Thái Bình:

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại "làng điểm chỉ"

Chí Toàn - H. Trang,
Chia sẻ

Không có vốn, suốt đời lấy thuyền làm nhà, lấy sông làm chợ, đông con, mù chữ, cuộc sống của những phụ nữ này lênh đênh như những con thuyền trên sông nước Thái Bình.

Muốn đăng ký hết hôn, vay vốn ngân hàng phải… điểm chỉ

Giữa thế kỷ 21, thế kỷ của truyền thông và Internet, ở một ngôi làng ven biển Thái Bình, nhiều người vẫn còn phải… điểm chỉ vào giấy tờ thay cho chữ ký. Đó là làng chài Cao Bình, thuộc xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Gọi là "làng" cho oai vậy, chứ làng chài này gần như không có tí đất đai nào – một ngôi làng độc đáo không có địa giới. Từ xưa làng vẫn ở ven biển, nhưng phù sa từ những cửa sông và cát biển đã bồi cho vùng đất này dài thêm 25 km và cũng "đẩy" làng chài ra xa hơn. Cả làng chài Cao Bình có một khoảng đất chung để một năm đôi ba lần các nhà tụ lại với nhau vào những kỳ lễ lạt, ma chay, cưới hỏi hay những công chuyện quan trọng, còn những ngày thường, cả khoảng đất ấy vắng tanh vắng ngắt.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Thuyền ở làng Cao Bình là thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ.

Chúng tôi đến làng chài trong những ngày tránh bão. Những con thuyền nhỏ bé cập vào cạnh nhau lắc lư trong sóng gió cũng chòng chành như cuộc sống của những con người chài lưới.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Thứ giá trị nhất trên thuyền là mảnh lưới đánh cá.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
 Một phụ nữ chăm chút cho "gia tài" của gia đình mình.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Kiểm tra lưới trước khi đi đánh cá.

Dân chài ở đây hầu hết chỉ có thuyền nhỏ, suốt đời mon men ở các cửa sông, cửa biển Thái Bình, xa lắm là Hải Phòng, Quảng Ninh mà không có khả năng đánh bắt xa bờ. Hầu hết dân làng sống nhờ sự may rủi của cửa biển. Một vài nhà nhanh nhạy hơn, bỏ nghề chài lưới mà chuyển sang buôn tạp hóa lưu động và thu gom hải sản của những bạn chài để bán lại cho thương lái.  Một dân chài cho biết, năm nay được mùa sứa, thu nhập của họ sẽ rủng rỉnh hơn mọi năm. Nói vậy, rồi chị thở dài: "Nhưng cũng chẳng tích lũy được gì đâu. Chẳng hiểu tiền cứ trôi đi đâu mất. Như nhà tôi từ bé gắn đời với sông nước mà chẳng để dành được đồng vốn nào".

Ông trưởng thôn Cao Bình kể, năm 2007, ở làng đã có mấy nhà bắt được con cá sủ vàng (bóng cá dùng làm chỉ y tế) 70 kg, bán được 500 triệu, nhưng rồi cái thói quen sống ngày nào biết ngày ấy, không biết tích lũy của người làng chài khiến đâu lại vào đấy. Những gia đình gặp may này giờ vẫn kiếm sống ven sông, ven biển trên chiếc thuyền nhỏ tí như những hộ dân khác. Hầu hết người dân nơi đây đều nghèo, không nghĩ ra cách gì ngoài bám sông, bám biển vớt mấy con tôm con cá be bé, giá trị thấp để sống lần hồi qua ngày.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Chăm chỉ quanh năm, nhưng không gia đình nào giàu được nhờ nghề cá.

Hình như cái nghèo, cái bận rộn đã "xua" đi cái chữ. Làng Cao Bình có 171 hộ gia đình, 793 người dân, đa phần đều mù chữ. Có đến 80% người trên 30 tuổi không biết chữ nào, còn lại cũng chỉ biết i tờ, viết được tên mình là giỏi rồi. Ai "nhiều chữ" cũng chỉ đến lớp 5, lớp 6 là nghỉ học đi chài lưới. Thế hệ các cụ 60 trở lên thì khỏi bàn. 2 người học cao nhất, niềm tự hào của làng chài gần 800 nhân khẩu này là một học sinh trường chuyên cấp 3 Nguyễn Du (Thái Bình) và một sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội).

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Hầu hết phụ nữ ở làng Cao Bình không biết chữ.

Không biết chữ, hầu hết người làng, đặc biệt là chị em phụ nữ đành phải chọn cách… điểm chỉ vào các giấy tờ hành chính. Từ giấy đăng ký kết hôn cho đến sổ vay nợ ngân hàng của dân làng ít khi có chữ ký, hiếm lắm thì có nét chữ nguệch ngoạc ghi tên ở dưới, còn lại toàn là dấu điểm chỉ. Chị Trần Thị Nhung, một người làng chia sẻ: "Không biết chữ, ngượng lắm. Mình làm gì cũng thấy khó. Giấy tờ toàn phải nhờ ông trưởng, phó thôn và những người biết chữ đọc cho, ghi cho rồi mình điểm chỉ vào". Rồi chị nói thêm: "Có những người biết viết tên mình đấy, nhưng ngồi mà viết thì mất thì giờ lắm, điểm chỉ cho nhanh".

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Giấy đăng ký kết hôn của chị Nhung và chồng.

Làng chài Cao Bình gần như biệt lập với xã hội bên ngoài. Họ không có thời gian và cũng không có nhu cầu giao lưu với những người trên bờ nên ngoài chuyện biển, chuyện giá tôm cá, những thành tựu và cả âu lo của những người hiện đại dường như chưa đến với họ. Ở đây, điện thoại di động là món đồ duy nhất chứng tỏ sự hiện diện của văn minh. Không biết chữ, ký hiệu cũng chẳng đủ để quy ước tên người, thành thử họ chẳng có danh bạ điện thoại. Tất cả số điện thoại sẽ được họ ghi nhớ… trong đầu và đọc vanh vách khi cần gọi.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Điện thoại, đài và ti vi là những món đồ công nghệ nhất làng chài.

Cả xóm 171 nhà cũng chỉ có 3 nhà "chịu chơi" mua ti vi – dù chiếc nào chiếc nấy cũ mèm - để xem mỗi tối. Khoảng 6 – 8 tháng, người ta lại phải mua mới, vì hơi muối từ biển, sóng biển lắc lư chao đảo và điện yếu sẽ khiến những chiếc ti vi hóa thành đồng nát. Với những người sống lênh đênh trên sông, biển này, có lẽ những mẻ lưới nặng tay quan trọng hơn cái chữ và thông tin từ thế giới bên ngoài.

100% phụ nữ bị rối loạn tuần hoàn não, nhiều người từng đẻ trên thuyền

Ngay đến chuyện tình yêu, chuyện hôn nhân của dân chài Cao Bình cũng quẩn quanh trong những bạn chài. Trai làng không "dụ" được ai (và cũng không có thời gian để "dụ" được ai) trên bờ, mà gái làng cũng chẳng có trai trên bờ nào nhìn đến. Mà nhan sắc của họ nào có đến nỗi! Trai gái vạn chài da đen bóng, khỏe khoắn và rắn chắc. Nhưng ngặt nỗi, con trai, con gái làng chài không biết làm những công việc "trên bờ", có buôn bán cũng chỉ quen mặc cả con tôm, mớ cá mình đánh lên được; con trai con gái ở đất có lẽ cũng không đủ can đảm để quen với cuộc sống lênh đênh, rày đây mai đó, điều kiện sinh hoạt bó hẹp như ở dưới thuyền.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Mới 19 tuổi, người phụ nữ này đã có 2 con.

Lạ là mỗi lúc, làng chài càng đông thêm. Mỗi năm, làng lại "phình" ra vài chiếc thuyền. Sau mỗi ô cửa be bé trông ra mặt sông ấy là không ít người mẹ trẻ. Có cô chưa đến 30 nhưng đã 5 - 6 mặt con, cũng có cô 19 tuổi đã làm mẹ 2 lần. 16 -  17 tuổi, con gái trên bờ còn đang mải ngắm vuốt hoặc học hành, bố mẹ lắm khi phải đưa đón đi học thì con gái làng chài đã làm vợ, làm mẹ.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Chưa đến 40, nhưng dấu vết của sự vất vả đã hằn lên đôi mắt người phụ nữ này.

Cái sự đẻ nhiều được dân chài giải thích là "để có người làm cá", nhưng có lẽ cũng bởi họ sống đơn giản, ngày ngày họ lao ra biển để đánh bắt và đêm về chẳng biết làm gì ngoài chuyện..."yêu". Có hai ông bà cụ đã ngoài 70 vẫn đi chài lưới. Và trong những năm tháng lênh đênh, ông bà đã kịp "nặn" ra 10 người con, 4 gái, 6 trai, đều đã có gia đình riêng và nối tiếp nghề đi biển. Vốn liếng cả đời người, ông bà dồn để lo đám cưới và sắm "nhà riêng" cho những cậu con trai.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Hơn 70 tuổi, ông vẫn đi đánh lưới mưu sinh.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Bà là "thủy thủ" phụ ông bắt cá và thi thoảng giúp con chăm sóc các cháu.

Những người phụ nữ làng chài Cao Bình gần như không quan tâm đến việc chăm sóc y tế. Khi ốm lắm rồi họ mới chịu đi khám. Hỏi đến chuyện "kế hoạch", chuyện bệnh phụ khoa, họ cười khúc khích. Ngay đến chuyện sinh nở, họ cũng có thể tự giúp nhau ngay tại thuyền, giữa biển khơi. Thời xưa, chuyện các bà tự đẻ, tự đỡ là thường.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Chăm sóc sức khỏe là một điều xa lạ với nhiều phụ nữ làng chài.

Bây giờ, nghe nói chuyện đó đã ít hơn, nhưng cũng có không ít trường hợp đau đẻ đúng lúc thuyền đang ở xa không kịp cập bờ để lên trạm y tế, mấy thuyền lại cập vào nhau làm thành cái bè nổi trên biển, đàn ông đàn bà xúm vào đỡ đẻ giúp. Được vài ngày "nằm ổ", cả bà mẹ và những đứa trẻ sơ sinh lại cùng cha lênh đênh trên sóng nước.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Em bé 5 tháng tuổi sắp theo mẹ đi biển.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Người mẹ chuẩn bị thuốc cho con.

Sống trong không gian hẹp, dập dềnh trên sóng nước, nghe tiếng máy nổ xấp xỉ 360 ngày trong năm, 100% phụ nữ Cao Bình bước vào tuổi 40 đều bị rối loạn tuần hoàn não. Đó là căn bệnh phổ biến nhất với phụ nữ ở đây, còn những bệnh "lặt vặt" khác như xương khớp, tim… thì mỗi người mỗi kiểu.

Điện trên thuyền lấy từ ắc-quy, nước ăn nước uống thì vào bờ xin nước mưa hoặc mua bình nước lọc đóng chai, còn mọi sinh hoạt khác đều dùng nước sông. Bữa ăn của dân làng chài thường xuyên là mắm, là tép riu, cá nhỏ kho mặn, hiếm khi có rau tươi.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Nước sạch và rau tươi rất hiếm trên thuyền.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Thức ăn thường xuyên của người dân chài là cá nhỏ đánh được ven sông.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Bếp trên thuyền.

Và với những "con gái của thủy thần", hóa mỹ phẩm là một khái niệm xa lạ và xa xỉ, dù chỉ là lọ nước gội đầu 40.000 đồng. Nhu cầu duy nhất và cao nhất của họ là ngày hôm nay chồng và con họ có cái ăn.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Phụ nữ vạn chài gần như không có thời gian chú ý đến sắc đẹp.

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
Trang sức phổ biến của họ là chiếc cặp tóc...

Nhiều phụ nữ đẻ rơi trên thuyền tại
...và tấm khăn đội đầu.

Rời làng vạn chài Cao Bình, cái mùi thức ăn rang mặn, của chăn áo lâu ngày không phơi nắng quyện với mùi của những chiếc thuyền nhỏ lưu cữu trên sông cứ vương vấn trong tâm trí chúng tôi. Và cả câu thở dài của một bà già nữa: "Ai chẳng muốn lên bờ. Xã cũng cho đất làm nhà rồi đấy, nhưng rời biển ra biết lấy gì mà ăn…"
Chia sẻ