Kiểm tra nồng độ cồn: “Ma men” run sợ, không dám lái xe trên đường
Sau hơn 1 tuần thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP, số trường hợp vi phạm giảm mạnh, thậm chí có những buổi tối lực lượng CSGT không phải lập biên bản một trường hợp nào.
“Chúng tôi không dám uống rượu bia nữa”
Thông tin từ phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An, sau hơn 1 tuần thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người dân trên địa bàn đã chấp hành quy định một cách khá nghiêm chỉnh. Việc uống rượu bia giảm mạnh, đặc biệt là thực hiện việc “đã uống rượu, không lái xe” khá nghiêm túc.
Tại Quốc lộ 46, vào khoảng 21h, các chiến sĩ đội CSGT 1.46, thuộc phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An lập chốt kiểm tra, xử lý nồng độ cồn. Trong 2 tiếng kiểm tra, CSGT đã dừng xe kiểm tra 40 tài xế nhưng không phát hiện trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn.
Tài xế Nguyễn Văn Bình đi từ TP.Vinh về TX.Cửa Lò cho biết: “Hôm nay có mấy người rủ nhậu nhưng tôi từ chối hết, mức xử phạt quá cao nên ai cũng sợ. Chẳng ai dám uống rượu bia nữa. Nhưng như thế cũng tốt, đỡ một khoản nhậu, lại có thời gian về nhà ăn cơm với gia đình”.
Theo những lái xe đường dài, do áp lực nên vào lúc nghỉ ngơi họ thường uống 1-2 cốc bia để thư giãn, hoặc để ngủ ngon sau chặng đường vất vả. Tuy nhiên, từ khi biết về Nghị định 100 thì không ai còn dám uống nữa, bởi chỉ cần chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1l khí thở thì lái xe ô tô cũng đã bị phạt từ 6-8 triệu đồng.
Tại Quốc lộ 48, lực lượng CSGT 1.48, thuộc phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An cũng lập chốt kiểm tra. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là từ những ngày đầu cho đến thời điểm hiện nay rất ít khi đội phải lập biên bản vi phạm nồng độ cồn.
“Tài xế Quốc lộ 48 đều lái xe đường dài nên việc họ sử dụng rượu bia rất ít. Ngoài ra, do công tác tuyên truyền tốt nên người dân cũng rất chấp hành không sử dụng rượu bia khi lái xe”, Đội phó CSGT 1.48 cho hay.
Chưa có trường hợp nào ăn hoa quả mà bị phạt nồng độ cồn
Theo số liệu của phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An, từ 1/1 – 8/1, các lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt 77 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, trong đó có 25 tài xế xe ô tô (2 tài xế xe tải) và 52 lái xe mô tô.
Đặc biệt, tất cả các trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên đều do uống rượu bia, không có trường hợp nào ăn hoa quả mà bị phạt như nhiều người lo lắng. Qua ghi nhận thực tế trong tuần đầu tiên thực hiện xử phạt theo các khung tăng nặng của Nghị định 100/NĐ-CP, người dân đã hưởng ứng tích cực. Cũng vì vậy tình trạng vi phạm đang giảm dần.
Cùng với tích cực tuyên truyền, phòng CSGT tỉnh đã phối hợp tích cực với các cơ quan báo chí kịp thời giải đáp nhiều thắc mắc phát sinh từ thực tế khi một số người dân lo lắng việc sử dụng các thực phẩm vẫn có thể “dính” nồng độ cồn, tự ý bỏ phương tiện sẽ bị xử lý ra sao...
Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An cũng cho hay, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, không chỉ riêng mức xử phạt đối với nồng độ cồn, các hành vi vi phạm khác như vượt đèn đỏ, không thắt dây an toàn, sử dụng điện thoại... cũng được tăng cao.
Bởi vậy người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành, trước hết là để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình, cũng như người tham gia giao thông trên đường, tiếp nữa là không bị xử phạt ảnh hưởng đến kinh tế, quyền điều khiển phương tiện nếu bị tước giấy phép lái xe.
“Những quy định trong Luật mới hiện nay rất đúng và cần thiết. Cụ thể, ngoài cấm người điều khiển phương tiện giao thông trong hơi thở hoặc trong máu có nồng độ cồn, kể cả xe đạp và những phương tiện thô sơ khác, còn cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia...
Tôi cho rằng, với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, nhất là từng cán bộ, công chức và lực lượng chức năng trong thực thi công vụ ở mỗi địa phương, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được”, Đại tá Phượng nói.
Vận động cán bộ, đảng viên “đã uống rượu bia - không lái xe”
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch ủy ban ATGT quốc gia tại hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.
Để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông trong năm 2020, với mục tiêu giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết, số bị thương do TNGT so với năm 2019, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng yêu cầu ủy ban ATGT quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch năm ATGT 2020 với chủ đề “đã uống rượu, bia - không lái xe” và các giải pháp bảo đảm TTATGT trong dịp lễ, Tết và các thời điểm có tình hình TTATGT phức tạp; phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp những bất cập về quy định của pháp luật, chính sách trong bảo đảm TTATGT để kiến nghị đưa vào chương trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian sớm nhất.