Lần đầu tiên mổ thức tỉnh tại Việt Nam, bệnh nhân vừa phẫu thuật u não vừa... hát quốc ca trên bàn mổ

Minh Nhân,
Chia sẻ

Trong quá trình phẫu thuật, anh D. (36 tuổi) mắc hội chứng u tế bào thần kinh đệm vui vẻ hát quốc ca với tâm trạng hết sức thoải mái. Lần đầu tiên tại Việt Nam, bệnh nhân được tiến hành mổ thức tỉnh.

Ngày 28/1, các bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) vừa thực hiện thành công ca mổ u vùng não bằng phương pháp phẫu thuật thức tỉnh. Ca mổ do PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh (PTTK) phối hợp cùng 2 chuyên gia người Nhật thực hiện.

Với phương pháp phẫu thuật thức tỉnh, bệnh nhân được gây tê, hoàn toàn tỉnh táo, cử động chân tay và có thể trò chuyện cùng bác sĩ. Nếu bệnh nhân đau không phối hợp được trong khi mổ theo phương pháp thức tỉnh, thì các bác sĩ buộc phải có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh.

Bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được tiến hành mổ thức tỉnh là anh Nguyễn Văn D., 36 tuổi, bị đau đầu và động kinh gần 1 năm nay. Khi đến Bệnh viện Việt Đức khám, anh D. phát hiện có u tế bào thần kinh đệm, đường kính khoảng 6cm, gây chèn ép não. Khối u rất lớn lại nằm đúng vùng ngôn ngữ, chèn sang cả vùng vận động nên nguy cơ bị liệt, bị cấm khẩu rất cao, thậm chí có thể gây chết người khi u to gây hôn mê.

Lần đầu tiên mổ thức tỉnh tại Việt Nam, bệnh nhân vừa phẫu thuật u não vừa... hát quốc ca trên bàn mổ - Ảnh 1.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các bác sĩ BV Việt Đức nhận định, nếu mổ cắt khối u theo phương pháp thông thường, bệnh nhân có nguy cơ bị câm, bị liệt rất cao, do trong quá trình mổ, nếu bác sĩ chạm vào vùng nói hay vùng vận động, bệnh nhân cũng không biết. Trong khi đó, nếu mổ trong lúc bệnh nhân tỉnh táo, thì dù khối u nằm ở vùng quan trọng, bác sĩ vẫn phát hiện được kịp thời mọi điều không mong muốn để tránh làm tổn thương chức năng nói và vận động.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, khi tiến hành mổ, tâm trạng anh D. hết sức thoải mái. Thậm chí, anh còn hát quốc ca để quên đi thời gian. Ca phẫu thuật kéo dài từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

"Phương pháp mổ thức tỉnh có thể phẫu thuật cho nhiều loại tổn thương u hoặc tổn thương không phải u trong não, như các u ở vùng chức năng quan trọng như nói, nhận thức, vùng ngôn ngữ, vùng vận động, vùng cảm giác hay thị giác, mà nếu mổ bằng phương pháp kinh điển khó tránh khỏi các di chứng, hay những không mong muốn của cuộc mổ, còn mổ bằng phương pháp này sẽ tránh được những rủi ro như bệnh nhân bị câm, bị liệt…", PGS.TS Hệ thông tin.

Chia sẻ