Không phải biết đọc hay "bắn" ngoại ngữ đỉnh, 7 kỹ năng dưới đây mới là điều em bé mẫu giáo nào cũng cần được trang bị thật tốt

Tú Anh Nguyễn,
Chia sẻ

Ở lứa tuổi mẫu giáo, điều quan trọng nhất bố mẹ cần dạy con không phải là học chữ, đánh vần, tập viết, đếm số, hay học ngoại ngữ… mà chính là kỹ năng xã hội.

Vì sao ngày xưa thời của ông bà cha mẹ, chúng ta không cần phải học kỹ năng xã hội? Bởi vì thời ấy, trẻ con chỉ cần mở mắt ra là đã "biến mất dạng" chạy ra đường chơi với các bạn hàng xóm trong khu phố hay trong con ngõ gần nhà, mãi đến tận giờ cơm, các mẹ ra gọi í ới thì mới về ăn. Các trò chơi như đuổi bắt, trốn tìm, bịt mắt bắt dê, lò cò, thẩy gạch, năm mười, nhảy dây, ô ăn quan... chính là những "thầy cô" phụ đạo kỹ năng xã hội tốt nhất cho các con. Thời nay, con chúng ta chơi gì trong 4 bức tường nhà chung cư?

Parent Coach Tú Anh Nguyễn chia sẻ 7 kỹ năng xã hội cần trang bị cho con - Ảnh 1.

Kỹ năng xã hội là bài học quan trọng mà đứa trẻ nào cũng cần được dạy dỗ từ sớm. (Ảnh minh họa)

Kỹ năng xã hội là những kỹ năng được sử dụng hàng ngày trong giao tiếp và tương tác với mọi người xung quanh, bao gồm cả giao tiếp bằng ngôn từ lẫn bằng hành vi cử chỉ (hành động, nét mặt, ngôn ngữ hình thể…). Một người có thế mạnh và giỏi kỹ năng xã hội là một người biết cư xử phù hợp và khéo léo trong đời sống thường ngày. Khi con được trang bị những kỹ năng xã hội quan trọng, con sẽ biết cách giao tiếp hiệu quả, biết hành xử đúng cách trong từng tình huống và có khả năng kết bạn nhanh, dễ làm quen hơn. Những bạn nhỏ không may mắn bị các vấn đề rối loạn sức khoẻ tâm thần thường có kỹ năng giao tiếp xã hội kém.

Theo chuyên gia trị liệu tâm lý Amy Morin, 7 kỹ năng xã hội quan trọng nhất mà 1 bạn nhỏ toddler (1-3 tuổi) cần được trang bị trong thời đại ngày nay gồm:

1. Biết chia sẻ

Khi biết chia sẻ, con sẽ có nhiều bạn bè hơn. Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Psychological Science (Khoa học tâm lý), trẻ em ở độ tuổi lên 2 thường sẵn sàng chia sẻ hơn độ tuổi lên 3. Khi lên 3, con hiểu được là khi chia sẻ cho ai đó, mình sẽ còn ít hơn. Đặc biệt với các món ăn hay đồ chơi ưa thích, con sẽ không thích chia cho bạn nữa.

Đừng bắt ép, hãy khuyến khích để con học cách chia sẻ dần dần ngay từ tuổi lên 2.

Chỉ cho con thấy bất cứ khi nào mọi người trong nhà có hành động chia sẻ. Khen ngợi hành vi của con ngay khi con chia sẻ đồ cho người khác. Động viên và cho con biết người khác vui như thế nào khi được con chia sẻ: "Con cho em một miếng bánh của con rồi hả? Chắc là em vui lắm đó".

Khi con chưa sẵn sàng, không nói những lời tiêu cực như: "Con không chia cho bạn thì con thật là hư/ích kỷ/xấu tính" hay "Con mà không chia cho em thì mẹ buồn lắm/mẹ không thương con nữa".

2. Biết hợp tác

Khi có kỹ năng hợp tác, đến tuổi đi học, con sẽ biết cách học và sinh hoạt theo nhóm hiệu quả và thường sẽ đạt được kết quả học tập tốt cho cả tập thể lẫn bản thân. Hợp tác là biết phối hợp với người khác để cùng đạt được một kết quả chung. Biết hợp tác cũng sẽ giúp con thành công trong cả những mối quan hệ tình cảm.

Parent Coach Tú Anh Nguyễn chia sẻ 7 kỹ năng xã hội cần trang bị cho con - Ảnh 2.

Từ 3 tuổi trở đi là thời điểm thuận lợi nhất để dạy con về kỹ năng hợp tá, từ việc chơi đồ chơi, cùng tham gia đóng góp xây dựng một trò gì đó, đến phân chia nhiệm vụ làm việc nhà phù hợp với độ tuổi của con như: dọn dẹp đồ chơi, bỏ quần áo bẩn vào chậu, quét bụi đồ đạc, lau bề mặt cửa tủ, sắp xếp sách truyện lên kệ, gấp quần áo, phân loại những chiếc vớ giống màu nhau…

 3. Biết lắng nghe

Kỹ năng lắng nghe không đồng nghĩa với việc bắt con phải giữ im lặng, mà là khả năng tập trung và chú ý của con khi người khác đang nói và truyền tải thông điệp gì đó. Kỹ năng này sẽ giúp ích con rất nhiều khi đến tuổi đi học cấp 1, con sẽ có khả năng nghe và hiểu những lời dặn dò của thầy cô để có kết quả học tập tốt hơn, hay khi lớn lên là kỹ năng lắng nghe và giao tiếp với sếp.

Kỹ năng này đặc biệt quan trọng khi bây giờ mọi người ngày càng sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn, vừa nói chuyện vừa liếc nhìn màn hình điện thoại. Đặc biệt là khi bố mẹ chơi với con cái, ít có ai cất hẳn điện thoại sang một bên, mà hầu như toàn một tay chơi với con một tay thì chat chit hay đọc tin nhắn.

Luyện kỹ năng lắng nghe bằng cách: khi đọc sách cho con, thỉnh thoảng hãy dừng lại để hỏi con một vài câu liên quan đến nội dung sách hoặc yêu cầu con kể lại một nội dung ngắn – tuỳ thuộc vào lứa tuổi. Nếu con thuần thục, hãy hỗ trợ con. Ngoài ra, dạy và luôn nhắc nhở con không nói leo hay ngắt lời khi người lớn đang nói.

4. Biết làm theo hướng dẫn

Kỹ năng hiểu và biết làm theo hướng dẫn vô cùng quan trọng cho tương lai của con, kể cả khi đi học và đi làm. Nhưng làm sao có thể giúp con luyện tập kỹ năng này từ sớm?

Parent Coach Tú Anh Nguyễn chia sẻ 7 kỹ năng xã hội cần trang bị cho con - Ảnh 3.

Hạn chế la mắng con nhiều, thay vào đó hãy cùng làm với con hoặc hướng dẫn để con làm theo. (Ảnh minh họa)

Các bước sau có thể giúp cho bố mẹ thực hành:

+ Không đưa cho con nhiều yêu cầu cùng một lúc. Ví dụ như: "Con đi cất giày rồi dọn dẹp đồ chơi, rồi rửa tay rửa chân đi còn ăn cơm nghe chưa!". Hãy yêu cầu từng việc một, sau khi con làm xong thì yêu cầu tiếp việc thứ hai. 

+ Với những yêu cầu bắt buộc con phải làm, hãy nói nhẹ nhàng, nhưng đừng hỏi. "Con có có thể nhặt đồ chơi lên giúp mẹ được không?" – với câu hỏi này, con sẽ có cơ hội trả lời "Dạ không".

+ Sau khi yêu cầu con thực hiện một yêu cầu nào đó, hãy hỏi lại để con lặp lại việc con sẽ làm. "Chuẩn bị đến giờ đi tắm rồi nên con hãy cất đồ chơi đi nhé". Sau đó hãy hỏi lại con: "À bây giờ chuẩn bị đi tắm rồi, mình phải làm gì nhỉ con?".

Ở độ tuổi nhỏ, con thường hay bị xao nhãng và mất tập trung. Hạn chế la mắng con nhiều, thay vào đó hãy cùng làm với con hoặc hướng dẫn để con làm theo. Và khen ngợi khuyến khích bất cứ khi nào con làm được, dù chỉ là việc rất rất nhỏ.

5. Biết tôn trọng không gian riêng tư và khoảng cách cá nhân

Những hành vi như: đứng quá gần khi nói chuyện, thường xuyên đụng chạm vào tay vai người khác, trẻ con vô tư trèo vào trong lòng người lớn (không phải bố mẹ) để ngồi… thường hay gây cho người đối diện khó chịu và khó nói ra. Nếu con không được bố mẹ nhắc nhở từ khi còn nhỏ, có thể lớn lên con vẫn tiếp tục có những hành vi vô ý này.

Ngay từ bây giờ hãy dạy con:

+ Biết đóng cửa lại mỗi khi ra vào, và biết gõ cửa trước khi vào phòng. 

+  Đứng cách người khác một khoảng bằng chiều dài cánh tay khi nói chuyện. 

+  Không trèo vào lòng người khác ngồi nếu đó không phải là bố mẹ. Khi con đã lớn gần đến tuổi dậy thì, thì cũng hạn chế ngồi vào lòng bố mẹ. 

+ Với những hành vi như giật đồ trong tay người khác, xô đẩy hay chen lấn khi chờ đợi, xếp hàng thì cần điều chỉnh, nhắc nhở con ngay lập tức.  

6. Biết nhìn vào mắt người đối diện khi giao tiếp

Khả năng nhìn vào mắt người khác khi giao tiếp và nói chuyện sẽ giúp con dễ dàng thành công hơn trên con đường sự nghiệp khi lớn lên. Ngay từ bây giờ, hãy khuyến khích và dạy con giao tiếp tự tin bằng cách luôn nhìn thẳng vào người đối diện. Đặc biệt nếu con là một em bé hay mắc cỡ hay có thói quen nhìn xuống sàn nhà khi người lớn hỏi chuyện, hãy nhẹ nhàng khuyến khích con nhìn thẳng lên.

Đặc biệt quan trọng, bố mẹ hãy cố gắng luôn ngồi thấp xuống bằng ngang tầm mắt để nói chuyện với con bất cứ khi nào có thể, để con quen nhìn vào mặt bố mẹ. Tránh vừa cắm mặt vào điện thoại vừa trả lời khi con hỏi chuyện. Và cũng tránh lạm dụng việc đứng từ trên cao chỉ ngón tay vào mặt con để mắng mỏ.

7. Biết cách cư xử lịch sự, văn minh

Bố mẹ hãy để ý và dạy con: Biết cám ơn, xin lỗi đúng lúc, biết nói chuyện lịch sự, lễ phép, biết "vâng – dạ - ạ - thưa" khi nói chuyện với người lớn tuổi. Ngoài ra, thói quen ăn uống lịch sự trên bàn ăn cũng là một biểu hiện văn minh.

Parent Coach Tú Anh Nguyễn chia sẻ 7 kỹ năng xã hội cần trang bị cho con - Ảnh 4.

Hãy cố gắng cho con được đi xuống sân vườn, ra công viên, đi sân chơi hoặc các phụ huynh tự tổ chức cho con gặp gỡ và giao lưu với các bạn nhỏ khác. (Ảnh minh họa)

Dù cho con có là một em bé nhỏ xíu, và dù bố mẹ có nghĩ là "con còn nhỏ có biết gì đâu", hãy đừng tập cho con: ngồi lên bàn, gác chân lên bàn lên ghế, đạp chân vào mặt người lớn khi chơi đùa…

Có những hành vi ở con trẻ khi còn nhỏ con làm thì sẽ rất dễ thương, nhưng khi lớn lên con vẫn tiếp tục làm thì lại thành ra khó chấp nhận. Nếu vậy thì, thà là dạy con đúng ngay từ đầu, hơn là để con lớn rồi mới tìm cách sửa thì rất mất thời gian và mất cả đoàn kết nữa, bố mẹ nhé! Một trong những cách dạy con hiệu quả nhất đó là: bố mẹ hãy làm gương.

Nếu bố mẹ chưa muốn cho con đi nhà trẻ sớm, hãy cố gắng cho con được đi xuống sân vườn, ra công viên, đi sân chơi hoặc các phụ huynh tự tổ chức cho con gặp gỡ và giao lưu với các bạn nhỏ khác đồng trang lứa để con có cơ hội được thực hành những kỹ năng này. 

Chia sẻ