Lạt mềm buộc chặt

Theo Dân trí,
Chia sẻ

Hạnh mệt mỏi nằm vật ra ghế, chẳng buồn cởi bỏ khăn và giầy. Cứ tưởng cô sẽ trút bỏ hết nỗi niềm với cô bạn thân, nào ngờ lại phải ôm ấm ức về không.

Nhìn cảnh đầm ấm của gia đình Lan, cô không khỏi chạnh lòng.
 
Nhắm mắt vào Hạnh lại như nghe thấy tiếng cười giòn tan của Lan:

- Anh là chúa no bụng đói con mắt, lát nữa mà không hết em sẽ tống vào lỗ mũi các anh đấy.

Rồi lại nghe tiếng chồng Lan hề hề:

- Ơ, tưởng em phải biết mấy thằng bạn anh rồi chứ. Toàn voi cả, bao nhiêu cũng ít. Em yên tâm không hết anh sẽ bắt chúng nó bọc về.

Họ cứ ríu rít như đôi chim cu. Lan cũng lạ, đi làm về mệt thế lại còn bày đặt cơm nước, nhậu nhẹt cho lũ “bợm nhậu” của chồng. Cái mặt nó còn tươi hơn hớn, hỉ hả lắm khi được phục vụ chồng và lũ bạn của chồng. Mà đâu phải có một lần này, hầu như cuối tuần nào sang chơi Hạnh cũng thấy Lan lúi húi trong bếp, khi thì tiếp đón bạn cùng cơ quan chồng, khi thì bạn từ thời đại học, khi thì bạn đồng hương, nói chung đủ cả. Nhiều lúc Hạnh cũng thấy mệt thay cho Lan, góp ý:

- Sao bà phải khổ thế? Được ngày nghỉ không bắt ông ấy đi đây đó, chứ chui đầu vào xó bếp làm gì? Mà thời buổi này dịch vụ cái gì chẳng có. Đi siêu thị mua đồ ăn sẵn, hoặc gọi dịch vụ nó mang đến tận nhà. Tội gì phải khổ.
 

Những lúc ấy chỉ nghe thấy Lan cười: “Bà chẳng hiểu gì về nghệ thuật làm vợ cả”.

Hạnh chỉ thấy Lan đang tự làm khổ mình.

Có lần chồng Lan về nhà trong tình trạng say mềm, có  cả Hạnh ở đấy, anh ta lao thẳng vào nhà vệ sinh lè nhè: “Em ơi cho anh cái khăn, nhanh lên”.

Hạnh mà rơi vào tình cảnh ấy thì ông xã nghe đủ các thể  loại “dân ca” rồi. Ấy thế mà Lan vẫn ân cần: “Sao anh liều thế, không bảo anh Kiên chở về, hoặc phải gọi taxi chứ” rồi tất tả lấy khăn lau mặt cho chồng, dìu anh ta vào phòng, lại còn pha nước chanh cho anh ta uống nữa.

Nhìn anh chồng bạn say mèm, còn cô vợ thì phục dịch, Hạnh không nuốt nổi sự bất bình. Lát sau Lan ra, Hạnh nói sa sả:

- Bà cứ để kệ ông ấy một lần, sau phải chừa. Ở đâu cái kiểu vui vẻ bên ngoài cho chán rồi về nhà làm khổ vợ khổ con. Thử hỏi ông ấy xem, cái của nợ kia đến con cún nó còn kinh, vậy mà lôi về cho vợ dọn. Bà lại còn nối giáo cho giặc: “Sao không bảo anh Kiên chở về”. Anh ta mà có chở về thì bà cũng nói cho một trận cho chừa cái thói rủ rê người khác.

- Bà ơi, bà phải hiểu các ông ấy uống vào như vậy cũng không sung sướng gì đâu. Toàn là những tình huống bắt buộc phải uống. Xã nhà tôi không phải người hay rượu chè. Đàn ông là thế, đã ngồi với nhau rồi, không tránh khỏi có lúc say. Chắc hôm nay lại có sự vụ gì đặc biệt. Gay gắt với các ông ấy làm gì....

Hạnh chẳng bao giờ tự làm khổ mình như thế. Nhiều hôm đi làm về muộn, Hạnh tạt vào đâu đó mua món đồ ăn sẵn gì đó cho đỡ mất thời gian. Cũng có khi chồng cô nhăn nhó kêu không nuốt trôi, nhưng thấy Hạnh gắt: “Em làm gì có thời gian, anh cứ bày vẽ”, vậy là cả nhà lại im lặng nuốt cho xong bữa. Chồng Hạnh cũng là người nhiều bạn, toàn những tay nhậu kỳ khôi. Nhưng chưa khi nào Hạnh cho phép chồng mang bạn về nhà. Cô bảo: “Muốn nhậu thì ra quán. Uống ở nhà phục vụ một ông đã chết, lại phải phục dịch một đống của nợ khác, chịu sao nổi”.

Có lần chồng Hạnh bảo:

- Em ơi, anh thèm ăn cá kho với chuối xanh, dạo trước mẹ hay nấu, mà ngày trước yêu nhau em cũng đã làm cho anh ăn rồi đấy.

- Anh toàn kể chuyện cổ tích. Bây giờ cái gì chẳng có dịch vụ. Ra ngoài hàng nó lại chẳng làm ngon bằng mấy mình ấy chứ. Thời buổi công nghệ mà anh cứ thích những thứ mất thời gian.
 

Và rồi những bữa cơm gia đình Hạnh thưa dần. Suốt ngày chồng cô viện cớ khách khứa, chẳng thèm về ăn cơm nhà. Nhiều hôm say mèm mới chịu về. Bao giờ Hạnh cũng rít lên khi thấy chồng trong tình trạng lảo đảo, mồm mũi sặc mùi rượu, rồi nhiếc móc chồng không thiếu lời nào. Những lúc ấy chồng cô chỉ cười: “Là em muốn anh ra quán nhậu mà”.

Hạnh đã từng nghĩ số mình chẳng ra làm sao, lấy phải anh chồng không thương vợ. “Thời buổi này nam nữ bình đẳng, đâu có chuyện một người cứ vẽ việc cho người kia phục dịch”. Hạnh suy nghĩ giản đơn rằng: “Một ngày ai cũng phải lao tâm khổ tứ vì công việc như ai. Ai cũng có trách nhiệm với kinh tế gia đình. Thế mà người phụ nữ lại phải è cổ với trăm thứ việc không tên, trăm thứ quan hệ của chồng thì chết già chứ còn gì nữa”.

Những lần Hạnh than vãn với Lan như thế, Lan lại nói:  “Chăm sóc người khác cũng là một niềm hạnh phúc, nhất là với người thân của mình. Hãy để cho các ông chồng thấy rằng, gia đình luôn là điểm dừng chân của họ sau mọi khó khăn, sóng gió”.

Thảo nào mà chồng Lan luôn quấn quýt bên vợ. Đã hai mặt con rồi mà vợ chồng họ vẫn như còn son. Phải chăng chính Hạnh đã đẩy chồng mình ra xa? Hạnh cứ nằm vậy miên man suy nghĩ.

Chia sẻ