Khuyến mãi cuối năm: Dễ mắc lừa hàng tồn kho, quá date
Cuối năm nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng so với ngày thường. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để nhiều cơ sở, cửa hàng, siêu thị phân phối… tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm “giải phóng” hết lượng hàng tồn kho, hàng sắp hết thời hạn sử dụng hoặc kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái... ra thị trường.
Quả đắng hàng khuyến mại
Gần Tết, nhiều địa điểm mua sắm từ lớn đến bé lại ồ ạt xả hàng để kích cầu mua sắm và thu hồi vốn. Có thể thấy, hầu hết các trung tâm thương mại lớn, siêu thị, cửa hàng đâu đâu cũng tấp nập các chương trình khuyến mãi, giảm giá lên tới 70-80%. Những biển hiệu "Xả hàng cuối năm" hay "Mua hai tặng một", “Giá siêu sốc”... tràn ngập đường phố.
Chị Nguyễn Thu Hương, phường Thành Công, Ba Đình cho biết thấy một siêu thị gần nhà quảng cáo khuyến mại giảm giá, chị cũng vào mua thì mới biết hầu hết hàng khuyến mại đều là các đồ thực phẩm, mỹ phẩm gần hết hạn sử dụng, thậm chí chỉ còn hạn sử dụng một ngày. Một cặp sữa tắm được giới thiệu là hàng Thái Lan, mua một tặng một nhưng mang về nhà chị mới biết chỉ còn 2 ngày nữa là hết hạn sử dụng.
Nhân viên siêu thị đã khéo léo dùng băng dính quấn 2 lọ sữa tắm lại với nhau và che hạn sử dụng. Theo tìm hiểu của phóng viên, tùy theo từng mặt hàng cụ thể mà khách hàng bị "lừa" theo từng kiểu riêng. Nhiều cửa hàng lấy sản phẩm kém chất lượng, được sản xuất ở những cơ sở sản xuất không có uy tín để bán với giá thấp hơn so với giá của sản phẩm chất lượng cao và gọi đó là khuyến mãi.
Các hãng thời trang có tên tuổi cũng nhân dịp xả hàng Tết để đại hạ giá các mặt hàng tồn, lỗi mốt. Tuy nhiên không ít cửa hàng còn trà trộn cả hàng chợ chất lượng kém vào để đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy mua hàng hạ giá dịp giáp Tết nếu không tìm hiểu kỹ thì khách hàng có thể còn bị mua đắt hơn nhiều so với giá thực tế.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hiện các chương trình khuyến mại ở Việt Nam đang có nhiều vấn đề. Doanh nghiệp nâng giá sản phẩm lên, rồi đưa ra chương trình giảm giá. Hàng hóa khuyến mại có khi gần hết hạn sử dụng hoặc hàng trưng bày mẫu cũng được đưa vào chương trình khuyến mại.
Các chương trình khuyến mại mang tính chất may mắn có giá trị lớn như cơ hội trúng lớn ôtô, xe máy... nhưng thực chất thế nào thì rất khó có thể kiểm chứng vì đa số các đơn vị sau khi kết thúc chương trình đều không báo cáo về Sở Công Thương.
Phù phép hàng hết hạn thành hàng mới
Mới đây, cơ quan chức năng Hà Nội đã khám một kho hàng thuộc quận Thanh Xuân và phát hiện khoảng 1.000 thùng bánh, kẹo nhập ngoại đã hết hạn sử dụng và đang được dập lại hạn mới. Đây là kho hàng của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư An Phát, có trụ sở tại 143 đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân.
Số bánh kẹo này đa phần được nhập từ Indonesia, đã hết hạn sử dụng từ tháng 5 hoặc cận ngày hết hạn. Có những thùng đã được xóa hạn sử dụng cũ và dán hạn mới. Ngoài ra, tại đây còn có một chiếc máy dập hạn mới, 5 chai dung dịch tẩy hạn và các bảng báo giá sản phẩm cho những nơi cung cấp với số lượng tương đối lớn, giá thành cao.
Công ty An Phát đăng ký kinh doanh từ tháng 8-2011 và chuyên cung cấp các mặt hàng bánh kẹo ngoại cho các đại lý trên địa bàn thành phố Hà Nội và một vài tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương. Nếu số lượng bánh kẹo này được tung ra thị trường thì người tiêu dùng cũng không thể nhận biết được đây là hàng đã quá date.
Trước đó, vào ngày 29-4-2011, cơ quan liên ngành gồm Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Hà Nội), Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội, đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Hạnh Phúc Mỹ Phẩm, địa chỉ 301 phố Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) đã phát hiện khối lượng lớn hàng mỹ phẩm hết hạn sử dụng. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, chủ cửa hàng không trình được giấy tờ liên quan đến lô hàng.
Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện khoảng 500 thùng đựng đủ loại mỹ phẩm nổi tiếng như: Verobene, Javin (sữa dưỡng da), Lamecca, Skin... tại đây đều gần hết hạn hoặc đã hết hạn sử dụng, nhưng được Công ty này “phù phép” bằng cách dán mác mới đè lên mác cũ để kéo dài hạn sử dụng, lừa người tiêu dùng.
Cụ thể, sản phẩm dưỡng da Javin đề ngày sản xuất là 22-5-2008 với thời hạn sử dụng là 3 năm (đến tháng 5-2011 là hết hạn). Để kéo dài thời hạn sử dụng, Công ty này đã dùng máy dập lại “date”, dán nhãn mác mới, ghi thông tin trên nhãn với ngày sản xuất là 18-2-2009.
Siêu thị cũng tràn ngập hàng hết hạn
Lâu nay, siêu thị vẫn được xem là kênh bán hàng khá tin cậy đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên gần đây, nhiều mặt hàng được niêm yết trong siêu thị đã có hiện tượng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng được dán lại date. Đặc biệt loại hàng gần sát ngày hết hạn sử dụng thường được các siêu thị làm việc với các nhà sản xuất để đưa ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn. Khiến cho người tiêu dùng bị mắc lừa mua phải những hàng tồn kho, kém chất lượng.
Vào tháng 4-2012, Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô 24 (Thanh Xuân, Hà Nội) phản ảnh việc nhiều lần bị phía Big C Thăng Long cung cấp thực phẩm kém chất lượng như thịt lợn gạo, bí xanh bị hỏng, cá nục đông lạnh đã bị rữa nát, xương lợn có mùi hôi thối, màu sắc nhợt nhạt, thịt lợn ba chỉ đã bị chuyển màu. Ngay sau đó, Big C đã trả lời báo chí cho biết trường hợp phản ánh của Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô 24 chỉ do cảm quan, chủ quan của người nhận hàng.
“Những phản ánh đó không có căn cứ kiểm nghiệm, không phân biệt sự thay đổi về mặt cảm quan của thịt đã qua trữ lạnh và thịt nóng. Một số trường hợp khách hàng phản ánh nhiều ngày sau khi đã nhận hàng và trong trường hợp này chất lượng thịt có thể đã thay đổi tùy vào điều kiện bảo quản tại cơ sở của khách hàng”, bà Dương Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ Công chúng và Đối ngoại của BigC khi trả lời về thông tin này đã nói như vậy. Hiện bà Quỳnh Trang cũng cho biết Big C luôn nỗ lực cao nhất để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
An toàn thực phẩm trong siêu thị trong những năm gầy đây vẫn là vấn đề gây bức xúc với nhiều người tiêu dùng. Còn nhớ, vào tháng 2-2011, hàng chục nhân viên làm việc tại Siêu thị Metro Thăng Long có triệu chứng buồn nôn, đau bụng dữ dội sau khi ăn trưa tại bếp ăn tập thể của siêu thị, đã phải nhập viện cấp cứu. Ngay sau đó, ngành chức năng đã làm việc với Ban quản lý siêu thị này và phát hiện nhiều vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu chế biến suất ăn. Việc các siêu thị chỉ quản lý chất lượng sản phẩm trên… giấy đã gây mất lòng tin đối với nhiều khách hàng.
Mặc dù Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực từ 1-7-2011, song từ đó đến nay, mà vẫn chưa thực sự được bảo vệ, người tiêu dùng vẫn khổ sở vì bị lừa mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng quá date. Nhất là cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao, người tiêu dùng càng dễ mắc bẫy. Luật có, lực lượng chức năng có nhưng xem ra để tạo một hàng rào an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng vẫn là quá khó và không biết bao giờ mới thực hiện được.
Theo chúng tôi chỉ khi nhà phân phối và nhà sản xuất có trách nhiệm một cách thật sự thì quyền lợi người tiêu dùng mới được đảm bảo. Bởi người tiêu dùng không thể nhận biết bằng mắt thường được đâu là sản phẩm kém chất lượng, đâu là hàng quá date và không phải bất cứ lúc nào người tiêu dùng cũng mang sản phẩm đi kiểm nghiệm được.
Và khi người tiêu dùng tin vào nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm thì đấy mới chính là “lợi nhuận”, “lợi nhuận lâu dài”. Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm với khách hàng. Đến khi khách hàng phẫn nộ và tẩy chay thì việc lấy lại thương hiệu là vô cùng khó mà bài học Vedan vẫn đang là một ví dụ “sống”.
Báo
cáo của Bộ Công Thương ngày 3-12 cho biết, chỉ số tồn kho ngành công
nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,4% so với tháng trước và tăng 20,9% so
với cùng kỳ. Tuy tồn kho cao hơn tháng trước và cao hơn cùng kỳ nhưng
tập trung chủ yếu ở một số ngành hàng phục vụ tiêu dùng dân cư chuẩn bị
đón Tết như: sản xuất bia tăng 29,3% so với tháng trước và tăng 57,6% so
với cùng kỳ; sản xuất thuốc lá tăng 5,0% và tăng 45,0%; may trang phục
(trừ trang phục từ da lông thú) tăng 11,7% và tăng 48,5%; sản xuất mỹ
phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 8,5% và
tăng 21,7%...
Tuy nhiên, một số ngành tồn kho giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ như: sản xuất đường giảm 36,2% và giảm 48,2%; sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 27,7% và giảm 27,1%... Nếu như cách đây 2 tháng, lượng than tồn kho các loại xấp xỉ 10 triệu tấn thì tính đến đầu tháng 11-2012, tồn kho mặt hàng này chỉ còn gần 8,8 triệu tấn.