Nấu ăn mà làm thêm 1 việc này, bệnh tim mạch và huyết áp “tránh xa cả thước"
Đôi lúc việc phòng bệnh tim mạch và huyết áp không hề khó, các bà nội trợ chỉ cần làm việc này khi nấu ăn là được.
Bệnh tim mạch và cao huyết áp là hai vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đang dần trở thành mối lo ngại lớn trong xã hội hiện đại. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh tim mạch thường liên quan đến tình trạng tắc nghẽn mạch máu, do mảng bám mỡ và các chất khoáng khác tích tụ trong mạch máu.
Còn cao huyết áp có nguyên nhân chủ yếu liên quan đến lối sống không lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống có nhiều muối và chất béo, thiếu vận động, căng thẳng tinh thần. Cao huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, tổn thương mạch máu… đặc biệt là đau tim.
Tác hại của bệnh tim mạch và cao huyết áp không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mà còn đe dọa tính mạng của người mắc bệnh. Nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời, những vấn đề này có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như suy tim, đau thắt ngực, hay thậm chí là tử vong.
Làm việc này khi nấu ăn, bệnh tim và huyết áp "tránh xa cả thước"
Để ngăn chặn và kiểm soát bệnh tim mạch cũng như cao huyết áp, việc duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn, giảm căng thẳng, và kiểm soát cân nặng là quan trọng.
Mới đây vào ngày 11/11, một nghiên cứu trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) đã công bố rằng, khi nấu ăn thì bạn chỉ cần giảm đi 1 thìa muối là đã giúp tim khỏe mạnh hơn, hiệu quả có thể thấy ngay chỉ sau 1 tuần. Nhiều gia đình tuy biết tác hại của việc ăn nhiều muối, nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ vì không thể ăn nhạt, sợ mất vị ngon của thực phẩm.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ) đã xem xét dữ liệu từ 213 người trưởng thành từ 50-70 tuổi ở Chicago và Birmingham, để xem liệu lượng muối họ ăn trong chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến huyết áp hay không.
Những người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên một chế độ ăn kiêng, kéo dài một tuần có hàm lượng muối chứa natri cao (2200mg mỗi ngày, được tiêu thụ dưới dạng hai viên thuốc, ngoài chế độ ăn thông thường của họ) hoặc ít natri (chỉ 500mg mỗi ngày, ít hơn một thìa cà phê). Sau đó họ chuyển sang chế độ ăn kiêng ngược lại trong một tuần.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, chế độ ăn ít natri làm giảm huyết áp đáng kể so với chế độ ăn nhiều natri. Kết quả này vẫn đúng bất kể người tham gia có dùng thuốc điều trị bệnh huyết áp hay không. Các chuyên gia khẳng định, tất cả mọi người đều có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim và huyết áp, chỉ bằng cách ít ăn muối hơn.
"Chúng tôi nhận thấy rằng, 70-75% số người, bất kể họ đã dùng thuốc điều trị huyết áp hay chưa, đều có khả năng giảm huyết áp nếu giảm lượng natri trong chế độ ăn uống hàng ngày. Vậy nên hãy cố gắng giảm muối khi nấu ăn để phòng bệnh" - Norrina Allen, giáo sư Y tế tại Đại học Northwestern (Mỹ) chia sẻ.
Những phương pháp hạn chế muối trong bữa cơm
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị mọi người chỉ nên ăn ít hơn 1500mg muối mỗi ngày. Một số loại thực phẩm chứa nhiều muối như khoai tây chiên, đồ đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn, phô mai, các loại nước sốt… cần phải hạn chế kẻo nạp thêm nhiều muối vào người.
Các chuyên gia khuyên bạn nên nấu ăn ở nhà thay vì đi ăn hàng quán nhiều. Lý do là bởi, nấu ăn tại nhà cho phép bạn kiểm soát lượng muối trong bữa ăn. Nên sử dụng các loại gia vị và thảo mộc để thay thế muối, vừa giúp tăng hương vị mà không làm tăng nồng độ muối.
Bên cạnh đó, hãy thêm rau củ tươi vào bữa cơm hàng ngày. Chúng giúp bổ sung khoáng chất mà không cần thêm muối. Hãy thêm nhiều loại rau củ vào bữa ăn hàng ngày của bạn. Ngoài ra thì nên uống đủ nước, vì việc này có thể giúp đào thải muối và duy trì sự cân bằng nước, cũng như các khoáng chất trong cơ thể.
Theo Insider, Healthline