Kỳ lạ ngôi làng mà già trẻ trai gái yêu dùng thơ, “chửi” cũng dùng thơ !
Ở làng Chùa (tên tục là làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), địa danh nổi tiếng nằm ven thủ đô ngàn năm văn hiến, từ người già cho đến người trẻ chủ yếu dùng thơ trong mọi giao tiếp, sinh hoạt.
Không chỉ thế, người dân nơi đây còn dùng thơ để “mắng, chửi” nhau trong những cuộc xung đột, mâu thuẫn; dùng thơ kích bác nhau để tạo nên những tình yêu trường cửu, nồng nàn...
“Chửi” nhau bằng thơ
Qua sự giới thiệu của một người dân, chúng tôi tìm gặp ông Lê Xuân Sủng (71 tuổi) - Hội trưởng hội thơ làng Chùa. Từ tốn rót chén trà mời khách, ông Sủng đọc cho chúng tôi nghe một đoạn trong bài thơ mà ông dùng để giải hòa mỗi khi chứng kiến gia định nào đó xung đột: “Khuyên vợ thì khuyên bằng lời/ Can chồng chọn lẽ chọn lời mà can/ Hay gì túm tóc xé nhau/ Trước là phạm pháp rồi sau nát nhà...”.
Đang cao hứng, ông đọc cho chúng tôi nghe liền một mạch đến…10 bài thơ do mình sáng tác. Chính nhờ những bài thơ mang ý nghĩa phê phán, góp ý tế nhị của hàng xóm láng giềng nên những vấn đề nhỏ nhặt của cuộc sống trong ngôi làng này đều được giải quyết một cách êm ấm.
Khi cuộc đàm đạo còn dang dở, người viết chợt nghe văng vẳng tiếng đọc thơ từ một gia đình hàng xóm sát vách. Ông Sủng thấy thế dừng lời, bảo chúng tôi: “Nhà báo chú ý nghe thơ “chửi” bây giờ nhé. Hai nhà anh Tài, chị Hằng hôm nay lại vặc nhau đấy”. Ông vừa dứt lời thì từ bên kia, tiếng đọc thơ… như quát vang lên lảnh lót: “Ngày xưa có một con gà/ Mỗi lần nó gáy cả làng đều nghe/ Nghe hoài thì điếc lỗ tai/ Cẩn thận bà lại mang hầm lai rai bây giờ”.
Giọng người đàn bà vừa dứt thì giọng người đàn ông đốp chát lại ngay: “Thế từ nãy nghe con gì nó gáy/ Con bò, con cá, con trâu/ Hay là con chó gâu gâu cạnh nhà”. Thấy tôi tròn mắt vì kinh ngạc, ông Sủng cười bảo: “Nhà anh Tài và chị Hằng gần nhau, nhưng chỉ vì tranh chấp trong việc xây hàng rào mà vài ngày lại xảy ra cãi nhau. Tuy nhiên, họ cãi nhau trong “yên bình” thông qua những câu thơ. Nhưng nghe kỹ thì rất cay nghiệt”.
Nói về thơ “chửi” nhau của dân làng Chùa, bà Nguyễn Thị Nụ, người nổi tiếng một thời làm thơ khiêu chiến trai làng cho biết thêm: “Ở làng Chùa, người ta không nghe thấy có tiếng hàng xóm chửi nhau, không còn tiếng cãi vã vợ chồng, tiếng mẹ mắng con. Những khi xảy ra mâu thuẫn hay chuyện bất bình, họ thường dùng thơ để “mắng” nhau, để đối đáp. Người dùng thơ để “mắng” nhau luôn phải giữ phong thái điềm đạm, từ tốn tạo nên tính thật thà, chân thật nhưng lại khiến người nghe bực mình, điên tiết, sôi gan, sôi ruột. Người đạt đến trình độ cao, mắng phải nhẹ nhàng như hát, người khác có bực bội nhưng vẫn phải cười vui vì sự dí dỏm, thâm sâu, ấy mới là nghệ thuật”.
Cũng theo các cụ cao niên trong làng, việc dùng thơ để “mắng, chửi” nhau cũng được xem như một món ăn tinh thần của người làng Chùa. Thơ “chửi” nhau chính là cách nói mỉa mai, vừa hài hước vừa châm biếm nhưng thể hiện sự văn hóa. Người mới đến có thể không hiểu, nhưng nếu đã là dân làng Chùa, từ đứa trẻ con mới lớn cũng biết về “đặc sản” dùng thơ mắng nhau này.
Bà Nụ bảo: “Tôi còn nhớ có lần, ở xóm trên có người vợ đi tìm chồng trốn nhà bài bạc. Thấy chồng, chị ta giận bầm gan, tím ruột bèn buông mấy lời cay nghiệt: “Cha lao thân vào vòng xoáy cờ bạc/ Đêm cha xòe, ngày cha lại như mơ/ Cả nhà mình bồng bế nhau đi/ Bởi con đề nhà mình cha đã gán”.
Nghe xong, người chồng cũng không vừa, quay qua đáp lại: “Say gì đánh bạc chơi đề/ Say gì tá lả làm mê lòng người/ Người được thì vợ mỉm cười/ Người thua thì vợ đến kêu trời đất ơi!”. Chứng kiến hai vợ chồng nhà kia đối đáp, chủ nhà vội chạy ra, cất lời hòa giải: “Con kia sao lại lắm lời thế ư? Từ mai tao sẽ xin từ/ Xin mày đừng đến hầm hừ la to”. Thế là sau lần ấy, người chồng không dám đến nhà kia bài bạc nữa”.
Trò chuyện cùng phóng viên bằng chất giọng đầy hào sảng, bà Nụ tự hào: “Làng Chùa tôn thờ chữ Đức. Xưa, làng có tục lệ cứ con cái bất hiếu, chửi tục, cả làng đưa lên đình để cho làng phạt. Bố mẹ dạy con không đúng cách, dân cũng làm thơ để giễu cợt, răn đe. Các bà mẹ dạy con bằng roi vọt cũng giảm dần đi, thay vào đó là… dạy bằng thơ”.
“Chửi”... để rồi yêu nhau
Ở làng Chùa, người dân không chỉ sáng tác thơ để giải trí, để “chửi” nhau, mà thơ còn được người dân nơi đây dùng để thể hiện tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi. Ngày nay, khi nói đến tình yêu lứa đôi ở làng Chùa, các cụ cao niên lại tấm tắc khen câu chuyện tình yêu mang đầy chất thi sĩ của ông Cao Đức Thi (SN 1953) với bà Nguyễn Thị Tới (xã Phương Tú, Ứng Hòa).
Chuyện kể rằng, năm 21 tuổi, ông Thi bị ốm một trận thập tử nhất sinh rồi dần dần bị bại liệt. Không từ bỏ những ước mơ cuộc sống, ông Thi khao khát vươn lên, phấn đấu vượt qua nỗi bất hạnh. Một lần, cô em gái dẫn bà Tới từ xã bên qua nhà chơi. Vừa nhìn, ông Thi đã thấy cảm mến. Nhưng khi nghe nói bà Tới lâu nay nổi tiếng chơi bời, lười nhác, ông Thi bèn làm thơ “chửi”: “Con gái bây giờ rất đáng chê/ Nhảy đầm nhảy địa hay khỏi chê/ Lắc mông nhún nhảy hay khỏi biết/ Khuya lắc khuya lơ chẳng muốn về”. Nghe anh Thi nói vậy, bà Tới cũng đáp lại ngoa ngoắt: “Con gái bây giờ rất nết na/ Dancing, hip hop chẳng la cà/ Thỉnh thoảng em đi cho đỡ nhớ/ Nào có bao giờ em thiết tha”.
Sau lần đốp chát ấy, bà Tới đột nhiên năng đến nhà ông Thi chơi nhiều hơn. Mỗi lần gặp mặt, họ lại lấy thơ đả kích nhau. Rồi từ “chửi” thành… yêu, ông Thi bắt đầu viết thơ tỏ tình: “Chiều xuân em đến bên anh/ Sườn đê cuộn sóng lượn quanh chân người/ Bờ vai nở nụ hồng tươi/ Xốn xang hương đất hương đời hương quê… Người ơi chắn gió cuốn mây/ Cho ta về lại những ngày xa xưa”. Ngưỡng mộ nghị lực và tài làm thơ của người đàn ông bại liệt, bà Tới càng mong muốn được ở bên cạnh giúp đỡ, chăm sóc anh hơn. Bà Tới kể lại: “Tối hôm đó, khi nghe tận tai những vần thơ giãi bày tình cảm chân thành ấy, tôi đã nguyện cùng anh Thi trao nhau lời hẹn ước”.
Nhưng vì ông Thi vốn là người bại liệt, nên chuyện tình yêu của hai người bị gia đình nhà gái ra sức cấm cản. Thuyết phục không được, bà Tới buồn chán bỏ nhà ra đi, không cho một ai biết tin tức, địa chỉ. Một mình ở lại ôm mối tình dang dở, ông Thi không những không quên được người yêu mà càng ngày càng thấy nhớ nhung. Lúc mới quen, cả hai làm thơ châm biếm, đả kích nhau. Còn bây giờ, khoảng cách về không gian, thời gian chỉ càng khiến ông thêm nung nấu quyết tâm gọi chị quay trở lại. Cứ thế, suốt ngày đêm, ông Thi làm thơ gửi đăng trên báo chí, Đài tiếng nói.
Trời không phụ lòng người. Tình cờ một lần đọc được thơ người yêu, trong đó có đoạn: “Người ta vá áo bằng kim/ Em ơi anh hỏi vá tim bằng gì?... Trăng buồn còn có bạn sao/ Tôi buồn chẳng có bạn nào trăng ơi/ Trăng treo lơ lửng giữa trời/ Còn tôi sống giữa cuộc đời buồn tênh…”, bà Tới cảm động đến ứa nước mắt. Sau lần ấy, người phụ nữ sinh tình quyết tâm trở về sống với người yêu, bất chấp gia đình có phản đối hay không.
Đến tận bây giờ, khi con cái đã có công việc ổn định, cuộc sống bớt phần khó khăn, bà Tới vẫn thấy chồng mình là người đàn ông tuyệt vời nhất. Bà vẫn thường cùng chồng đọc thơ mỗi tối hay cầm thơ gửi cho hội trưởng hội thơ của làng vào thứ năm hàng tuần để giao lưu trên đài phát thanh của xã. Tối tối, mọi người vẫn nghe trong gia đình ông bà vang tiếng thơ ông Thi đọc. Ngồi một bên, bà Tới cắm cúi chép ra giấy: “Anh tặng em bông hoa/ Em cài lên mái tóc/ Đẹp như một bài ca/ Như vầng dương đang mọc…”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Văn Huy (ảnh nhỏ) – trưởng thôn cho biết: “Làng Chùa được gọi là “làng thơ”, bởi ở đó, từ cụ già đến trẻ nhỏ, từ nam đến nữ, từ những trí thức xa quê đến nông dân chân lấm tay bùn, buôn thúng bán mẹt… đều xuất khẩu thành thơ. Không biết có phải nhờ thơ hay không mà người làng tôi có hơn 1000 nhân khẩu nhưng không ai vướng vào các tệ nạn xã hội. Trong ngôn ngữ giao tiếp thường ngày, mọi người luôn xưng hô nhã nhặn thanh lịch, ôn hòa. Trong thôn xóm, mọi người yêu thương đùm bọc bảo ban nhau làm ăn, sống vui vẻ, lãng mạn để quên đi cái mệt nhọc của công việc đồng áng”. |