Trấn Thành nói "cha mẹ Việt không đủ trình độ dạy con": Đúng hay sai?
Khi thấu cảm được điều này, có lẽ các bố mẹ sẽ không còn tranh cãi về câu nói của MC Trấn Thành nữa!
Những ngày qua, cộng đồng mạng nổ ra cuộc tranh cãi nảy lửa về phát biểu sốc của MC Trấn Thành: "Cha mẹ Việt không đủ trình độ dạy con". Trên thực tế, rất nhiều bậc phụ huynh tỏ ra "nóng mặt" trước nhận định này của nam MC!
Vậy câu nói của Trấn Thành là đúng hay sai? Cùng tham khảo bài phân tích của parent coach Tú Anh Nguyễn – một chuyên gia trong lĩnh vực nuôi dạy con.
Bố mẹ trẻ 8X, 9X ngày nay hay cảm thán rằng: "Trẻ con bây giờ khôn lắm, hở tí là cãi. Mới tí tuổi đầu đã biết lí sự. Ít tuổi nữa không biết dạy dỗ kiểu gì!".
Qua trò chuyện và tiếp xúc, tôi nhận thấy phần lớn phụ huynh kết luận rằng trẻ con ngày nay khôn và "ranh" như vậy là nhờ có Internet, nhờ có truyền hình cáp và mạng xã hội. Phần lớn phụ huynh tin rằng, thế giới bây giờ phẳng rồi, con trẻ vì ảnh hưởng từ môi trường và công nghệ nên lanh lợi hơn thời xưa.
Có một thực tế ít ai để ý và ít được đề cập đến, đó là sự thay đổi to lớn trong nếp sống, văn hoá, xã hội và nhận thức về quyền lợi cá nhân. Ngày xưa thời ông bà ta, người chồng - người cha trong gia đình là biểu tượng quyền lực, người vợ mặc định phải luôn nghe lời chồng. Ngày nay, phụ nữ hiện đại hơn, độc lập hơn về tài chính, nên có tiếng nói hơn trong gia đình, từ đó tạo ra sự bình đẳng trong quan hệ vợ - chồng. Còn trẻ con thì thời nào cũng vậy, đều quan sát và học từ cha mẹ, đương nhiên cũng muốn khẳng định vai trò và tiếng nói của mình trong gia đình.
Qua tiếp xúc và tư vấn cho nhiều phụ huynh, tôi nhận thấy nhiều cặp vợ chồng tuy chịu khó đọc nhiều sách về nuôi dạy con, nhưng vẫn bối rối thật sự khi con thường xuyên lăn đùng ra ăn vạ quấy khóc giữa đường... Và phần lớn bố mẹ vẫn chưa thế biết cách giúp con mình cảm thấy hạnh phúc.
Bố mẹ thường sẽ mang con đi bác sĩ nếu con có vấn đề về sức khoẻ. Nhưng khi có những băn khoăn về ăn – ngủ - bú mớm, hay cần uốn nắn những hành vi chưa đúng của con, và hiểu về các mốc phát triển về mặt tâm lý, nhận thức,… thì nhiều phụ huynh chỉ biết hỏi hỏi "bác Google" hay "bác Facebook". Nhưng tham khảo thông tin là một chuyện, còn thực hành như thế nào lại là chuyện khác, không phải ai cũng biết cách làm đúng, đặc biệt là kỹ năng mềm. Vì vậy, nhận định của Trấn Thành không phải không đúng với thực trạng xã hội.
Tôi hiểu ý của MC Trấn Thành sau câu nói gây tranh cãi kể trên.
Trong quá trình làm việc và tư vấn cho nhiều phụ huynh, tôi nhận thấy thực trạng hiện nay là: phần lớn các bậc phụ huynh trẻ nhìn nhận ra được vấn đề giữa mình với con, hoặc các vấn đề về hành vi của con mà họ muốn thay đổi và cải thiện. Nhưng họ lại không biết cách phải "xử lý" thế nào cho đúng.
Một trong những câu hỏi tôi được nhận nhiều nhất từ các bà mẹ có con ở độ tuổi toddler (1-3 tuổi) là: "Chị ơi, con em rất hay cắn hoặc hay đánh người khác. Em đã rất nhiều lần la mắng, thậm chí thử cắn và đánh lại con cho con biết đau mà chừa, nhưng con chả có vẻ gì là sợ?". Nhưng trong những trường hợp này, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là bố mẹ không được đánh hay cắn lại con. Vì ở tuổi này, con học nhiều qua quan sát và bắt chước hơn là lắng nghe. Đôi khi, phớt lờ lại là cách hiệu quả nhất. Đòn roi sẽ không hiểu quả bằng "chiến lược" khích lệ và khuyến khích đúng cách.
Trong phần lớn trường hợp, khi muốn "sửa" con, bố mẹ cần phải tự sửa mình trước tiên. Tôi tin rằng thứ mà các bậc phụ huynh Việt Nam hiện giờ đang cần nhất là các kỹ năng thực tế và các công cụ "mềm" hỗ trợ việc giao tiếp, xử lý tình huống khi nuôi dạy con. Khi phụ huynh tự tin hiểu rõ con mình đang cần gì, tinh thần và tâm lý của con ra sao, cũng như hiểu thật rõ bản thân trong vai trò là người cha, người mẹ, thì khoảng cách giữa phụ huynh - con cái sẽ được rút ngắn và sợi dây kết nối được bồi đắp chắc chắn hơn.
Từ tinh thần tích cực và sự tự tin trong vai trò làm cha mẹ, việc dạy con và giúp con phát triển tối ưu sẽ không còn là thử thách khó khăn hay quá xa vời nữa, mà sẽ là một hành trình đầy ý nghĩa và niềm vui.
Câu nói của Trấn Thành là không sai về mặt thông điệp và ý nghĩa. Nhưng để câu nói chính xác hơn, tôi muốn sửa lại thành: "Hiện nay, cha mẹ Việt CHƯA có đủ CÔNG CỤ để dạy con".