vấn đề tài chính trong mỗi gia đình thực sự luôn là vấn đề “nóng” khiến các chị em nhiều khi phải đau đầu. Ở đây không nói chuyện chi tiêu, mua bán thế nào để tiết kiệm, mà là chuyện “tiền anh, tiền em, tiền chúng ta” ra sao. Ai “tay hòm chìa khóa”, phân chia trách nhiệm đóng góp theo cách nào cho hợp lí, tin rằng là những câu hỏi không hề đơn giản. Mà không giải quyết khéo léo, có khi nó còn làm rạn nứt tình cảm vợ chồng.
Mới đây, một người vợ đang buồn lòng về chuyện tiền nong với chồng đã lên mạng than thở, tâm sự. Thu nhập của vợ chồng cô ấy được “dàn xếp” theo cách: lương chồng để tiết kiệm, lương vợ dành chi tiêu hàng ngày trong gia đình. Mọi chuyện êm đẹp, cho đến khi có biến cố xảy đến.
Nguyên văn lời tâm sự ấy như sau:
"Em buồn quá các mom.
Hôm nay chồng em vừa bảo với em một chuyện mà nghe xong em sốc thật sự.
Chả là em và chồng em cưới nhau được 2 năm, 2 bàn tay trắng. Mới đi làm dành dụm được 200 triệu. Nếu như không phải làm trả nợ cho anh trai bên nhà chồng và lo gánh vác trách nhiệm bên chồng thì có lẽ đã tích cóp được gần gấp đôi số đó.
Hôm nay chồng em đi gặp đám bạn về xong bàn với em là tính đầu tư mở xưởng cho anh trai làm ăn. Vốn là toàn bộ số tiền 200 triệu của tụi em tích cóp đó và chồng em vay mượn thêm (anh trai chồng em đang bị nợ xấu bank và bạn bè làng xóm biết mặt nợ nần lô đề nặng nên cạch mặt cả). Em thật sự sốc nên em gạt ngay lập tức, em sợ ông anh trai của chồng bao nhiêu vụ lừa gạt rồi nên em ghét cay, phải nói là căm hận mới đúng. Huống chi tiền tiết kiệm giờ lại trút hết cho ổng có mà ăn cám à!
Tranh cãi một lúc ai cũng giữ quan điểm của mình, chồng em muốn giúp ông anh trai vực dậy làm ăn, em thì tiền của mình không muốn dây dưa vào người khác, thế là chồng em bảo để bàn lại sau.
Em giờ vẫn rất sốc ấy, không hiểu chồng em nghĩ gì. Nhà cửa chưa có phải ở nhà thuê, con cái cũng chưa, đi làm bục mặt kiếm tiền giờ đổ vô một người không có tương lai.
Em chẳng biết nếu chồng em giữ quan điểm đó thì em có nên ly hôn không nữa.
Nếu mà nói đúng thì tiền 200 triệu đó là tiền của chồng em, vì em đi làm lương em 8 triệu chi tiêu sinh hoạt, còn của chồng để tiết kiệm, nên giờ chồng một mực khăng khăng tiền chồng làm ra nên chồng muốn quyết, em nản ghê luôn ấy..."
Hẳn ai đọc xong những dòng chia sẻ ấy cũng thấy bức xúc thay cho người vợ. Chuyện giúp đỡ anh em ruột thịt, kể cả là đằng nhà vợ hay nhà chồng, luôn là điều nên làm. Nhưng cái gì cũng có mức độ, hơn nữa, phải là đúng người đúng việc. Một kẻ ăn chơi đàng điếm, lô đề cờ bạc dẫn đến nợ nần, thử hỏi có đáng cho người khác dùng tiền mồ hôi nước mắt gánh vác hộ? Nói thật, đến bố mẹ ruột trong trường hợp ấy còn không nên dung túng cho con cái, nữa là đòi hỏi một người em dâu phải quan tâm! Cô ấy còn gia đình cô ấy, con cái cô ấy và vô khối việc cần lo cơ mà. Người vợ có từ chối ngay lập tức cũng là điều bình thường.
Ảnh minh họa
Đặc biệt, 2 năm kết hôn, vợ chồng cô đã phải lo trả nợ cho anh chồng lẫn gồng gánh việc nhà chồng. Xét về cả tình nghĩa lẫn trách nhiệm, cô có từ chối cũng không đáng trách. Giả sử nhà cô có hơn số tiền 200 triệu ấy gấp nhiều lần, chồng cô muốn bỏ ra từng ấy giúp anh trai làm lại từ đầu thì đi một nhẽ. Đằng này, cả gia tài nhà cô chỉ có thế, chồng cô còn muốn vay mượn thêm! Bản thân mình chưa lo xong, ai có thể dốc gan gốc ruột giúp người khác, trong khi người kia chưa phải lâm vào hoàn cảnh chẳng đừng nổi. Không mở xưởng thì anh trai chồng có thể đi làm thuê, vẫn đảm bảo lo cho cuộc sống yên ổn cơ mà!
Song, ở đây lại nảy sinh thêm một vấn đề nữa khiến người vợ buồn bã. Đó là chồng cô một mực khăng khăng tiền 200 triệu tiết kiệm đó là anh làm ra, nên anh có quyền quyết định. Dường như anh đã quên, lương vợ anh cũng 8 triệu/tháng, và vì đâu mà cô không thể có dư tiết kiệm. Hàng ngày cơm anh ăn, điện, mạng, nước,… anh dùng, cộng với rất nhiều khoản chi phí phát sinh khác, chúng ở đâu mà ra? Anh đã phủ nhận hoàn toàn công sức, sự đóng góp, hi sinh của vợ. Đồng thời thể hiện mình là một người ích kỉ, tham lam. Lúc này tiền trong tay chồng, cô muốn tranh cãi thế nào cũng vô dụng. Thiết nghĩ chính điều đó mới khiến người vợ chán nản, thậm chí còn nảy sinh ý nghĩ ly hôn.
Có lẽ đây chính là một bài học mà những người phụ nữ đang và sắp làm vợ khác cần lưu tâm. Vẫn biết là vợ chồng đầu gối tay ấp với nhau, ai còn tính toán thiệt hơn làm gì. Nhưng cuộc sống lại chẳng luôn yên ả và êm đẹp như ta mong muốn. Phụ nữ đã vốn thiệt thòi, còn đèo bòng con cái, chính vì thế hãy biết cân nhắc và có phương án phòng hờ những cơn trái gió trở trời, thậm chí là giông bão xảy đến với cuộc hôn nhân của mình, phụ nữ nhé!