Kinh nghiệm của cụ ông 80 tuổi: Về già muốn sống thoải mái đủ đầy, phải nhớ lấy 3 lời này mà làm theo
Khi chúng ta đến giai đoạn hoàng hôn của cuộc đời, hạnh phúc lớn nhất không gì khác hơn là sự hòa thuận trong gia đình, tình thương giữa vợ chồng, và lòng hiếu thảo của con cái.
*Dưới đây là bài chia sẻ trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp và cung cấp kiến thức)
Tuổi xế chiều an nhàn chính là cuộc sống vô lo vô nghĩ, khỏe mạnh, bình yên, giản dị và tự do, có thể được con cái chăm sóc. Tuy nhiên, không phải người lớn tuổi nào cũng có thể sống theo cách mình muốn.
Ông Ngô, 80 tuổi, bảo rằng, ông có thể sống hạnh phúc trong những năm tháng tuổi già là nhờ làm được 3 điều sau:
1. Sống ích kỷ một chút, để dành cho mình đường lui
Hồi còn trẻ, tôi và bạn đời cật lực làm việc, lo cho con học hành đến nơi đến chốn, giúp con lập nghiệp, thành gia lập thất. Khi con đã trưởng thành, tôi đã trịnh trọng nói với chúng rằng, trách nhiệm và nghĩa vụ của cha mẹ đã hoàn thành. Giờ đây cha mẹ đã già, khả năng có hạn, không những không thể giúp nữa mà thậm chí còn cần sự giúp đỡ từ con cháu.
Lời nói của tôi dường như đã thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của các con, khiến chúng hiểu rằng đến lúc cần bày tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ. Từ đó, con không những không làm phiền chúng tôi nữa mà còn thường xuyên về nhà thăm nom.
Mỗi tháng, tôi và vợ đều có một khoản lương hưu, một phần làm chi phí sinh hoạt, số còn lại tiết kiệm. Chúng tôi chưa bao giờ nhắc đến với con về khoản tiết kiệm này, nhờ vậy mà mới càng có động lực để tận hưởng tuổi già trong an tâm.
Chỉ khi tâm trạng tốt, sức khỏe mới mạnh mẽ, chúng tôi cũng không làm phiền con cái. Mọi thứ đều liên kết với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, không thể thiếu bất kỳ một mắt xích nào.
Chúng tôi không thấy có gì không ổn khi nhận tiền từ con cái, số tiền này không thể tiêu hết, sau cùng vẫn sẽ để lại cho chúng. Tiền là thứ cần thiết để người già sống hạnh phúc, chúng tôi trân trọng từng xu, có đủ tiền thì mới có thể an tâm an hưởng tuổi già.
2. Không lo chuyện bao đồng, không can thiệp vào mâu thuẫn gia đình con cái
Dù là vợ chồng yêu thương nhau đến đâu, vẫn có lúc cãi vã, điều này tôi và bạn đời đều hiểu rõ. Vì thế, chúng tôi không bao giờ dính vào mâu thuẫn nội bộ của con cái, để chúng tự giải quyết vấn đề của mình.
Con cái đã lớn, có khả năng tự giải quyết vấn đề, không cần cha mẹ chỉ tay năm ngón. Nhiều khi, những mâu thuẫn nhỏ giữa vợ chồng, nếu cha mẹ xen vào, sẽ làm cho vấn đề trở nên gay gắt hơn.
Nhưng nếu nằm trong thế bắt buộc phải ra mặt, tôi sẽ làm theo nguyên tắc: Đứng trên lập trường của một người bạn ngoài cuộc, đặt mình vào vị trí khác để giải quyết mâu thuẫn, chứ không phải đứng trên lập trường của bậc trưởng bối để áp đặt. Chúng ta cần phải nói lý lẽ, vì con chúng ta cũng không hoàn hảo, vậy không thể quá khắt khe với người khác.
Nếu không phân biệt rõ ràng mà chỉ biết bênh vực con ruột của mình, kết quả chỉ làm mọi chuyện thêm tồi tệ mà thôi. Mọi người đều có tâm lý phản kháng, ai cũng có thể làm những chuyện điên rồ khi bị ép vào đường cùng.
Suy nghĩ cho nhau là lẽ tự nhiên của con người. Là người trưởng thành, chúng ta cần phải thuyết phục bằng lý lẽ, song tốt nhất là không nên xen vào, để tránh phản tác dụng.
3. Ngưng dùng tư tưởng "trưởng bối" để áp đặt con cái
Khi người ta già đi, cần phải biết tuân theo tự nhiên, không thể cứng đầu như thời trẻ, không chịu thua bất cứ ai. Là người lớn tuổi, chúng ta cần phải nhận thức một hiện thực rằng, khi con cái còn nhỏ, chúng ta là chỗ dựa cho chúng, nhưng khi già đi, chúng ta không còn là chỗ dựa cho con cái, mà cần phải dựa vào chúng.
Con cái sẽ thoải mái hơn khi đối xử với người già một cách bình đẳng, chứ không phải là người luôn thích nói chuyện ngang ngược, thường xuyên thể hiện là bậc trưởng bối, yêu cầu con cái phải nghe theo mình.
Nếu người già chỉ biết nghĩ cho bản thân, không quan tâm đến khó khăn của con cái, thì những bậc cha mẹ như vậy không chỉ khó có được sự tôn trọng từ con cái mà cũng khó có được sự hiếu thảo.
Phước lành của một người là do họ tích góp từng chút một hàng ngày, tai họa cũng hoàn toàn do chính họ tạo ra.
Dù là con cái ruột thịt của chính mình, muốn được lòng hiếu thảo từ chúng, chúng ta cũng cần phải theo đúng nguyên tắc đối nhân xử thế: Đặt mình vào vị trí của đối phương.
Mối quan hệ giữa người với người giống như một chiếc gương soi, người lớn tuổi đối đãi với con cái bằng nụ cười và tình cảm thân thiện, thì con cái mới đáp lại bằng sự niềm nở và sẵn sàng chăm sóc mà không mảy may ngần ngại.