Lời khuyên cho những người thích làm việc từ xa
Nhiều người không dành thời gian cố định trong ngày mà làm việc bất kỳ lúc nào họ muốn và tận dụng lợi thế của sự tự do để ôm đồm quá nhiều việc một lúc. Điều này khiến bạn rất dễ sa đà vào những mối quan tâm khác mà không hoàn thành tốt công việc của mình. Lúc đó, công việc tưởng là "ngon lành" ấy sẽ tuột khỏi tầm tay của bạn.
Được làm việc từ xa, không phải có mặt ở công ty theo giờ quy định, bạn có thể tự do sắp xếp thời gian cho bản thân, miễn sao công việc hoàn thành tốt, đúng tiến độ. Những công việc như thế cho phép bạn có ngày ngủ lười đến tận trưa, được nghỉ giải lao bất cứ lúc nào mình muốn nhưng cũng có hôm làm việc muộn, thậm chí là thâu đêm. Bạn có điều kiện để xây dựng kế hoạch công việc xoay quanh cuộc sống cá nhân và sự linh hoạt sẽ giúp bạn thực hiện kế hoạch một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, làm việc từ xa không phải là không có thách thức. Theo các chuyên gia, sự thoải mái, linh hoạt khi làm việc từ xa đôi khi cũng đem lại nhiều khó khăn hơn là bạn nghĩ và sau đây là một số lời khuyên giúp bạn dễ dàng hơn với những công việc làm từ xa.
1. Sắp xếp thời gian làm việc cố định
Bạn nên xem mỗi ngày là một ngày làm việc bình thường cho dù bạn đang ở bất kỳ nơi nào và tốt hơn hết là nên sắp xếp một khoảng thời gian cụ thể để hoàn thành công việc của mình. Rất nhiều người không dành thời gian cố định trong ngày mà làm việc bất kỳ lúc nào họ muốn và tận dụng lợi thế của sự tự do để ôm đồm quá nhiều việc một lúc. Điều này khiến bạn rất dễ sa đà vào những mối quan tâm khác mà không hoàn thành tốt công việc của mình. Lúc đó, công việc tưởng là "ngon lành" ấy sẽ tuột khỏi tầm tay của bạn.
Vì thế, dù không chịu sự giám sát, quản lý chặt chẽ về thời gian, nhưng nếu muốn tìm được việc làm từ xa, được người ta tin tưởng, bạn cần tạo một phong cách làm việc khoa học, giờ giấc làm việc cụ thể, không ngẫu hứng.
Làm việc tại nhà sẽ có nhiều điều khiến bạn dễ phân tâm - (Ảnh minh họa).
2. Thay đổi không gian làm việc
Khi bạn làm việc ở nhà, xung quanh không có sếp, không có đồng nghiệp, sẽ thật đơn điệu nếu cứ ngồi nguyên một chỗ ngày này qua ngày khác. Không gian quá quen thuộc, khiến bạn dễ nhàm chán, mất tập trung khi làm viêc. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, bạn nên thay đổi vị trí làm việc, chẳng hạn như thỉnh thoảng có thể ra quán vừa làm vừa nhâm nhi cafe và tận hưởng không khí thoáng đãng. Thực tế là, những người ngồi trong quán cà phê trong giờ làm việc không phải tất cả đều đang không có việc làm, nhiều người trong số họ đang thực sự tận hưởng cuộc sống kể cả khi đang làm việc.
Nếu không muốn ra quán, bạn cũng nên thay đổi chỗ ngồi làm việc ngay trong nhà mình, đôi khi chỉ là sự thay đổi hướng ngồi thôi nhưng cũng đủ để bạn cảm thấy phấn chấn hơn.
3. Tránh bị sao nhãng
Ngồi làm việc một mình không ai quản lý khiến bạn rất dễ bị phân tâm và đó là một thói quen không tốt. Làm việc ở nhà luôn đòi hỏi mức độ tập trung cao hơn bởi có rất nhiều phiền nhiễu, chẳng hạn như đi đến tủ lạnh để lấy đồ ăn thức uống hay xem một chương trình hấp dẫn trên tivi mà bạn thích. Bạn không nên cố gắng ngồi làm việc với một máy tính xách tay ở phía trước màn hình tivi, nó khiến bạn sao nhãng, thậm chí rất dễ sai sót. Nên nhớ, não của bạn không được thiết lập để làm việc trong điều kiện như thế.
Làm việc ở nhà có nghĩa phải đặc biệt chú ý về việc phân bổ thời gian để làm việc tập trung, hiệu quả nhất bởi dù không trực tiếp nhưng ở một điểm nào đó, đang có người đánh giá công việc và năng suất làm việc của bạn để đảm bảo rằng, bạn thực sự đem lại lợi ích cho công ty.
4. Thiết lập mạng lưới giao tiếp xã hội
Thường thì những người rời bỏ môi trường làm việc trong công ty để làm việc tại nhà sẽ ít khí chú ý đến sự đơn độc. Mặc dù bạn có thể trao đổi email và các cuộc gọi trong ngày nhưng điều đó cũng không thay thế được với sự đồng hành của các đồng nghiệp nơi công sở.
Theo các chuyên gia, một vấn đề lớn nhất là sự mất mát các giao tiếp xã hội. Mọi người thực sự cần đến các cuộc trao đổi với người khác để nảy ra những ý tưởng sáng tạo trong công việc. Vì thế, bạn nên chủ động thường xuyên tìm kiếm các kết nối bên ngoài, nhất là với những người có chung lĩnh vực.
5. Tận dụng kỹ năng trong quá khứ
Bạn đã từng nhiều năm làm việc trong môi trường công sở và giờ là lúc bạn muốn nhận việc tại gia. Lúc này, bạn đã có những kỹ năng, kinh nghiệm đáng kể và ngay cả khi bạn ghét công việc từng làm, bạn cũng đừng vứt bỏ những gì mình đã tích lũy được. Đó có thể là kỹ năng, kiến thức, mạng lưới quan hệ xây dựng nhiều năm nay hay một loạt các kỹ năng mà bạn có thể tận dụng trong giai đoạn đầu khi bạn xây dựng một sự nghiệp mới.