Lời giải bất ngờ cho câu hỏi: Tại sao phần đông phụ nữ công sở lại được thưởng Tết ít hơn đàn ông?
"Tại sao cùng trình độ, kinh nghiệm, khối lượng công việc nhưng tại sao phần đông phụ nữ công sở lại được thưởng Tết ít hơn đàn ông?”
Thưởng Tết là một đề tài hay được mang ra bàn tán mỗi khi đông tàn xuân sang và các màn so sánh mức thưởng Tết giữa hai giới nam - nữ cũng ít nhiều gây sự chú ý, thậm chí còn làm bùng nổ ra kha khá các cuộc bàn luận, tranh cãi gay gắt.
Tất nhiên, câu hỏi mở đầu cho các cuộc bàn luận này thông thường luôn là: “Tại sao cùng trình độ, kinh nghiệm, khối lượng công việc nhưng tại sao phần đông phụ nữ lại được thưởng Tết ít hơn đàn ông?”.
Để giải đáp cho câu hỏi trên, có lẽ chúng ta phải tìm hiểu từ đầu, chính xác hơn là phân tích vấn đề trọng tâm gây nên sự phân biệt này. Đó chính là định kiến!
Định kiến phụ nữ không gắn bó lâu dài với công việc vì vướng bận chuyện con cái
Nhiều người cho rằng, phụ nữ công sở luôn có xu hướng không thể gắn bó dài lâu với công ty chỉ vì sứ mệnh làm mẹ, làm vợ, làm bà nội trợ đã đi liền với giới tính của họ từ muôn đời nay, đặc biệt là với chị em châu Á.
Tuy nhiên, nhiều cuộc nghiên cứu xoay quanh vấn đề này đã được thực hiện và kết quả thu được thật bất ngờ: hàng loạt phụ nữ tham gia khảo sát đã nói rằng, việc bản thân họ không gắn bó với công ty chả có tí liên quan gì đến chuyện chồng con gia đình cả. Trái lại, đa phần họ đều tiết lộ, quyết định rời công ty của họ là vì chán nản hoặc có cơ hội khác ở công ty khác mang lại mức thu nhập cao hơn.
Từ đây có thể thấy rằng, việc phụ nữ không gắn bó với công ty đơn giản chỉ là vô tình bị đẩy vào vòng xoáy định kiến.
Công ty nghĩ rằng họ sẽ sớm có con nên không (dám) trao cho họ cơ hội thăng tiến, trọng trách lớn và cho họ được học tập phát triển kỹ năng nghề nghiệp giống như các nam đồng nghiệp, từ đây cũng vô tình làm giảm lương của họ và nó khiến họ chán nản, muốn tìm công việc khác phù hợp hơn, lương cao hơn.
Định kiến “phái mạnh” làm việc hiệu quả hơn “phái yếu”
Với danh xưng “phái yếu” luôn đi liền với chị em phụ nữ từ bao lâu nay, nên họ luôn được cho rằng không có khả năng làm việc năng suất bằng đàn ông bao gồm: Không bền bỉ bằng, không chịu được áp lực cao, thể lý và cả tâm lý đều kém, chẳng có thời gian làm việc ngoài giờ, không đủ tham vọng để tự bứt phá mình,...
Thật mỉa mai làm sao khi mà các định kiến trên đã làm lu mờ sự thật. Sự thật ở đây chính là phụ nữ công sở hoàn toàn có khả năng sánh ngang đàn ông dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, miễn là họ được trao cho cơ hội.
Nói về bền bỉ ư, chưa chắc đàn ông bền bỉ bằng một người phụ nữ đang có những nhu cầu rất “phái yếu” như muốn kiếm thêm thật nhiều tiền để cuối năm đi trùng tu nhan sắc, họ sẽ cật lực hết sức mình để kiếm thêm tiền, kể cả tăng ca. Nói về chịu đựng áp lực ư, đàn ông đảm bảo thua những chị em đã có gia đình, phải gánh gồng việc chăm sóc con cái bởi sống trong căng thẳng với họ đã là một cái gì đó rất quen thuộc,...
Ngoài ra, về kỷ luật nơi công sở, thử nhìn xung quanh chúng ta luôn thấy rằng phụ nữ thực hiện việc này tốt hơn khối đấng mày râu. Chưa kể, họ lại tích cực tham gia các hoạt động nội bộ văn hóa công ty, nhiệt tình hỗ trợ các đồng nghiệp khác khi được yêu cầu, khéo léo trong việc sắp xếp thời gian làm việc thật hiệu quả,...
Định kiến về nghề nghiệp và các loại chức vụ có đặc thù riêng theo giới
Nói về cụm danh từ phụ nữ công sở, đảm bảo kha khá người sẽ nghĩ ngay đến các công việc cụ thể như thư ký, văn thư, thủ quỹ, trợ lý,... với hình ảnh thường thấy hay được các bộ phim mô tả là pha trà, mua cà phê, tiếp khách,... Còn đàn ông thì luôn được gán cho hàng loạt nghề nghiệp cũng như là chức vụ vô cùng “triển vọng” như: Kỹ sư, bác sĩ, giám đốc,...
Chính từ những định kiến trên, vô hình trung đã đẩy phụ nữ công sở rơi vào tình thế luôn đứng sau đàn ông trong môi trường công việc và thậm chí là khiến họ bị cản trở rất nhiều khi muốn xâm nhập vào các ngành nghề lĩnh vực vốn được “đóng khung” cho phái mạnh. Tất nhiên, hậu quả của việc này đã làm chị em công sở thiệt thòi đáng kể, bao gồm cả lương thưởng.
Trong khi đó, thật mâu thuẫn và mỉa mai làm sao khi mà đàn ông gia nhập vào các “lãnh địa” nghề nghiệp của chị em phụ nữ vẫn hoàn toàn… bình thường, thậm chí là có mức lương cao hơn. Ví dụ, nam y tá có mức thu nhập trung bình cao hơn 10% so với nữ y tá, khó tin nhưng đây lại là sự thật.
Thế mới thấy, định kiến này cũng là một trong hàng loạt định kiến đang “ức hiếp” phụ nữ rất nhiều!
Định kiến đàn ông có trình độ học vấn cao và kinh nghiệm nhiều hơn phụ nữ
Vâng, đây cũng là một nếp nghĩ điển hình của bao người từ bao nhiêu lâu này. Ấy vậy mà khỏi cần phải trình bày chi cho lắm, nhìn xung quanh mà xem, những năm gần đây, tỉ lệ tốt nghiệp đại học ở phụ nữ luôn cao hơn nam giới. Nhưng điều này không mang lại cho chị em lợi ích gì trên bàn cân so sánh.
Bằng chứng là kết quả một cuộc khảo sát vào năm 2011 của Trung tâm Giáo dục & Lao động Georgetown (Malaysia) đã cho thấy: Phụ nữ dù có bằng cử nhân đại học nhưng khi làm việc, mức thu nhập của họ cũng chỉ ngang ngửa đàn ông không có tấm bằng lận lưng. Thậm chí, nam cử nhân đôi khi còn có mức lương bằng với một nữ tiến sĩ.
Ngoài ra, việc cho rằng phụ nữ có lương thấp hơn đàn ông là do không có kinh nghiệm nhiều bằng cũng hoàn toàn không đúng. Claudia Goldin - một giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard cho biết: thời gian gắn bó với công việc của phụ nữ hoàn toàn không giúp họ có được mức lương khá khẩm hơn đàn ông, đó là chưa kể, thời gian gắn bó với công ty càng lâu thì phụ nữ càng thiệt thòi hơn.
“Cùng 20 tuổi, có kinh nghiệm làm việc ngang nhau nhưng số tiền mà phụ nữ kiếm được chỉ khoảng 92% so với các đồng nghiệp nam. Đến năm 50 tuổi, sự chênh lệch này càng cao hơn khi mức lương của họ chỉ bằng 71% so với thu nhập của đàn ông cùng tuổi”.