Không chỉ “thuốc viên bột mì” mới gây hại, thuốc giả tinh vi cũng nguy hiểm khôn lường!
Ngày xưa những kẻ phạm tội chủ yếu làm thuốc giả theo 3 loại đầu tiên. Bây giờ, bọn bất lương sản xuất thuốc giả tinh vi hơn nhiều, chủ yếu ở loại thứ tư và thứ năm.
LTS: Một thông tin giật mình vừa được công bố: ngoài thuốc ung thư giả H-Capita, còn 7 loại thuốc khác cũng do VN Pharma đã bị Cục Quản lý Dược rút khỏi danh sách lưu hành tại Việt Nam từ ngày 19/9/2014, và chúng đều được kê khai là của Công ty Helix Pharmaceuticals Inc ở Canada (kết quả điều tra đây là "công ty ma", không tồn tại).
Khi Canada không có công ty dược nào là Helix Pharmaceuticals, mà cả 7 loại thuốc trên đều do "Công ty ma" này sản xuất thì rõ ràng các loại thuốc này khó có thể là thuốc thật. Đáng lo ngại hơn, có những loại trong số này là kháng sinh, mà kháng sinh nếu là giả thì vô cùng nguy hiểm với người bệnh.
Tiếp tục trong loạt bài về nhận diện thuốc giả, chúng tôi đăng tải bài viết của dược sĩ Trần Thanh Cảnh, chỉ ra 5 loại thuốc giả phổ biến và nguy hại khôn lường do chúng gây ra.
Căn cứ vào định nghĩa của Tổ chức y tế thế giới WHO và quy định của Luật Dược hiện hành nước ta, chúng ta có thể chia thuốc giả thành các loại sau đây để cùng nhau xem xét kỹ lưỡng hệ lụy của loại sản phẩm đặc biệt liên quan đến tính mạng và sức khỏe con người này. Nó gồm năm loại sau:
1. Thuốc giả hoàn toàn không có hoạt chất chữa bệnh
Trong viên thuốc chỉ là bột mì, bột gạo hay đường, không có một chút hoạt chất chữa bệnh nào.
Đây là loại thuốc giả cổ điển nhất. Nó thịnh hành ở các nước, trong các thời kỳ kinh tế khó khan khiến mọi thứ đều khan hiếm, kể cả cái thiết yếu nhất cho con người là thuốc chữa bệnh.
Tại nước ta đã có một thời kỳ như thế. Dân một làng cạnh quê tôi (làng này vùng tôi ai cũng biết tên, nhưng nay họ bỏ rồi nên không nêu tên ra nữa) từng có một cái nghề quái gở là nghề làm thuốc giả!
Họ đi mua những cái máy dập viên quay tay về, lấy bột mì, bột gạo... đưa vào máy dập thành viên Penicilin, Tetraxyclin... đem bán như thuốc! Hệ lụy của hành động này thì ai cũng biết, uống "thuốc" này vào bệnh chả thấy đỡ mà thấy càng nặng hơn. Có khi còn sinh ra đi ngoài vì bột sắn bột mì để lâu sẽ mốc! Thật là "tiền mất tật mang".
2. Thuốc giả có hoạt chất chữa bệnh nhưng không đủ hàm lượng
Ví dụ viên nén Paracetamol 500mg nhưng thực tế đem định lượng nó chỉ có 100mg Paracetamol còn là tá dược không có tác dụng chữa bệnh.
Cái kiểu này cũng hay sinh ra trong những thời đói kém khó khăn. Hệ quả cũng xêm xêm cái trò thuốc làm từ bột mì. Có khi còn nặng hơn vì ai cũng biết muốn trị khỏi được bệnh thì cần phải uống thuốc đủ liều.
Nhất là những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn: uống thuốc giả không đủ hàm lượng, không khỏi bệnh đã đành lại còn có thể gây nhờn thuốc, lợi bất cập hại.
Tác giả bài viết: Dược sĩ Trần Thanh Cảnh. Ông đã có hơn 30 năm làm việc trong ngành dược.
3. Thuốc giả có hoạt chất sai với tên đăng ký
Ví dụ nhãn thuốc đề là Capecitabine chữa ung thư nhưng thực tế hoạt chất chỉ là Vitamin B1.
Đây cũng là một trò sản xuất thuốc giả đã khá cũ nhưng vẫn thỉnh thoảng thấy xuất hiện trở lại. Tất nhiên hậu họa của nó vẫn vô cùng thảm khốc như thường, người bệnh uống "thuốc" đó vào không có một tác dụng gì.
Như thế bệnh không được ngăn chặn kịp thời, thậm chí ngày càng nặng hơn và rồi vô phương cứu chữa. Không có một sự táng tận lương tâm nào hơn những trường hợp này nữa!
4. Thuốc giả có hoạt chất chữa bệnh, đủ khối lượng cho một sản phẩm nhưng không đạt tiêu chuẩn đã đăng ký
Một sản phẩm thuốc khi sản xuất ra không chỉ phải đảm bảo về nồng độ hàm lượng hoạt chất chữa bệnh mà còn phải đạt hàng loạt các chỉ tiêu về lý hóa, vi sinh, tạp chất… sao cho thuốc hấp thu tốt vào cơ thể con người mà không ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe người bệnh.
Một trong những hành vi làm thuốc giả đang được WHO khuyến cáo ngành y tế các nước hết sức chú ý là hành vi cố tình làm sai tiêu chuẩn thuốc đăng ký: Nhà sản xuất không trung thực tuyên bố sản phẩm của mình sản xuất theo tiêu chuẩn của các nước phát triển nhưng thực tế họ lại sản xuất theo tiêu chuẩn của các nước thế giới thứ ba.
Điều này hay xảy ra với trường hợp các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia có nhà máy chi nhánh khắp thế giới, cả tại các nước phát triển và chưa phát triển.
Họ có thể sản xuất tại các nước chưa phát triển, theo tiêu chuẩn của các nước đó để tiêu thụ tại thị trường đó, nhưng tuyên bố sản xuất theo tiêu chuẩn các nước phát triển nên sẽ tính chi phí sản xuất cao. Họ sẽ bán với giá cao gấp nhiều lần giá thuốc sản xuất theo tiêu chuẩn nội địa. Và họ sẽ thu siêu lợi nhuận.
Hệ lụy là người bệnh tuy vẫn được dùng thuốc đúng, vẫn có thể được chữa khỏi bệnh nhưng sẽ phải trả chi phí chữa bệnh tăng cao gấp nhiều lần giá trị thực. Do vậy người bệnh không đủ tiền để được điều trị theo đúng phác đồ, gia tài khánh kiệt, hậu quả là nhiều người chết trước khi được chữa khỏi và người còn lại cũng sống dở. Chết vì hết tiền chứ không phải bởi vì không thể chữa khỏi.
5. Thuốc giả có hoạt chất đúng nhưng khai sai/khai gian nguồn gốc xuất xứ
Ví dụ thuốc sản xuất tại Ấn Độ, Trung Quốc khai, dán nhãn sản xuất tại Pháp, Mỹ. Thuốc do các công ty nhỏ, ít tiếng tăm trên thị trường nhưng lại khai, in nhãn của các hãng lớn sản xuất như Bayer, Pfizer...
Đây chính là thủ đoạn của bọn làm ăn bất lương đang áp dụng nhiều nhất hiện nay. Trong trường hợp này, người bệnh không chết, vẫn có thể khỏi bệnh thế nhưng chi phí chữa bệnh sẽ là cao khủng khiếp so với cái mà họ lẽ ra phải được hưởng. Hậu quả giống như trường hợp số 4.
Tôi xin lấy ví dụ thế này để các bạn dễ hình dung: Giá một viên thuốc kháng sinh Ciprofloxacin 500mg của Ấn Độ là khoảng 1 ngàn đồng Việt Nam. Cũng viên Ciprofloxacin 500mg nhưng là của hãng Bayer (Đức) sản xuất có giá bán là 15 ngàn đồng một viên!
(Ảnh minh họa)
Bạn thấy không, chênh nhau khoảng 15- 20 lần là thường. Nếu bọn gian thương đánh tráo xuất xứ, nhãn hiệu... chúng sẽ móc túi người bệnh bao nhiêu tiền? Người bệnh và cả gia đình họ sẽ suy sụp về kinh tế, sẽ trở lại vòng đói nghèo luẩn quẩn.
Ngày xưa nhận thức về thuốc giả khá thô sơ. Ngay những kẻ phạm tội cũng khá thô sơ, chủ yếu là làm thuốc giả theo ba loại đầu tiên. Bây giờ, bọn bất lương sản xuất thuốc giả tinh vi hơn nhiều, chủ yếu ở loại thứ tư và thứ năm.
Hệ lụy không thể đo đếm
Thế nhưng khi suy xét kỹ về các hệ lụy do thuốc giả bây giờ gây ra tôi thấy kinh hoàng hơn xưa. Ở góc độ chung của ngành dược toàn thế giới, ai cũng biết rằng để nghiên cứu và đưa vào sản xuất thành công một loại thuốc mới là vô cùng kỳ công và đắt đỏ.
Có những loại thuốc đã phải chi hàng tỷ đô la cho nghiên cứu phát triển, thế nên các công ty đã đầu tư vào nghiên cứu thuốc mới có quyền thu lợi chính đáng. Luật về bản quyền toàn thế giới bảo hộ điều đó.
Bọn làm thuốc giả không những thu lợi bất chính mà còn góp phần làm phá sản, xóa sổ các công ty dược làm ăn chân chính xây đắp thương hiệu bằng trí tuệ. Và tất nhiên như thế sẽ cũng là thiệt hại chung của cả nhân loại.
Sẽ là thảm họa toàn cầu nếu dịch bệnh xảy ra mà không có thuốc đặc trị.
Việc làm thuốc giả, nếu chỉ dẫn đến chết một vài người thì việc phát hiện và ngăn chặn cực dễ và rất nhanh chóng. Nhưng công nghệ làm thuốc giả tinh vi bây giờ hầu như không gây chết người ngay tại chỗ mà thường để lại hậu họa khôn lường, phải có nhiều thời gian mới thấy. Đó là hậu họa về sức khỏe của cộng đồng; hậu họa về môi trường bệnh tật.
Nước ta, đa số nhân dân còn nghèo thì cái hậu họa về thuốc giả, nhất là giả nguồn gốc xuất xứ không biết đâu mà lường hết nổi.
Giá thuốc quá cao do những chi phí gian manh sẽ tước đi cơ hội được chữa bệnh của số đông người. Gánh nặng chi phí y tế sẽ triệt tiêu nguồn lực phát triển của cá nhân, gia đình, cộng đồng, thậm chí là cả quốc gia!
Nhưng cái nhóm lợi ích trong y tế: Công ty dược bất lương - Thầy thuốc biến chất - Quan chức y tế hủ bại, sẽ ngày càng giàu sụ trên những nỗi đau đớn của người bệnh!
Song cũng đừng vội tay nhanh hơn não
Cách đây vài hôm, có anh bạn nhà thơ ở xa gọi điện cho tôi kể bị viêm hạch phải đi khám bệnh viện và được kê đơn kháng sinh Cephalexin 500mg về uống. Tôi bảo: anh uống cả tấn thuốc ấy cũng chả khỏi bệnh được, tốt nhất là anh hãy đến bệnh viện đề nghị đổi thuốc khác! Anh ấy có vẻ không tin, vẫn uống thuốc nhưng chỗ viêm ngày càng đau hơn.
Anh ấy lại phải xuống viện và đề nghị bác sĩ kê đơn thuốc theo gợi ý của tôi. Về uống, kết quả là sau một tuần anh ấy trở lại bình thường...
Kể chuyện này ra với các bạn để nói rằng nghề thuốc, nghề y là một nghề phức tạp, cần được học hành bài bản để làm và phải cập nhật kiến thức thường xuyên.
Tôi biết chắc chắn rằng Cephalexin tại vùng anh bạn tôi đang sống hầu như đã không còn tác dụng với mọi loại vi khuẩn. Vậy kê đơn Cephalexin cho trường hợp này thì cũng chả khác cho uống thuốc giả là bao, bởi nó không có tác dụng gì.
Cho nên trong trường hợp mà các bạn bị bệnh, đã uống thuốc nhưng chưa thấy đỡ thì cũng đừng vội chửi là thuốc giả nhé! Hãy bình tĩnh tham khảo ý kiến của thày thuốc, như trong tờ hướng dẫn sử dụng các loại thuốc đều có một dòng bắt buộc: "Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu có vấn đề gì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn".
Nói thêm những điều trên để các bạn thấy rằng, dù vụ việc của VN Pharma xảy ra có làm nhân dân choáng váng, dù ngành y tế còn có nhiều khiếm khuyết thế nhưng về cơ bản vẫn là chỗ dựa tin cậy của người bệnh. Chắc chắn phải là như vậy!
Đừng quá hoang mang!
Tôi cũng phải xin nhắc lại một lần nữa rằng, các bạn đừng quá hoang mang! Thực ra hệ thống để phát hiện ngăn chặn thuốc giả của ta vận hành khá tốt. Các loại thuốc làm giả theo mấy cách cổ điển trên đây đã hầu như bị ngăn chặn và loại trừ ra khỏi hệ thống.
Chỉ có cách làm giả xuất xứ của thuốc khá tinh vi và tập trung vào một số thuốc đặc trị, đắt tiền, có nhu cầu cao thì thực tế diễn biến khá phức tạp.
Muốn loại trừ vấn đề nhức nhối này, đòi hỏi những nhà quản lý dược phải giỏi chuyên môn và tuyệt đối công tâm, đặt sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân lên hàng đầu trong chức nghiệp. Và nhất là chúng ta phải cải cách ngay cơ chế quản lý y tế đang có quá nhiều kẽ hở, để làm sao không lọt những con sâu bọ vào đục khoét nhân dân thì mới có thể giải quyết được vấn đề này.