Luôn cho thêm thứ này khi nấu ăn làm tăng 29% nguy cơ mắc bệnh thận, người Việt lại rất thích làm
Rất nhiều người Việt đang làm điều này mà không hay biết mình có nguy cơ cao mắc bệnh thận.
Đó chính là thói quen cho thêm muối vào thực phẩm khi nấu ăn!
Ăn mặn là sở thích được nhiều người Việt ưa chuộng. Vậy nên khi nấu ăn, nhiều người luôn có thói quen cho thêm muối vào bất cứ món nào vì nghĩ như vậy giúp đậm đà hơn, ngon miệng hơn.
Ngay cả những món luộc, hấp không cần cho thêm muối như rau, củ quả, nhiều chị em vẫn cho thêm muối, hạt nêm để món ăn có hương vị hấp dẫn hơn, không sợ nhạt mồm nhạt miệng. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Viện phó Viện dinh dưỡng quốc gia) khẳng định, người Việt có thói quen ăn mặn nên rất hại sức khỏe. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh thận cũng như nhiều chứng bệnh mãn tính khác.
Theo Healthline, ăn quá nhiều muối dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe bao gồm huyết áp cao, suy tim, đột quỵ và bệnh thận. Một số tình trạng sức khỏe ảnh hưởng lẫn nhau, ví dụ bị huyết áp cao cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh thận. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu về bệnh thận cũng bao gồm những người có các vấn đề sức khỏe khác như huyết áp cao và tiểu đường.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí JAMA vào tháng 12 cho thấy, những người sử dụng nhiều muối trong bữa ăn có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn.
"Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy việc hấp thụ nhiều muối có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn. Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp thông tin mới cho thấy, việc thay đổi hành vi ăn uống, cụ thể là giảm thêm muối vào thức ăn tại bàn ăn có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh thận", GS.TS Lu Qi (làm việc tại Đại học Tulane, đồng thời là tác giả của nghiên cứu) cho hay.
Đối với người Việt Nam, sau khi cho thêm nhiều muối để nấu ăn, mâm cơm lại luôn có thêm bát nước chấm. Dù là nước mắm, nước tương hay bột canh, mắm tép..., chúng đều chứa rất nhiều muối, lạm dụng sẽ rất hại thận.
Lượng muối ăn vào ảnh hưởng đến thận như thế nào?
GS.TS Lu Qi và nhóm của ông đã nghiên cứu kết quả bệnh thận ở một nhóm người sống ở Vương quốc Anh. Để làm điều này, họ đã sử dụng Biobank của Anh, một ngân hàng sinh học bao gồm dữ liệu về lối sống và sức khỏe của khoảng nửa triệu người tham gia.
Nghiên cứu bao gồm 465.288 người với độ tuổi trung bình là 56. Nhóm này gần như được chia đều giữa nam và nữ nhưng có tổng số phụ nữ nhiều hơn.
Những người tham gia được ghi lại từ năm 2006 đến năm 2010, được theo dõi trong thời gian trung bình là 12 năm. Không ai trong số những người tham gia mắc bệnh thận mãn tính khi họ đăng ký tham gia nghiên cứu.
Những người tham gia được yêu cầu tự báo cáo tần suất họ thêm muối vào thực phẩm. Họ có thể trả lời bằng 4 câu trả lời: "không bao giờ hoặc hiếm khi", "thỉnh thoảng", "thường xuyên" và "luôn luôn".
Theo các tác giả, đây là nghiên cứu đầu tiên khám phá lượng muối tự báo cáo và bệnh thận mãn tính trong một nghiên cứu về dân số.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, những người càng thường xuyên thêm muối vào thức ăn của mình thì nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính càng tăng lên. Điều này xảy ra ngay cả khi các nhà nghiên cứu kiểm soát các yếu tố gây ảnh hưởng lớn như huyết áp cao, tiểu đường và bệnh tim mạch.
Rủi ro cũng tăng theo tần suất mọi người sử dụng muối. Với những người trả lời "luôn luôn", có mức rủi ro liên quan cao nhất, nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính tăng 29%. Con số đó giảm xuống còn 12% đối với nhóm "thường xuyên" và 7% đối với những người trả lời "thỉnh thoảng". Bất chấp những nỗ lực điều chỉnh thống kê, việc bổ sung quá nhiều muối vào thực phẩm là dấu hiệu của lối sống không lành mạnh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thận.
Các chuyên gia khuyên, người dân nên chú ý ăn nhạt để tránh hại thận cũng như tránh hại sức khỏe nói chung. Khi luộc hấp không nên cho thêm muối, các món nấu xào thì cũng nên giảm bớt. Nếu sử dụng các loại nước chấm trên bàn ăn thì bạn có thể bỏ hết việc nêm nếm muối vào thực phẩm để giữ nguyên hương vị, tránh nạp thêm muối.