Không có thiết bị nào "đánh bay" được nồng độ cồn ngoài ý thức của chúng ta
Liên quan đến những thắc mắc của người dân xung quanh Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn với đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an để làm rõ những khúc mắc này.
- Phóng viên: Có thể thấy trong những ngày vừa qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã rất “mạnh tay” xử lý các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, xin đồng chí cho biết kết quả ban đầu từ ngày 1-1-2020 đến nay khi triển khai Nghị định 100?
- Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về ATGT, Cục CSGT (Bộ Công an): Có thể nói là từ ngày 1-1-2020 đến nay, khi mà Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng như Nghị định 100 của Chính phủ trong việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đi vào hoạt động, lực lượng CSGT cả nước đã tăng cường xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt là nồng độ cồn và ma túy. Kết quả cho thấy, trong vòng 1 tuần đã có hơn 2.800 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn đã bị lực lượng CSGT phát hiện và xử lý.
- Trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT có gặp những khó khăn hay cản trở từ phía người vi phạm không, thưa Thượng tá?
- Xử lý vi phạm đối với nồng độ cồn luôn gặp những khó khăn hơn so với những hành vi vi phạm khác. Bởi khi người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu rồi thì năng lực, hành vi của họ đều hạn chế. Họ thường tìm đủ các lý do để biện minh cho việc đã uống rượu bia trước đó, không chịu chấp hành quy định kiểm tra nồng độ cồn của CSGT. Tuy nhiên, lực lượng CSGT cũng rất nỗ lực, tích cực giải thích, vận động, hướng dẫn, tuyên truyền cho người vi phạm hiểu và chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt là về những quy định mới về nồng độ cồn. Đồng thời, chúng tôi đã phải tăng cường hết lực lượng để đảm bảo TTATGT, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã cận kề.
- Với các trường hợp người vi phạm chống đối quyết liệt, thậm chí tấn công lực lượng CSGT thì Cục CSGT có những phương án xử lý như thế nào?
- Cục CSGT đã có điện chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố phải tăng cường phương tiện, lực lượng để kiểm soát nồng độ cồn. Trong quá trình kiểm soát cũng sẽ tăng cường lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ để đề phòng các hành vi chống đối lại CSGT khi thực thi nhiệm vụ. Chúng tôi cũng huy động lực lượng CSCĐ, công an cơ sở để phối hợp cùng CSGT đảm bảo, ngăn chặn những hành vi chống đối. Những trường hợp chống đối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Thời gian tới, kế hoạch xử lý của lực lượng CSGT sẽ như thế nào? Liệu có sự nương nhẹ trong dịp Tết Nguyên đán vốn được coi là ngày vui của mọi người dân?
- Tôi khẳng định một lần nữa, lực lượng CSGT đã, đang và sẽ tiếp tục xử lý quyết liệt với những vi phạm về nồng độ cồn. Nếu tính riêng trong năm 2019, mỗi ngày đã có gần 500 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị CSGT xử lý. Lãnh đạo Bộ Công an và Cục CSGT đã chỉ đạo kiên quyết xử lý nồng độ cồn xuyên suốt trong năm 2019, 2020 và những năm tiếp theo. Lực lượng CSGT sẽ liên tiếp có những đợt cao điểm, chuyên đề để kiểm soát nồng độ cồn trong năm, đặc biệt trước mắt là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội đầu xuân năm 2020. Chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng, phương tiện, mở cao điểm bảo đảm Tết, trong đó chú trọng kiểm soát nồng độ cồn và ma túy đối với người tham gia giao thông.
- Hiện nay một số lái xe đã trang bị máy xóa nồng độ cồn, hoặc trên mạng xã hội đang quảng cáo về một số loại “thần dược” với các tên gọi như “thuốc giải rượu thần tốc”, kẹo “đánh bay nồng độ cồn”. Quan điểm của Cục CSGT về vấn đề này như thế nào?
- Theo quan điểm của chúng tôi, không có thiết bị nào “đánh bay” được nồng độ cồn ngoài ý thức của chúng ta. Bạn phải biết tỉnh táo khi tham gia giao thông, bạn phải biết được rằng mình có uống bia, rượu hay không, và hãy nhớ là: “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.
- Trong lĩnh vực giao thông đường thủy thì quy định về nồng độ cồn có giống với đường bộ hay không và xử lý ra sao?
- Đây là việc chúng ta thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Tất cả các vi phạm trong lĩnh vực giao thông, kể cả đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa thì chúng tôi cũng tăng cường kiểm soát nồng độ cồn. Ví dụ trên đường sắt chúng tôi tăng cường kiểm soát nồng độ cồn của nhân viên đường sắt, khách đi tàu, người gác chắn… để đảm bảo an toàn. Còn trên đường thủy nội địa thì chúng tôi cũng tăng cường kiểm soát đối với thuyền trưởng, người lái phương tiện đường thủy nội địa…
- Xin cảm ơn Thượng tá!